Ngành Kiểm sát Thủ đô cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, không để tồn đọng, kéo dài
Ngành Kiểm sát giúp thu hồi hơn 35.000 tỷ từ tội phạm tham nhũng, kinh tế Đưa ảnh Nguyễn Hữu Linh với trang phục ngành kiểm sát có đúng? |
Các đồng chí lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, thành phố Hà Nội dự hội nghị |
Sáng 17/1, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021; Triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022.
Tới dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội: Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông…
Không để xảy ra oan sai, không bỏ lọt tội phạm
Năm 2021, Viện Kiểm sát Nhân dân hai cấp thành phố tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, chủ động, nghiêm túc triển khai các yêu cầu công tác của ngành và địa phương; Cụ thể, 120/130 chỉ tiêu đạt và vượt theo hệ thống chỉ tiêu của ngành. Một số chỉ tiêu cũng duy trì ở tỷ lệ cao như yêu cầu xác minh, yêu cầu điều tra, tỷ lệ kiểm sát các vụ việc đều đạt 100%; Tỷ lệ bắt giữ chuyển khởi tố hình sự đạt 99,99%; Tỷ lệ truy tố đúng thời hạn đạt 100%; Truy tố bị can đúng tội danh đạt 99,95%; Tỷ lệ giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt 100%.
Đối với các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng thành phố trực tiếp chỉ đạo, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ủy quyền cho Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố thực hành quyền công tố và Tòa án Nhân dân thành phố xét xử sơ thẩm đều là các vụ án nghiêm trọng, phức tạp. Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố luôn cử những kiểm sát viên có kinh nghiệm thực hành quyền công tố tại tòa, bảo đảm việc xét xử theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật, không để xảy ra oan, sai; Không bỏ lọt tội phạm.
Trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, ngành Kiểm sát thành phố đã bám sát chỉ đạo của Thành ủy về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tổ chức thi hành án, thu hồi tiền, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế theo chỉ đạo của Trung ương; Kế hoạch số 09-KH/TU của Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”... Công tác phục vụ nhiệm vụ chính trị được Viện Kiểm sát Nhân dân hai cấp thành phố thực hiện thường xuyên, hiệu quả; Được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao Cờ đơn vị xuất sắc phong trào thi đua năm 2021 của UBND thành phố Hà Nội tặng các tập thể |
Tham mưu đúng, trúng cho chính quyền giải pháp phòng ngừa tội phạm
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố đã đạt được trong năm 2021.
Điểm lại những kết quả mà Thủ đô Hà Nội đã đạt được trong năm qua, đặc biệt là tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ ổn định trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; Các sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hóa, xã hội, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước diễn ra trên địa bàn được bảo vệ tuyệt đối an toàn; Công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững... Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, những thành tích chung đó có sự đóng góp quan trọng của ngành Kiểm sát Thủ đô.
Chúc mừng những thành tích, kết quả mà Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố đã đạt được trên các mặt công tác trong năm 2021 song Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế như: Tỷ lệ tòa chấp nhận kháng nghị hình sự chỉ đạt 68%; Tỷ lệ Viện Kiểm sát cấp huyện gửi bản án hình sự đúng hạn đến Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố đạt 33,6%; Tỷ lệ thi hành án về tiền đạt 19,1%; Vẫn còn tình trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung, án sửa, hủy có lỗi của Viện kiểm sát... trong đó có trách nhiệm, vai trò của Viện Kiểm sát Nhân dân hai cấp thành phố.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội nghị |
Nhấn mạnh năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Tình hình trong nước và trên địa bàn Thủ đô có nhiều yếu tố phức tạp về an ninh, trật tự còn tiềm ẩn; Tình hình tội phạm sẽ còn diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều thủ đoạn phạm tội mới, tinh vi, nguy hiểm, tác động trực tiếp đến nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Thủ đô… Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị mỗi cán bộ, đảng viên ngành Kiểm sát thành phố phát huy tinh thần đoàn kết, giữ vững bản lĩnh, tập trung trí tuệ, cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao giao.
Trong đó, bên cạnh việc triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng, ngành Kiểm sát cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm tham nhũng, xâm hại trẻ em, tội phạm công nghệ cao, tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch; Đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, không để tồn đọng, kéo dài; Không bỏ lọt tội phạm, không để oan người vô tội, hạn chế đến mức thấp nhất án bị hủy, sửa do lỗi của Viện kiểm sát.
Bên cạnh đó, ngành Kiểm sát thực hiện tốt vai trò công tố trong các vụ việc, vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Ban Thường vụ Thành ủy; Ban Nội chính Thành ủy quan tâm chỉ đạo, nhất là những vụ án phức tạp, nghiêm trọng có liên quan tới cán bộ, đảng viên...
Đồng thời, Viện Kiểm sát cần chủ động nắm bắt, dự báo tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật để tham mưu đúng, trúng cho cấp ủy, chính quyền những giải pháp phòng ngừa tội phạm trên địa bàn; Tiếp tục phối hợp có hiệu quả với cơ quan điều tra, Tòa án Nhân dân, cơ quan thi hành án cùng cấp thực hiện tốt các nhiệm vụ, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, xây dựng hình ảnh người cán bộ Kiểm sát Thủ đô vững về chính trị, tinh thông pháp luật, văn minh trong giao tiếp, ứng xử; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác chuyên môn và quản lý, chỉ đạo, điều hành. Cùng với đó, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố phối hợp chặt chẽ với tòa án hai cấp thành phố trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, phiên tòa lưu động, bảo đảm phù hợp với chủ trương tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.
Ngành Kiểm sát giúp thu hồi hơn 35.000 tỷ từ tội phạm tham nhũng, kinh tế |
Đưa ảnh Nguyễn Hữu Linh với trang phục ngành kiểm sát có đúng? |