Ngân hàng phải đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp, chính sách tiền tệ cần nới lỏng hơn

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh quan điểm, giữa ngân hàng và doanh nghiệp cần lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn, tôn trọng, có trách nhiệm với nhau, cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên cơ sở quy định của pháp luật và phù hợp hoàn cảnh, tình hình...
Thống đốc: Một số ngân hàng đã bắt đầu cho vay gói nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng Phó Thống đốc lên tiếng về tình trạng các ngân hàng "ế" tiền

Chiều tối 6/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) về tình hình hoạt động của hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp SME và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Kết luận buổi làm việc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm hơn 97% số doanh nghiệp cả nước.

Về những khó khăn trong tiếp cận vốn, lãi suất còn cao, Thủ tướng nêu rõ, ngành ngân hàng đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng dư nợ tín dụng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng. Tuy nhiên, cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, triển khai các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, mang lại hiệu quả thiết thực hơn nữa, kịp thời hơn nữa.

Lắng nghe những trao đổi giữa ngân hàng và các doanh nghiệp tại cuộc làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm hai bên cần lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn, tôn trọng, có trách nhiệm với nhau, cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên cơ sở quy định của pháp luật và phù hợp hoàn cảnh, tình hình.

Ngân hàng phải đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp, chính sách tiền tệ cần nới lỏng hơn
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).

Đặc biệt, phải đặt mình vào địa vị của người khác; ngân hàng phải đặt mình vào vị trí các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đặt mình vào vị trí của các ngân hàng. Vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo lập các cơ quan, các địa phương phải vào cuộc cùng ngân hàng và doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với từng lĩnh vực, thậm chí là từng dự án.

Trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát và giảm dần, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, với định hướng chính sách ưu tiên hơn cho mục tiêu tăng trưởng, tập trung thúc đẩy 3 động lưc tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng tiếp tục quyết liệt triển khai các nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, đặc biệt là triển khai chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn thông qua tăng cung tiền, bảo đảm nhu cầu tín dụng, tăng trưởng tín dụng phù hợp, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất kinh doanh.

Theo Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh điều kiện cho vay thuận lợi hơn, tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay; đồng thời, theo dõi việc triển khai Thông tư 02 về cơ cấu lại nợ và Thông tư 03 về mua lại trái phiếu doanh nghiệp để điều chỉnh kịp thời nếu cần thiết.

Về thủ tục, Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Nội vụ tiếp tục rà soát để tiếp tục cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới và tăng cường giám sát, kiểm tra; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, tiếp tục hoàn thiện thể chế để cán bộ yên tâm làm.

Về vấn đề vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khiêm tốn, chúng ta phải tìm cách cải thiện vấn đề này, các doanh nghiệp phối hợp, hợp tác với ngân hàng để nâng vốn.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ rà soát lại các quỹ, tiếp tục nghiên cứu triển khai các giải pháp hỗ trợ về đào tạo nhân lực, nâng cao khả năng quản trị của doanh nghiệp và cơ chế ưu tiên cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển các lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.

Người đứng đầu Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh, đây là lúc cần chung tay, đoàn kết, thống nhất để tháo gỡ khó khăn. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải chia sẻ, nắm bắt khó khăn, thường xuyên lắng nghe, đối thoại với doanh nghiệp, kịp thời đưa ra chính sách tháo gỡ.

"Doanh nghiệp cũng phải đoàn kết, nỗ lực, cố gắng hơn nữa, tiết kiệm chi phí, đổi mới quản trị doanh nghiệp, mở rộng thị trường, đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng đến sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn, đáp ứng yêu cầu thị trường quốc tế, thường xuyên đổi mới, có các sản phẩm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng", Thủ tướng nói.

Hậu Lộc
Phiên bản di động