Ngân hàng SCB lại “xáo trộn” vị trí quyền Tổng Giám đốc

Ông Trương Khánh Hoàng sẽ đảm nhận vị trí quyền Tổng Giám đốc của Ngân hàng Sài Gòn (SCB) từ ngày 15/5/2021 thay cho ông Jeremy Chen.
Giám đốc chi nhánh Ngân hàng SCB làm giả hồ sơ “ăn chặn” hàng tỷ đồng của khách hàng Ngân hàng SCB bổ quyền Tổng giám đốc người nước ngoài Ngân hàng SCB có quyền Tổng giám đốc

Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Sài Sòn (SCB) vừa công bố quyết định bổ nhiệm nhân sự cấp cao.

Theo đó, ông Trương Khánh Hoàng sẽ đảm nhận vị trí quyền Tổng Giám đốc của SCB từ ngày 15/5/2021 thay cho ông Jeremy Chen.

Như vậy, chỉ chưa đầy một năm, vị trí quyền Tổng Giám đốc của SCB đã ba lần đổi chủ. Trước đó, cuối tháng 7/2020, ông Hoàng Minh Hoàn được bổ nhiệm vị trí quyền Tổng Giám đốc thay cho ông Võ Tấn Hoàng Văn.

Sau đó, đến tháng 10/2020, ông Jeremy Chen được bổ nhiệm làm quyền Tổng Giám đốc SCB, còn người tiền nhiệm Hoàng Minh Hoàn giữ chức Phó Tổng Giám đốc thường trực.

Đến nay, ông Trương Khánh Hoàng sẽ tiếp quản vị trí quyền Tổng Giám đốc của SCB. Như vậy, nhà băng này vẫn tiếp tục khuyết vị trí Tổng Giám đốc.

Được biết, ông Trương Khánh Hoàng đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Trước khi công tác tại SCB, ông Hoàng đã từng đảm nhiệm nhiều vị trí như: Giám sát phụ trách Thị trường vốn & Quan hệ đầu tư - Công ty Cổ phần Tập đoàn Nova; Giám đốc phụ trách Tài chính dự án cấp cao - Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Alpha King…

Tại SCB, ông Hoàng đã trải qua các vị trí: Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Tái thẩm định, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Điều hành Khối Phê duyệt Tín dụng và Xử lý nợ, Phó Tổng Giám đốc thường trực, trước khi đảm nhận vị trí quyền Tổng Giám đốc.

Ngân hàng SCB lại “xáo trộn” vị trí quyền Tổng Giám đốc
Ông Trương Khánh Hoàng - tân quyền Tổng Giám đốc SCB.

Về kết quả kinh doanh của SCB, năm 2020, ngân hàng dành 1.993 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro, nâng tổng quỹ dự phòng rủi ro lên 13.600 tỷ đồng. Kết quả, SCB báo lãi trước và sau thuế gấp hơn 3 lần năm trước, đạt hơn 696 tỷ đồng và 551 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2020, tổng tài sản tăng 12% so với đầu năm, đạt gần 634.417 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt tăng 21% (4.116 tỷ đồng), tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác giảm 59% (12.146 tỷ đồng), cho vay khách hàng tăng 5% (351.386 tỷ đồng)...

Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu của SCB đến cuối năm 2020 tăng 72% so với đầu năm, lên mức 2.835 tỷ đồng.

Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ gấp 2 lần đầu năm lên mức lần lượt 650 tỷ đồng và 555 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn tăng 52% lên mức 1.628 tỷ đồng. Kết quả kéo tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu lên mức 1,16% và 0,81%.

Vừa qua, trên cơ sở chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng Khoán Nhà nước, SCB cũng đã chính thức công bố phát hành thêm 500 triệu cổ phần để thực hiện tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỷ đồng và dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng 6/2021.

Trong một diễn biến khác, chiều 9/5, SCB đã phát đi thông cáo với nội dung cam kết không chối bỏ trách nhiệm của mình và sẽ tuân thủ các quyết định của cơ quan điều tra về việc nguyên Giám đốc SCB - chi nhánh Nguyễn Kiệm làm giả hồ sơ tín dụng để thu lợi bất chính gần 8 tỷ đồng.

Theo thông tin từ SCB, Công ty CP Đầu tư N&T có đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Như Nguyên đến SCB Nguyễn Kiệm để vay vốn đầu tư dự án, khoản vay 630 tỷ đồng và làm việc với bà Phương Hồng Tươi - Giám đốc SCB Nguyễn Kiệm. Giữa bà Tươi và ông Nguyên đã có mối quan hệ quen biết trước đó.

Ngày 24/3/2021, do quá lâu không thấy được cấp tín dụng và nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, Công ty CP Đầu tư N&T gửi đơn tố cáo bà Phương Hồng Tươi làm văn bản giả mạo lừa dối cho vay để nhận tiền gây thiệt hại cho công ty với số tiền gần 8 tỷ đồng.

Ngay khi nhận được đơn tố cáo của Công ty CP Đầu tư N&T, Ngân hàng SCB đã kiểm tra, rà soát toàn bộ hồ sơ, giấy tờ mà bà Phương Hồng Tươi thực hiện và giao cho doanh nghiệp.

Qua quá trình làm việc với Công ty CP Đầu tư N&T cùng bà Phương Hồng Tươi, SCB nhận thấy các hành vi của bà Tươi có dấu hiệu vi phạm Luật Hình sự; phạm tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015.

Cụ thể, hành vi làm giả tài liệu và sử dụng tài liệu giả, bao gồm thông báo, quyết định của Lãnh đạo SCB về việc cấp tín dụng đối với Công ty CP Đầu tư N&T; sử dụng email nội bộ của SCB để gửi các văn bản (giả) có liên quan đến khoản cấp tín dụng đến email của các nhân sự có liên quan đến Công ty CP Đầu tư N&T.

Qua kiểm tra nội bộ cho thấy không có việc Hội sở SCB tiếp nhận và xử lý đối với hồ sơ cấp tín dụng của Công ty CP Đầu tư N&T từ SCB Nguyễn Kiệm. Do đó, các tài liệu này không phải do cấp có thẩm quyền của SCB ký, đóng dấu và ban hành. Bà Tươi đã sử dụng các tài liệu giả nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật và xâm phạm đến hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng.

Trên cơ sở đó, SCB đã ra quyết định sa thải bà Phương Hồng Tươi do có hành vi cố tình lập hồ sơ giả, vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn cho vay. Đồng thời chuyển vụ việc đến cơ quan điều tra để làm rõ vụ việc.

Ngân hàng SCB tin tưởng cơ quan điều tra sẽ làm rõ vụ việc để có xử lý thích đáng đối với các vi phạm pháp luật của bà Phương Hồng Tươi. Đồng thời, SCB cũng cam kết không chối bỏ trách nhiệm của mình và sẽ tuân thủ các quyết định của cơ quan điều tra

Đồng thời, SCB cũng khuyến cáo khách hàng cẩn trọng, tuyệt đối tránh các sai phạm liên quan đến tính có thật của khoản vay cũng như khả năng tài chính của khách hàng. Các gian lận có thể bao gồm: Hối lộ cho cán bộ quản lý và nhân viên tín dụng để được vay vốn hoặc được hưởng những điều khoản vay có lợi; thông đồng cùng cán bộ nhân viên mgân hàng giả mạo thông tin trên hồ sơ vay vốn...

Hậu Lộc
Phiên bản di động