Đã thành thông lệ, đi lễ chùa, hái lộc, xin chữ đầu năm chính là một nét đẹp trong đời sống tâm linh của người dân Việt Nam. Mỗi người đi chùa luôn cầu mong những điều tốt đẹp, may mắn, bình an đến với bản thân và gia đình của mình.
Vì vậy, nhân dịp đầu năm mới, nhiều em học sinh theo chân bố mẹ và người thân đi lễ chùa với hy vọng đỗ đạt, đăng khoa trước khi bước vào kỳ thi trọng đại như tốt nghiệp THPT, thi đại học, thi giành học bổng…
|
Bạn Quỳnh Hương (17 tuổi) sống tại Thái Nguyên cho biết: "Thời gian tới em sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, đây là một kỳ thi rất quan trọng trong sự nghiêp học tập của em. Mặc dù đã ôn luyện khá kỹ các kiến thức trước khi bước vào kỳ thi nhưng em vẫn rất lo lắng nên ngay từ đầu năm mới em cùng bố mẹ đi chùa thắp hương cầu may. Hy vọng em sẽ làm bài thật tốt và đỗ nguyện vọng một". |
Không chỉ cầu nguyện trước tượng phật, bia tiến sĩ, nhiều sĩ tử còn gửi gắm những mong ước của mình khi mang theo cả đồ dùng cần thiết trong kỳ thi gồm: bút, tẩy, thước, giấy báo thi… đặt trước vị trí thờ cúng để cầu mong mọi điều suôn sẻ, thuận lợi.
|
Bạn Ngọc Ánh (23 tuổi, sống tại Hà Nội) chia sẻ: "Sắp tới đây tôi sẽ bước vào kỳ thi giành suất học bổng đi du học tại Úc, vì vậy để có thể thuận lợi về mọi mặt, tôi đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám - nơi được xem là trường đại học đầu tiên của Việt Nam để cầu may về đường học hành, thi cử và xin một nhánh lộc non với hy vọng sẽ gặp may mắn, tài lộc, mọi điều tốt lành trong năm mới". |
|
Theo quan niệm xưa, lộc ở đây thường là những nhánh cây non tượng trưng cho mùa Xuân khi cây cối sinh sôi nảy nở, đâm chồi nảy lộc. Lộc xuân được hái từ những cây như: đa, sung, sanh, si sẽ đem lại sức khoẻ, sự trường tồn; còn hái lộc từ những cây như tùng, cúc, trúc, mai sẽ mang lại niềm vui, hạnh phúc và may mắn... |
|
Mỗi bạn học sinh, sinh viên khi đến chùa đều cầu mong năm mới sẽ bình an, học tốt, thi cử đỗ đạt |
|
Trong tà áo dài truyền thống, bạn Hoa tới chùa với nguyện vọng, mong ước thi đỗ vào trường Đại học Thương mại, ngôi trường cô nàng luôn hằng mơ ước |
|
Sau khi đã "vái vọng" và cầu nguyện những điều tốt đẹp sẽ đến với bản thân trên con đường học hành, các bạn học sinh chụp ảnh lưu niệm cùng bố mẹ ngay tại khuôn viên nhà chùa. |
Chị Lê Thị Huyền - phụ huynh có con chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT chia sẻ, đầu năm là dịp nhiều bạn học sinh theo bố mẹ tới chùa để cầu may, xin lộc.
Năm nay, chị Huyền dẫn con gái mình đi lễ chùa cùng, trước là cầu xin với thần, phật, sau là giúp con cảm thấy tự tin và vững tâm hơn khi đi thi vì lúc nào cũng có thần, phật luôn phù hộ, dõi theo.
Tuy nhiên, chị Huyền cũng bày tỏ, các hoạt động cầu may của học sinh chỉ đáp ứng phần nào ở góc độ tâm lý, còn hơn hết, kết quả thi đại học hay các kỳ thi quan trọng phụ thuộc vào mục tiêu, kế hoạch, sự cố gắng, quyết tâm, nỗ lực trong phòng thi của các thí sinh.
|
Ngay từ sáng sớm, nhà chùa đã tấp nập người ra vào, trong đó có nhiều bạn học sinh, sinh viên |
Với kinh nghiệm đã có con gái lớn bước vào kỳ thi đại học quan trọng, theo chị Huyền nếu các con cảm thấy lo lắng, phụ huynh nên khuyến khích, nhắc nhở con em mình dành thời gian chăm sóc bản thân nhiều hơn, ăn uống, học tập có điều độ, học cách tin tưởng vào năng lực, khả năng của chính bản thân mình, đó là điều quan trọng nhất.
|
Nhà thư pháp Hán Việt Dương Đức Thắng, 70 tuổi, sống tại Hà Nội. |
"Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua"...
Câu thơ trong bài thơ "Ông đồ" của nhà thơ Vũ Đình Liên đã trở nên quá đỗi quen thuộc với biết bao thế hệ người Việt về một hình ảnh đẹp của thầy đồ cho chữ mỗi độ Tết đến, xuân về.
Vì vậy, song hành cùng việc đi lễ chùa đầu năm, nhiều học sinh, sinh viên cũng tranh thủ xin chữ ông đồ nhằm thể hiện nét đẹp văn hóa, tinh thần hiếu học, trọng chữ nghĩa của người Việt.
|
Từ xưa đến nay, xin chữ vẫn luôn là một phong tục truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam để cầu mong may mắn, bình an và phúc lộc thọ cho bản thân, gia đình. Tùy từng tâm tư nguyện vọng của người xin mà thầy đồ sẽ cho chữ thích hợp. Ngoài cầu mong những điều mình mong muốn, các sĩ tử khi xin chữ còn mong muốn xin cái đức độ, tài năng của thầy đồ. |
|
Chia sẻ với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô, Nhà thư pháp Hán Việt Dương Đức Thắng cho biết: "Nhiều bạn học sinh, sinh viên đến và bày tỏ tâm tư nguyện vọng của mình, có bạn muốn thi cử đỗ đạt, có bạn lại cầu cho năm mới thuận hoà bình yên... mỗi bạn một mong muốn riêng. Tôi sẽ lắng nghe nguyện vọng đó và gợi ý những chữ phù hợp với từng người". |
|
Chia sẻ thêm, ông Thắng nói, ví dụ như học sinh đi học, ai cũng muốn đỗ đạt thì ông đồ sẽ viết chữ "Đăng khoa", các cháu không chịu học, học chưa chăm sẽ cho chữ "Hiếu học" (ham học), ham học rồi mà học chưa giỏi thì xin chữ "Học giỏi", Trẻ không nghe lời cha mẹ thì khuyên nên xin chữ "Hiếu"... |
|
Đôi bạn Hà Phương Mai - Nguyễn Hoài Thu (từ trái sang, học sinh THPT trên địa bàn Hà Nội) đang miệt mài, chăm chú dõi xem những ý nghĩa của từng chữ Hán Việt trong tục lệ xin chữ. Hoài Thu bộc bạch: "Em thấy rằng hoạt động xin và cho chữ là một việc làm mang nhiều ý nghĩa và giá trị văn hóa, vậy nên mỗi năm em đều đến xin chữ thầy đồ. Em đã xin được chữ: Phúc, Lộc, Thọ, Tài, Đức... Năm nay em xin chữ "Đỗ" để cầu mong học hành tấn tới và thi tài đỗ đạt, "vượt vũ môn" thành công trong kỳ thi THPT sắp tới của em". |
|
Chị Olese (đến từ Nga) cảm thấy hạnh phúc khi nhận trên tay chữ thư pháp ông đồ viết dành tặng cho con của mình |
|
Ngoài xin chữ thư pháp được viết bằng chữ Hán Việt, nhiều bạn học sinh, sinh viên còn rủ nhau xin chữ thư pháp viết bằng chữ Việt |
|
Ngay từ rạng sáng mùng 1 Tết, bạn Tuấn đã đi lễ đầu năm và xin chữ ông đồ với hi vọng sự nghiệp học hành trong thời gian tới sẽ thật suôn sẻ, đạt kết quả cao. |
|
Chữ xin về thường được các bạn học sinh, sinh viên nhờ bố mẹ treo ở những nơi trang trọng trong nhà vừa để trang trí vừa hiện ước vọng về một năm mới bình yên, thuận lợi và may mắn. Có thể nói, những ước vọng đầu xuân được gửi vào những câu đối, câu chúc, lời hay ý đẹp bằng mực tàu trên giấy đỏ chính là những món quà tinh thần chào đón năm mới, đồng thời, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật thư pháp Việt Nam. |