Nghệ thuật truyền thống tìm lối đi riêng trong dòng chảy đương đại

Bài 3: “Làm mới cái cũ” – hành trình gian nan tìm lối đi riêng

Nghệ thuật truyền thống là mạch nguồn, là bản sắc, là tâm hồn Việt. Để mạch nguồn ấy không cạn, để tâm hồn ấy không phai, chúng ta – những người hôm nay – phải là những người thắp đuốc, không chỉ để soi sáng mà còn để truyền lửa cho ngày mai.
Yên Bái: Hành trình kiến tạo giá trị “Xanh – hài hòa – bản sắc – hạnh phúc”

Cách tân trong khuôn khổ truyền thống

Ngày 29/9/2024, tại Lễ trao Giải Báo chí về Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh diễn ra ở Hoàng Thành Thăng Long, khán giả bị choáng ngợp với chương trình nghệ thuật đặc biệt “Khí chất Thăng Long, hào hoa Hà Nội”.

Chương trình này không chỉ hội tụ những giọng ca hàng đầu của nền âm nhạc hiện đại Việt Nam như Tùng Dương, NSND Mai Hoa, Quách Mai Thy, Bảo Yến, Hà Myo,... mà còn gây ấn tượng bởi các màn trình diễn cách tân nghệ thuật truyền thống như xẩm hay ca trù. Ví dụ, Hà Myo mang xẩm kết hợp với nhạc rap, hay Quách Mai Thy biểu diễn ca trù trên nền nhạc điện tử. Những môn nghệ thuật mang tinh túy ngàn năm này đã được các nghệ sỹ thổi thêm hơi thở của thời đại.

Biểu diễn nghệ thuật ca trù tại Hoàng thành Thăng Long
Biểu diễn nghệ thuật ca trù tại Hoàng thành Thăng Long

Thực tế, Hà Nội có hàng trăm loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống, tiêu biểu như: Xẩm, ca trù, rối nước, rối cạn, chèo tàu, trống quân, múa trống bồng, múa hát Ải Lao… Với những giá trị độc đáo và lịch sử hình thành hàng trăm năm, thậm chí cả nghìn năm, nghệ thuật biểu diễn truyền thống chính là di sản văn hóa phi vật thể vô giá, mang "hồn cốt" của văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Trong đó, rất nhiều loại hình chỉ riêng có ở Hà Nội như: Múa trống bồng, múa hát Ải Lao, chèo Tàu…

Gần đây, một số chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống được đầu tư bài bản với chất lượng tốt, quy mô lớn đã tạo ấn tượng với du khách. Yếu tố dân gian truyền thống và tinh hoa văn hóa được tái hiện đã góp phần nâng tầm các giá trị di sản văn hóa (múa rối nước, quan họ, chầu văn…), đồng thời tạo nên trải nghiệm đặc biệt về vùng châu thổ sông Hồng - từ thi ca, nhạc họa đến Phật giáo, tín ngưỡng…

Hay trước đó, Nhà hát Chèo Hà Nội đưa vào khai thác phục vụ du khách vở diễn "Long Thành diễn xướng" với nhiều tiết mục diễn xướng dân gian đặc sắc của nền văn minh lúa nước Đồng bằng Bắc Bộ, mang đậm dấu tích của mảnh đất Thăng Long xưa. Nổi bật trong "Long Thành diễn xướng" là mô hình biểu diễn mới, kết hợp giữa hát chèo và múa rối nước trên cùng một sân khấu. Còn loại hình múa rối nước luôn có sự tích hợp nhiều loại hình nghệ thuật khác như: Hát chèo, ví, xoan, dân ca, ca dao tục ngữ, đời sống tâm linh, lễ hội...

Sự kết hợp của xẩm, nhạc điện tử EDM và rạp trong Xẩm Hà Nội được Hà Myo thể hiện nhận được sự thích thú của khán giả trẻ
Sự kết hợp của xẩm, nhạc điện tử EDM và rạp trong Xẩm Hà Nội được Hà Myo thể hiện nhận được sự thích thú của khán giả trẻ

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, bày tỏ: “Tôi rất xúc động khi chứng kiến trong những năm gần đây, một làn sóng yêu lại nghệ thuật truyền thống đang âm thầm lan tỏa – không chỉ từ những nghệ sĩ lớn tuổi mang tâm huyết bảo tồn, mà còn từ những nghệ sĩ trẻ, những nhà quản lý năng động, sáng tạo, đầy trách nhiệm với văn hóa dân tộc. Chúng ta có thể thấy điều đó rõ hơn qua một số sáng tác, MV gần đây của Hòa Minzy, Hà Myo hay Hoàng Thùy Linh,...

Có thể thấy rõ những nỗ lực “làm mới” không hề là sự cắt xén hay đánh bóng hình thức, mà là một quá trình lắng nghe, thấu hiểu giá trị cốt lõi của nghệ thuật truyền thống để từ đó sáng tạo nên cách thể hiện mới, ngôn ngữ mới, không gian mới – giúp nghệ thuật cổ truyền bắt nhịp với hơi thở thời đại.

Những buổi biểu diễn xẩm trên phố đi bộ, ca trù trong không gian quán cà phê, chèo trong sân trường đại học, tuồng trên nền sân khấu đa phương tiện... không chỉ là các thí nghiệm nghệ thuật, mà chính là cuộc đối thoại giữa quá khứ và hiện tại, giữa nghệ sĩ và công chúng. Chính những đổi mới ấy đang làm cho nghệ thuật truyền thống bớt “cao sang” và xa cách, mà trở về gần gũi, đời thường – đúng như bản chất của nó từ thuở ban đầu: Nghệ thuật của Nhân dân.

Điều đó cho thấy, trong khai thác, phát huy nghệ thuật truyền thống thành sản phẩm văn hóa thì việc sáng tạo những giá trị truyền thống, đưa đến một góc nhìn mới lạ cho du khách là điều cần thiết. Đó cũng chính là yếu tố tạo sức hấp dẫn cho nghệ thuật truyền thống mà không làm biến dạng các giá trị gốc. Hay việc ứng dụng nghệ thuật biểu diễn truyền thống vào đời sống cũng đang được nhiều nhà sáng tạo thực hiện, tạo giá trị gia tăng cao cho sản phẩm.

“Sống khỏe” thay vì “sống sót”

Tại một số quốc gia khu vực châu Á, việc khai thác nghệ thuật truyền thống cho phát triển du lịch được thực hiện rất tốt, nhiều tour du lịch có tới 2 - 3 buổi biểu diễn nghệ thuật. Đó là các chương trình nghệ thuật thực cảnh hoặc chương trình được xây dựng độc đáo, với quy mô hoành tráng, có sức cuốn hút người xem. Vì vậy, để khai thác tốt nghệ thuật biểu diễn truyền thống cho hoạt động du lịch buộc các đơn vị trong lĩnh vực văn hóa tại Hà Nội phải đầu tư bài bản, chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, việc kết nối giữa các đơn vị với các doanh nghiệp du lịch, các đơn vị tổ chức sự kiện cần tăng cường để đưa nghệ thuật biểu diễn tới du khách.

Truyền dạy nghệ thuật hát trống quân cho giới trẻ tại xã Khánh Hà
Truyền dạy nghệ thuật hát trống quân cho giới trẻ tại xã Khánh Hà

Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, thành phố tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng và là lợi thế của Thủ đô, trong đó có nghệ thuật biểu diễn.

Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cũng ban hành Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nghệ nhân và câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội. Đó là những yếu tố thuận lợi để các nghệ nhân và các câu lạc bộ di sản văn hóa phi vật thể phát huy tốt vai trò của mình trong giữ gìn và phát huy di sản. Còn các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi khai thác tốt lợi thế của nghệ thuật biểu diễn truyền thống tạo thành các sản phẩm văn hóa có giá trị phục vụ nhu cầu của công chúng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Đánh giá về các nỗ lực của Hà Nội trong việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, đánh giá: “Về phía các nhà quản lý, tôi cũng ghi nhận những bước chuyển mình tích cực: Từ việc đưa nghệ thuật truyền thống vào học đường, tổ chức các liên hoan, lễ hội quy mô, đến việc số hóa di sản, sản xuất nội dung truyền thông hấp dẫn hơn trên các nền tảng số. Tất cả cho thấy một tư duy mới về bảo tồn gắn liền với phát triển, về di sản không chỉ như báu vật trong tủ kính mà là tài nguyên văn hóa sống, cần được “sống” trong đời sống đương đại”.

Bài 3: “Làm mới cái cũ” – hành trình gian nan tìm lối đi riêng
Chương trình nghệ thuật "Âm vang Mê Linh" có sự kết hợp tinh tế giữa nghệ thuật truyền thống và âm nhạc hiện đại

“Tuy nhiên, trong quá trình “làm mới”, chúng ta cũng cần một tấm lòng cẩn trọng và một bàn tay đủ tinh tế để không đánh mất hồn cốt của nghệ thuật truyền thống. Làm mới không phải là làm lại, càng không phải là thay thế bản sắc bằng sự lòe loẹt dễ dãi. Sáng tạo phải đi cùng với hiểu biết, và đổi mới phải gắn liền với niềm kính trọng giá trị nguyên bản. Nói như thế để thấy rằng, nghệ thuật truyền thống không “già” đi – mà chỉ chờ một cách nói mới, một tinh thần mới để tiếp tục đồng hành cùng dân tộc trên những chặng đường phát triển”, ông Bùi Hoài Sơn đặt vấn đề.

Để nghệ thuật truyền thống không chỉ “sống sót” mà thực sự “sống khỏe”, sống bền trong lòng xã hội hiện đại, các nhà văn hóa đề xuất: Chúng ta không thể chỉ dừng ở lòng yêu quý hay sự tiếc nuối, mà cần một chiến lược dài hơi, toàn diện và có chiều sâu, từ cấp quản lý đến từng cá nhân nghệ sĩ, từ cộng đồng đến các thiết chế văn hóa.

Trước hết, giải pháp cốt lõi là giáo dục. Phải gieo lại tình yêu với nghệ thuật truyền thống từ trong nhà trường, từ khi các em còn nhỏ. Không ai có thể yêu một thứ mình chưa từng biết đến. Việc đưa chèo, tuồng, ca trù, xẩm… vào chương trình ngoại khóa, hoặc tích hợp tinh tế trong các môn học văn hóa và nghệ thuật, sẽ giúp hình thành một thế hệ khán giả mới – hiểu, yêu và

"...Không xem nghệ thuật truyền thống như “quá khứ” cần gìn giữ, mà như một “tài nguyên” để phát triển. Khi nghệ thuật truyền thống được sống trong tình yêu của cộng đồng, trong chính nhu cầu tinh thần của xã hội, thì lúc đó nó không còn là ký ức – mà trở thành một phần sống động của hiện tại và tương lai".

gắn bó với di sản.

Thứ hai, Hà Nội cần xây dựng những “hệ sinh thái” văn hóa truyền thống bền vững, trong đó nghệ nhân, nghệ sĩ được bảo vệ và phát triển như những “hạt nhân sáng tạo”. Chúng ta cần có cơ chế đãi ngộ đặc thù hơn cho người làm nghệ thuật truyền thống, từ hỗ trợ sinh kế đến cơ hội biểu diễn, đào tạo, truyền dạy. Nghệ sĩ phải có điều kiện sống tốt thì mới có thể toàn tâm toàn ý cống hiến.

Thứ ba, nghệ thuật truyền thống cần được đặt đúng vị trí trong quy hoạch phát triển văn hóa và du lịch đô thị. Với Hà Nội – một thành phố sáng tạo, thành phố di sản – thì việc đưa nghệ thuật truyền thống vào các tour du lịch, không gian văn hóa công cộng, lễ hội thường niên, phố đi bộ... sẽ biến di sản thành “sức sống”, tạo giá trị kinh tế gắn với văn hóa, vừa nuôi sống nghệ sĩ vừa lan tỏa tinh thần Thăng Long ngàn năm.

Bên cạnh đó, Thủ đô cũng cần phát huy sức mạnh của công nghệ và truyền thông hiện đại. Nhiều loại hình nghệ thuật cổ truyền có thể tiếp cận khán giả trẻ thông qua các nền tảng số – nơi video ngắn, podcast, livestream hay sân khấu ảo trở thành cầu nối sáng tạo. Việc số hóa tư liệu, sản xuất nội dung đa phương tiện, kể lại các tích chèo, tích tuồng, các giai điệu ca trù... bằng lối kể hiện đại sẽ giúp di sản đến gần hơn với đời sống hôm nay.

Cuối cùng – nhưng không kém phần quan trọng – là thay đổi cách nhìn nhận của xã hội: Không xem nghệ thuật truyền thống như “quá khứ” cần gìn giữ, mà như một “tài nguyên” để phát triển. Khi nghệ thuật truyền thống được sống trong tình yêu của cộng đồng, trong chính nhu cầu tinh thần của xã hội, thì lúc đó nó không còn là ký ức – mà trở thành một phần sống động của hiện tại và tương lai.

Vũ Cường
Phiên bản di động