Nghị định 126 không làm thay đổi cách tính cước và chiết khấu tài xế Grab
Từ 1/4, Grab và Be tạm dừng hàng loạt dịch vụ Grab lại bị phạt liên quan khoản vay nước ngoài |
Những ngày gần đây đã diễn ra tranh cãi về việc hãng gọi xe Grab tăng cước và mức chiết khấu đối với tài xế sau khi Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế (Nghị định 126) có hiệu lực thi hành từ 5/12/2020.
Theo đó, Grab công bố thay đổi chính sách thuế áp dụng cho toàn bộ đối tác tài xế của mình và tăng giá cước cơ bản của các dịch vụ GrabCar, GrabBike, GrabFood và giao hàng siêu tốc cũng điều chỉnh tăng. Theo quy định, chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT) áp dụng cho các nền tảng đặt xe và toàn bộ các đối tác tài xế công nghệ sẽ thay đổi.
Cách tính thuế mới của Grab |
Với quy định này, Grab sẽ tiến hành kê khai thuế giá trị gia tăng trên toàn bộ doanh thu hợp tác, bằng cách khấu trừ ngay nghĩa vụ thuế VAT (thuế suất 10%) cho toàn bộ cuốc xe vận tải, trước khi phân chia doanh thu theo hợp đồng cho đối tác. Grab cho biết, tỷ lệ phân chia không thay đổi (ở mức 75% hoặc 80%). Mức thuế thu nhập cá nhân cũng được giữ nguyên là 1,5%.
Grab tăng mức khấu trừ với tài xế |
Sau đó, từ ngày 7/12, do bức xúc trước việc tăng mức khấu trừ của Grab, hàng trăm tài xế tại Hà Nội đã đồng loạt tắt ứng dụng, tập trung tại các trụ sở Grab và nhiều địa điểm khác nhau để phản ứng với chính sách mới của hãng gọi xe này.
Chia sẻ với báo chí về việc này, đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, cách tính như hiện nay của Grab chưa thực sự chuẩn xác, bởi hãng này sẽ không thể vừa tăng cước mỗi chuyến xe và tăng cả mức khấu trừ đối với các tài xế.
Tài xế tập trung phản đối chính sách mới của Grab |
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, theo quy định tại Nghị định 126 thì hình thức tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân (bao gồm cả lĩnh vực taxi công nghệ) thì tổ chức phải có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng và xuất hoá đơn trên toàn bộ doanh thu theo quy định về thuế suất và khai thuế của tổ chức; tổ chức chỉ khấu trừ và khai thay, nộp thay cho cá nhân đối với thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật thuế thu nhập cá nhân không phân biệt hình thức phân chia khoản tiền thu được giữa tổ chức và cá nhân.
Như vậy, các tổ chức hợp tác kinh doanh như Grap, Goviet, Bee… sẽ phải tiến hành khai thuế giá trị gia tăng cho toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh với mức thuế là 10% và khai thay, nộp thay thuế thu nhập cá nhân (1,5%) cho các tài xế hợp tác với các hãng xe công nghệ này.
Theo đại diện Tổng cục Thuế, với quy định cách tính thuế mới này nhằm thu thuế VAT theo đúng bản chất hoạt động kinh doanh, lái xe chỉ có trách nhiệm nộp phần thuế thu nhập cá nhân 1,5%, nếu thu nhập vượt quá 100 triệu đồng/năm và sẽ không phải nộp 3% thuế giá trị gia tăng như hiện nay mà trách nhiệm nộp thuế giá trị gia tăng thuộc về doanh nghiệp.
''Nghị định 126 đã quy định rõ hơn về việc khai thuế đối với mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân, không phải quy định mới về chính sách thuế giá trị gia tăng mà chính sách thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động vận tải công cộng không thay đổi, vẫn áp dụng thuế suất 10% như từ trước đến nay'', đại diện Tổng cục Thuế khẳng định.
Như vậy, theo đại diện Tổng cục Thuế, quy định mới tại Nghị định 126 không làm tăng nghĩa vụ của cá nhân tài xế (tài xế chỉ chịu thuế thu nhập cá nhân 1,5% nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng), không làm tăng giá cước vận tải (do chính sách thuế giá trị gia tăng 10% đối với vẫn tải không thay đổi mà vẫn áp dụng từ trước đến nay).