Những điều cần kiêng kỵ vào năm mới để tránh xui xẻo cả năm
Nét đẹp phong tục xin chữ đầu năm Không để xảy ra tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng” Khởi đầu năm mới với lối sống tối giản |
Đi lễ đầu năm (ảnh minh hoạ) |
Theo Nhà nghiên cứu Văn Hóa, ông Phùng Hoàng Anh - Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, để năm mới luôn gặp may mắn và những điều tốt lành, mỗi người cần chú ý kiêng kỵ những điều sau đây:
1. Nói tục, chửi bậy
Người ta vẫn thường quan niệm, những ngày Tết, ăn nói phải giữ gìn, không được nói tục, chửi bậy hay nói những điều xui xẻo để tránh sự không may. Những ngày này, mọi người nên trò chuyện vui vẻ, dùng từ ngữ dễ nghe, nói lời may mắn. Cần cố giữ hòa khí, người lớn tránh quát mắng trẻ nhỏ, tránh tiếng khóc để một năm luôn vui vẻ, hòa thuận.
Ngoài ra, mỗi người cần tạo cho mình một tâm trạng tốt, không giận dữ, gắt gỏng, la lối, cãi nhau... nếu không cả năm sẽ gặp sự bất hòa liên miên.
2. Vay mượn hay đi đòi nợ
Theo người xưa, đầu năm mới nên kiêng vay mượn hay đi đòi nợ. Nếu có mượn ai tiền bạc hay đồ vật gì thì phải trả trước Tết, sang năm mới, nếu bị "chủ nợ" đòi thì sẽ xui xẻo cả năm.
3. Kiêng quét nhà
Người xưa còn quan niệm đầu năm không nên quét nhà. Nếu quét phải vun vào một chỗ, đợi sau khi hóa vàng mới được đổ rác.
Tục này bắt nguồn từ "Sưu thần ký" của Trung Quốc, nội dung chuyện kể về một người lái buôn tên Âu Minh, đi qua hồ Thanh Thảo được Thủy thần cho một người hầu tên Như Nguyện. Âu Minh đem người hầu về nhà vài năm thì trở nên giàu có. Có lần vào đúng ngày mùng 1 Tết, Âu Minh đánh Như Nguyện, Như Nguyên liền chui vào đống rác biến mất, từ đó Âu Minh trở lại cuộc sống nghèo như xưa.
Từ chuyện này, dân ta "bắt chước" không đổ rác ngày Tết.
4. Làm vỡ đồ, sử dụng những đồ vật kém may mắn
Tín ngưỡng dân gian luôn tin rằng việc làm rơi vỡ đồ vào năm mới không chỉ mang lại xui xẻo mà còn gây ra sự chia cắt trong gia đình.
Đối với dao kéo cũng được coi là những vật mang theo sát khí, nên hạn chế sử dụng chúng trong những ngày đầu năm. Người xưa cho rằng, những vật này có thể cắt đứt lương duyên cũng như tài vận, tuổi thọ của gia chủ.
5. Kiêng cho lửa, nước đầu năm
Nếu màu đỏ của lửa là đại diện cho may mắn, tài lộc thì nước là tượng trưng của sự tươi mới, sinh sôi nảy nở. Cho 2 thứ này đi thì cả năm gia chủ sẽ thiếu thốn, héo mòn và xui xẻo.
Thường trong các lời chúc Tết, người ta sẽ hay nói "Tiền vào như nước", vì vậy không nên mang nước đi cho vào đầu năm. Hơn nữa, trước khi bước sang năm mới, gia đình cũng cần phải đảm bảo nguồn nước lưu trữ luôn đầy đủ để đem lại sự mát mẻ và may mắn cho cả gia đình.
6. Ngủ qua đêm ở nơi khác
Người xưa cũng cho rằng, trong 3 ngày Tết dù có đi đâu thì đến chiều tối cũng phải về, tránh "có đi mà không có về" khiến gia đạo xui xẻo cả năm.
7. Mặc quần áo đen, trắng ngày Tết
Theo quan niệm dân gian, màu trắng và đen được xem là hai màu của tang lễ, tượng trưng cho sự chết chóc. Do đó, người ta hay nói không nên mặc những bộ trang phục có các màu này trong 3 ngày Tết. Thay vào đó, nên mặc những bộ quần áo sặc sỡ, để mang lại không khí may mắn và vui tươi cho cả năm.
8. Xông đất và đi chúc Tết khi đang chịu tang
Xông đất là một trong những phong tục truyền thống của người Việt trong khoảnh khắc giao thừa hoặc ngày mùng một. Người xưa cho rằng, gia chủ gặp may mắn hay rủi ro sẽ tùy thuộc vào người xông đất đầu năm, vì vậy, người đầu tiên bước chân vào nhà mang trọng trách rất lớn.
Nếu người xông đất đang chịu tang có thể mang theo nỗi buồn và xui xẻo cho gia đình trong cả năm. Vì vậy, những người không hợp tuổi với gia chủ hoặc đang chịu tang thì cần cân nhắc trước khi đi chúc Tết.
9. Xuất hành, mở hàng, đi lễ ngày xấu
Với quan niệm "đầu xuôi đuôi lọt", ngày giờ xuất hành rất được người Việt coi trọng.
Họ cho rằng "Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba" vì theo quan niệm dân gian, đây là ngày "Tam Nương sát".
Vào những ngày này, Ngọc Hoàng sai 3 cô gái xinh đẹp (Tam nương) xuống hạ giới làm mê muội và thử lòng con người. Nếu ai gặp phải sẽ bị các cô làm cho bỏ bê công việc, đam mê tửu sắc, cờ bạc... Đây cũng chính là lời nhắc nhở con cháu nên biết giữ mình, tránh sa đọa vào những thứ tiêu cực.
Trong khi đó, các ngày 5, 14, 23 được cho là ngày Nguyệt kỵ. Các ngày này cộng lại đều bằng 5, tức "nửa đời, nửa đoạn" nên làm gì cũng chỉ giữa chừng, khó đạt được mục tiêu.
Dù cho đến nay vẫn chưa có ai kiểm chứng được xem đây có thực sự là những ngày xui xẻo hay không, song việc kiêng kỵ một phần nào đó sẽ giúp mọi người yên tâm hơn về những việc mình sắp làm.
10. Về nhà ngoại vào ngày mùng 1, 4, 5 Tết
Người Việt quan niệm dâu con trong nhà chỉ nên về bên ngoại chúc tết vào Mùng 2 hoặc Mùng 3, tránh các ngày Mùng 1,4,5. Mùng 1 Tết là ngày quan trọng nhất trong năm nên con cái cần có nghĩa vụ tỏ lòng hiếu thảo với bố mẹ, tổ tiên họ nội.
Con rể cũng được cho là nên về nhà vợ vào đúng những ngày kể trên mới có thể mang lại tài lộc cho gia đình.