Nghỉ học dài vì covid-19: Cơ hội đổi mới dạy và học?

Học sinh phải rèn thêm kĩ năng tự học, giáo viên làm quen với việc ghi âm, ghi hình, dùng phần mềm giảng dạy… Việc nghỉ học kéo dài phòng dịch covid-19 đã buộc thầy và trò phải thay đổi để thích ứng. Ngành giáo dục có thể chớp cơ hội biến sự thay đổi thích ứng này thành bước phát triển nhảy vọt.    
TPHCM gửi công văn kiến nghị cho học sinh cả nước nghỉ hết tháng 3 Đồng Nai ôn tập cho học sinh qua truyền hình Trường ngoài công lập mong đón học sinh trở lại trường Nhiều người ảnh hưởng vì học sinh nghỉ kéo dài

Gấp rút triển khai dạy và học trực tuyến

Nếu trong những ngày đầu tiên nghỉ học phòng dịch, phần lớn thầy cô chỉ giao bài qua facebook, zalo, học sinh nhận bài và làm như bài tập ở nhà bình thường thì nay sau 18 ngày, câu chuyện dạy và học đã rất khác.

Ban đầu là những ngôi trường đã chuẩn bị sẵn cơ sở hạ tầng đi tiên phong trong việc dạy và học trực tuyến. Tiếp đó là sự vào cuộc đồng loạt của các ông lớn công nghệ cung cấp các phần mềm dạy và học trực tuyến giúp nhiều trường tại các địa phương có thể tổ chức các lớp học trực tuyến giữa lúc phải nghỉ học kéo dài phòng dịch corona.

Em Trần Ngọc Bích - Học sinh trường THPT Thái Phiên - Hải Phòng cho biết: Trường em bắt đầu dạy trực tuyến từ 10/2. Lúc mới đầu em còn lúng túng, phải nhờ người nhà cài giúp phần mềm rồi tìm cách vào đúng lớp học. Mấy hôm đầu tiên, lớp nháo nhào nhắn tin, gọi điện hỏi nhau cách làm sao để vào được lớp học online mà thầy bảo. Sau dần dần tới giờ cũng quen nên không còn khó khăn gì mấy.

nghi hoc dai vi covid 19 co hoi doi moi day va hoc
Giao diện bài học trực tuyến trường THPT Thái Phiên

Tại trường THPT Lê Quý Đôn - Hải Phòng và trường THPT Hải An, từ việc tập huấn giáo viên đến việc có những bài giảng trực tuyến tải lên website, fanpage chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy 1 tuần.

Thầy Vũ Mạnh Hải, giáo viên môn Hóa trường THPT Lê Quý Đôn cho biết: Trường thông báo tập huấn vào 12/2 ; 13/2 và đến 17/2, các thầy cô đã có những bài giảng được quay dựng công phu được đăng tải trên website và fanpage trường. Ngoài việc tập huấn, trường cũng khuyến khích các thầy cô tự cập nhật công nghệ để đáp ứng ngay nhu cầu dạy và học trong giai đoạn này.

Tại Thái Bình, việc chuyển giao phần mềm ứng dụng CNTT trong dạy - học trực tuyến mới diễn ra trong ngày 18/2 và đến 20/2, phần mềm đã được vận hành, sẵn sàng phục vụ thầy và trò toàn tỉnh.

nghi hoc dai vi covid 19 co hoi doi moi day va hoc
Lớp học trực tuyến ở Trường quốc tế Kinh Bắc

Rất nhiều địa phương khác cũng khuyến khích thầy và trò duy trì liên lạc, giao nhiệm vụ học tập, hướng dẫn học sinh tự học qua các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Những khó khăn ban đầu

Theo em Ngọc Bích, trong các lớp học trực tuyến em tham gia, vì mới lạ nên sự tương tác giữa giáo viên và học sinh không nhiều, bất tiện trong phát biểu trong giờ học. Hơn nữa nội dung truyền tải vẫn còn bị ngắt quãng do mạng hoặc tiếng ồn bên ngoài. Học sinh không tập trung được như ở trên lớp.

Cô Mai Phương thì cho rằng: Phần mềm dạy và học trực tuyến không khó sử dụng nhưng đối với học sinh cấp 3, các em còn chưa quen với việc học online nên nhiều học sinh lúng túng khi cài đặt, sử dụng phần mềm. Việc học online hiện nay nhà trường triển khai vẫn còn nhiều bất cập, như rất khó quản lý hết toàn bộ học sinh, phần lớn vẫn mong chờ ở ý thức các em. Việc điểm danh online rất khó, nhiều học sinh chỉ điểm danh rồi không học khiến việc quản lý lớp khó khăn hơn.

Cũng nhắc tới khó khăn của thầy cô như các phần mềm còn chưa hoàn thiện, việc quay clip bằng máy thường buộc các thầy cô phải đến trường, phải cắt ghép không chủ động được thời gian… nhưng thầy Mạnh Hải cho rằng kì nghỉ dài phòng dịch đang buộc cả thầy phải trò phải nhanh chóng thay đổi, ứng dụng công nghệ nhiều hơn để thích ứng và phát triển.

Cơ hội để “phá kén”?

Trên thực tế yêu cầu đổi mới giáo dục đã là vấn đề cấp thiết nhiều năm qua, thể hiện qua những chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ GD-ĐT công bố cuối năm 2018, thực hiện từ năm học 2020-2021.

Bộ cũng từng khẳng định: "Những biến đổi về khí hậu, tình trạng cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái và những biến động về chính trị, xã hội cũng đặt ra những thách thức có tính toàn cầu”.

Dịch covid-19 là một tình huống bất khả kháng và việc nghỉ học kéo dài để phòng dịch đặt ra một tiền lệ để ngành giáo dục có thể nhìn lại và quyết liệt tìm lời giải cho bài toán đổi mới mạnh mẽ nền giáo dục, cả về nội dung, chương trình lẫn cách thức dạy - học, kiểm tra, đánh giá…

Cô Phạm Liên Hương, Giám đốc trường quốc tế Kinh Bắc (KBIS), một trường tư thục sử dụng ngay phương thức học trực tuyến trong ngày đầu tiên có lệnh nghỉ học cho biết: “Phương thức học trực tuyến ở KBIS được áp dụng với mục tiêu giúp học sinh: Có thói quen tự học, tự nghiên cứu, tự tổng hợp kiến thức. Học sinh được luyện tập thuyết trình, có kiến thức để trao đổi, thảo luận trong tiết học”.

Trong tình huống hiện tại, cô Liên Hương nhấn mạnh: “Các nhà giáo phải chiến đấu với chính mình, vượt qua sự e ngại sử dụng các hình thức giao tiếp mới, công nghệ truyền thông trong giáo dục”.

nghi hoc dai vi covid 19 co hoi doi moi day va hoc
Học sinh trường THPT Lê Quý Đôn - Hải Phòng trong một giờ học

Dù việc triển khai phần mềm trực tuyến tại trường THPT Lê Quý Đôn còn nhiều ngổn ngang nhưng thầy Trần Đức Ngọc - Hiệu trưởng nhà trường - đã truyền đi quyết tâm đổi mới bằng công nghệ với toàn thể giáo viên trong cuộc họp hội đồng.

"Thời điểm dịch là cơ hội để thầy cô và nhà trường tiếp xúc sâu hơn với công nghệ. Sau dịch, chúng tôi cần áp dụng một cách bài bản hơn. Trường Lê Quý Đôn đặt mục tiêu trở thành một trong những trường đưa công nghệ thông tin vào dạy học số một của TP Hải Phòng", thầy Ngọc nói.

Việc các trường, các địa phương gấp rút triển khai lớp học trực tuyến để ứng phó với tình hình dịch bệnh phức tạp chắc chắn sẽ nảy sinh rất nhiều khó khăn cần thầy và trò khắc phục, cần phụ huynh, cộng đồng chung tay tiếp sức. Điều quan trọng là việc nghỉ dài phòng dịch bệnh đặt ra yêu cầu buộc thầy và trò phải thay đổi để thích ứng. Để biến sự thích ứng thành bước phát triển nhảy vọt của ngành giáo dục, cần tư duy lãnh đạo cởi mở, quyết tâm vượt qua chính mình của thầy và trò cũng như sự ủng hộ và đồng thuận của phụ huynh. Làm sao để thầy là nhân tố truyền cảm hứng, là hướng đạo sinh, còn học trò làm chủ kỹ năng, chủ động trong tiếp nhận tri thức.

Huyền My - Phạm Mạnh
Phiên bản di động