Ngân hàng Quốc Dân (NCB) chính thức tăng vốn lên 5.600 tỷ đồng
Ngân hàng NCB được tăng vốn thêm tối đa 1.500 tỷ đồng NCB ủng hộ 1 tỷ đồng Quỹ tiêm vắc xin và phòng chống Covid-19 Hà Nội |
Ngân hàng Nhà nước vừa có quyết định sửa đổi nội dung về vốn điều lệ tại giấy phép hoạt động của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB). Theo đó, nhà băng này chính thức tăng vốn lên hơn 5.600 tỷ đồng.
Theo đại diện NCB, việc tăng vốn điều lệ thành công là bước đột phá trong quá trình thực hiện phương án cơ cấu lại mà Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt, giúp nhà băng củng cố năng lực tài chính, tăng cường an toàn hoạt động, tạo tiền đề cho việc tái cấu trúc thành công và đạt được các mục tiêu chiến lược phát triển ngân hàng trong dài hạn.
Trong thời gian tới, NCB sẽ tiếp tục có phương án nâng cao năng lực tài chính và đáp ứng các chuẩn quốc tế, trở thành ngân hàng tầm trung trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Ảnh minh họa |
Trước đó, NCB cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 1.500 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu, đưa vốn điều lệ lên mức hơn 5.600 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Vốn điều lệ tăng thêm chủ yếu sẽ được NCB dùng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh giúp tăng cường năng lực tài chính và an toàn hoạt động; mở rộng hoạt động kinh doanh tại các địa bàn kinh tế trọng điểm, nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu về vốn của khách hàng.
Bên cạnh đó, vốn tăng thêm còn đươc dùng để triển khai các dự án trọng điểm phục vụ cho mục tiêu phát triển lâu dài của NCB như đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống mạng lưới, hình ảnh thương hiệu ngân hàng; xây dựng, đào tạo và phát triển đội ngũ nhân sự có năng lực toàn diện để đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của ngân hàng; đầu tư công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số, ứng dụng số trong mọi hoat động của ngân hàng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ...
Năm 2022, NCB đặt mục tiêu đạt 1 triệu khách hàng, tổng tài sản tăng lên mức 78.000 tỷ đồng. Đồng thời, ngân hàng cũng đặt kế hoạch tái cấu trúc toàn diện chất lượng tài sản; tập trung thu hồi, xử lý nợ có vấn đề theo đúng kế hoạch tại phương án cơ cấu lại; tăng cường công tác giám sát, quản trị rủi ro và đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng.