Ngân hàng NCB thông qua việc nâng gấp đôi vốn điều lệ
NCB kiện toàn bộ máy lãnh đạo, tăng cường năng lực quản trị Ngân hàng Quốc Dân (NCB) chính thức tăng vốn lên 5.600 tỷ đồng |
Ngày 8/4, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.
Về nhân sự, các cổ đông đã nhất trí thông qua miễn nhiệm 2 thành viên Ban Kiểm soát là bà Trần Thị Hà Giang - Trưởng Ban Kiểm soát và bà Trần Thị Minh Huệ do có đơn xin từ nhiệm vì lý do cá nhân. Các nhân sự này sau khi được miễn nhiệm vẫn mong muốn được tiếp tục cống hiến cho NCB.
Đồng thời, các cổ đông NCB cũng đã thông qua bầu Ban Kiểm soát mới gồm 3 thành viên, trong đó, bà Đỗ Thị Đức Minh hiện là Phó Tổng Giám đốc của NCB, được bầu làm Trưởng Ban Kiểm soát mới, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Về hoạt động của ngân hàng, Đại hội đồng cổ đông NCB đã thông qua việc phát hành riêng lẻ thêm tối đa 620 triệu cổ phiếu, tương đương 111% vốn điều lệ, với tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 6.200 tỷ đồng, nhằm tăng vốn điều lệ từ 5.601 tỷ đồng lên 11.800 tỷ đồng.
Mục đích của việc tăng vốn điều lệ nhằm nâng cao năng lực tài chính và các chỉ số đảm bảo an toàn hoạt động, nâng cao khả năng phòng ngừa các rủi ro phát sinh, nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh hướng tới đáp ứng tốt hơn nhu cầu cho khách hàng, nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu về vốn đối với một số khách hàng doanh nghiệp và các khách hàng liên quan.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của NCB. |
Việc phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn dự kiến hoàn thành trong 3 năm, từ 2023 - 2025. Các đợt chào bán cách nhau ít nhất 6 tháng kể từ ngày kết thúc đợt chào bán gần nhất, giá chào bán không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu.
Về kế hoạch kinh doanh 2023, Đại hội đồng cổ đông NCB cũng thông qua kế hoạch quy mô tổng tài sản đạt 94.500 tỷ đồng; huy động khách hàng đạt 78.000 tỷ đồng và cho vay khách hàng đạt 57.700 tỷ đồng tính đến cuối 2023. Quy mô khách hàng mục tiêu năm 2023 là 1 triệu khách hàng.
Để đạt được các kế hoạch trên, NCB sẽ tập trung khai thác phân khúc khách hàng cá nhân là các khách hàng cao cấp, khách hàng có thu nhập cao, đồng thời tập trung khai thác nhóm khách hàng trẻ, thường xuyên giao dịch trực tuyến, ưa thích sử dụng sản phẩm dịch vụ số và cuộc sống số.
Đối với khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng sẽ tập trung vào phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ; khai thác hiệu quả khách hàng thuộc chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn, có tình hình tài chính lành mạnh; các đối tác hợp tác toàn diện với NCB.
Bên cạnh đó, NCB sẽ mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức tín dụng và các định chế tài chính trong nước. Đồng thời, nhà băng này cũng sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho các dự án công nghệ trọng điểm, để nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.
Trước đó, năm 2022, NCB đã tiếp tục thực hiện tái cơ cấu theo phương án cơ cấu lại đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và đạt được những thành quả bước đầu đáng ghi nhận, nhờ sự thích ứng linh hoạt cùng nỗ lực của toàn hệ thống.
Theo đó, tổng tài sản của NCB tăng lên gần 90.000 tỷ đồng, huy động vốn đạt hơn 73.300 tỷ đồng và dư nợ cho vay đạt hơn 47.700 tỷ đồng, vượt kế hoạch đã đề ra.
Tính đến hết năm 2022, quy mô khách hàng đã tăng 97.022 khách hàng, tăng 13% so với 2021. Trong đó, Khách hàng cá nhân tăng 95.192 khách hàng, khách hàng doanh nghiệp tăng 1.826 khách hàng; tỷ lệ khách hàng mới có hoạt động giao dịch tăng 83%; tỷ lệ thẻ tín dụng mở mới tăng 181% so với cùng kỳ. Đây là năm có tốc độ phát triển khách hàng nhanh nhất trong các năm của NCB.