Nếu không có yếu tố quá bất thường, từ nay đến cuối năm sẽ không thiếu điện
Có 14 dự án điện tái tạo chuyển tiếp đã được phát điện thương mại Hà Nội sẽ không cắt điện trong hai tháng tới Miền Bắc vào đợt nắng nóng mới, EVN tăng huy động nguồn thủy điện |
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia tháng 6/2023 ước đạt 25,323 tỷ kWh, cao hơn 3,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia ước đạt 136,090 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống), cao hơn 2,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo lãnh đạo Bộ Công thương, tình hình sản xuất và cung ứng điện toàn hệ thống trong 4 tháng đầu năm 2023 đã được thực hiện tốt, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của Nhân dân cả nước.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải. |
Tuy nhiên, tình hình cung cấp điện từ tháng 5 và tháng 6 gặp nhiều khó khăn do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhu cầu tiêu thụ điện tăng, tình hình thủy văn không thuận lợi, lưu lượng nước về các hồ thủy điện thấp, cùng với các khó khăn trong vận hành, sửa chữa các nhà máy điện đã ảnh hưởng đến tình hình cung ứng điện.
Trong tháng 6, đặc biệt 10 ngày cuối tháng, lưu lượng nước về các hồ thủy điện có cải thiện, mực nước các hồ đã được nâng lên, một số tổ máy nhiệt điện gặp sự cố đã được khắc phục kịp thời và vận hành trở lại; đồng thời với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt và kịp thời của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương cùng các bộ, ngành, hệ thống điện miền Bắc đã cơ bản đáp ứng nhu cầu phụ tải.
Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, sang tháng 7, công tác vận hành hệ thống điện dự kiến vẫn còn có những khó khăn, đặc biệt là hệ thống điện miền Bắc khi thời tiết được dự báo còn xảy ra các đợt nắng nóng, trong khi mực nước các hồ thủy điện có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trong tháng 7 và những tháng cuối năm 2023, Bộ Công thương đã và đang theo dõi sát sao tình hình vận hành của hệ thống điện.
Cụ thể, Bộ Công thương đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp cụ thể, trong đó yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bám sát và cập nhật liên tục diễn biến thực tế của phụ tải điện, các điều kiện vận hành hệ thống điện và thị trường điện, đảm bảo vận hành và cung cấp điện an toàn, ổn định và tin cậy cho hệ thống điện quốc gia trong năm 2023.
Đồng thời, Bộ Công thương cũng yêu cầu EVN chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với các tình huống khó khăn trong hệ thống điện, trường hợp có những ảnh hưởng bất thường đến việc đảm bảo an ninh cung cấp điện, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét, chỉ đạo; phối hợp với khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là các khách hàng sử dụng điện lớn chuẩn bị kịch bản, kế hoạch thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện trong trường hợp cần thiết nhằm đảm bảo an ninh hệ thống điện.
Nêu ra các giải pháp trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, cần thực hiện đồng bộ 4 giải pháp.
Thứ nhất, cung cấp đủ nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện; tăng khả dụng, hạn chế tối đa sự cố, nhanh chóng khắc phục các sự cố (nếu có).
Thứ hai, vận hành hợp lý nguồn thủy điện.
Thứ ba, làm tốt công tác tiết kiệm điện, trong đó vai trò của các UBND các tỉnh, thành phố trên toàn quốc và đầu mối là các Sở Công thương là rất quan trọng.
Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nguồn và lưới điện.
"Căn cứ tính toán cập nhật về kế hoạch cung cấp điện cho các tháng tới và việc triển khai hiệu quả các giải pháp nêu trên, chúng tôi cho rằng, nếu không có yếu tố quá bất thường (thời tiết cực đoan, nắng nóng kéo dài, nhiều sự cố của các nhà máy điện lớn đồng thời xảy ra…), thì từ nay đến hết năm 2023 cơ bản sẽ không thiếu điện để phục vụ sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn cả nước", ông Hải nhận định.