Nâng tầm vóc, sáng niềm tin

69 năm là khoảng thời gian không dài so với hàng nghìn năm lịch sử dân tộc nhưng Hà Nội đã trải qua biết bao thăng trầm với những bước chuyển mình lớn lao chưa từng có. Hà Nội hôm nay không chỉ đóng vai trò là Thủ đô mà còn là mang trong mình vị thế, tầm vóc của một Thành phố hòa bình, Thành phố sáng tạo...
Bia Hà Nội ra mắt nhận diện mới, nâng tầm vị thế thương hiệu Bia Saigon và những cam kết nâng tầm thể thao Việt Từ kế thừa di sản đến hành trình nâng tầm thương hiệu Việt của SABECO

Mốc son lịch sử

Trong tiến trình lịch sử phát triển Thủ đô Hà Nội, ngày 10/10/1954 là một mốc son lịch sử, đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước.

Ngược dòng thời gian, trở về sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Nhân dân Thủ đô Hà Nội và cả nước khi ấy không có ước nguyện nào hơn là được sống trong không khí hòa bình để xây dựng, phát triển nhưng thực dân Pháp dưới sự ủng hộ của đế quốc Mỹ, đã dã tâm cướp nước ta một lần nữa, gây hấn ở Nam Bộ và phát động chiến tranh ra cả nước.

Ngày 19/12/1946, hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân, dân Hà Nội đã cùng với nhân dân cả nước nhất tề đứng lên đánh giặc cứu nước.

Với cuộc chiến đấu 60 ngày đêm vô cùng oanh liệt, Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc, kìm chân và tiêu hao sinh lực địch, tạo điều kiện để cơ quan đầu não và các lực lượng kháng chiến của ta tạm rút khỏi Hà Nội an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Trung ương giao.

Nâng tầm vóc, sáng niềm tin
Quân đội Nhân dân Việt Nam từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô (Ảnh tư liệu)

Sau 9 năm chiến đấu ngoan cường, đầy sáng tạo của quân và dân ta, đặc biệt là sau thất bại trong trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ (20/7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; Chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam.

Đúng 16 giờ ngày 9/10/1954, những tên lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên; Quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Sáng ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị Quân đội Nhân dân gồm cả bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới... chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội.

Hai mươi vạn Nhân dân Thủ đô náo nức trong rừng cờ đỏ sao vàng, với niềm vui sướng tột độ của những người đã gần 9 năm bị kìm nén dưới gót sắt của giặc nay được giải phóng, đã đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. 15 giờ chiều cùng ngày, hàng vạn Nhân dân trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức với sự có mặt của các đơn vị Quân đội Nhân dân tham gia tiếp quản thành phố. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính, cả Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng...

Ngay trong những ngày đầu tiên trở về Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới nhìn vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.

Thực hiện lời dạy của Bác, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội tiếp tục lập nên những chiến công cả trên mặt trận chống quân xâm lược và mặt trận lao động sản xuất… Trải qua bao thăng trầm, Hà Nội đã vươn lên mạnh mẽ để luôn xứng đáng vai trò là Thủ đô - trung tâm lớn về hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. TP có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố, thủ đô của các nước; Trong đó, đã ký thỏa thuận hợp tác với hơn 60 thủ đô, thành phố các nước; Có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ...

Thủ đô vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”, 3 lần được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, được các tổ chức quốc tế vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”.

Nâng tầm vóc, sáng niềm tin
Cột cờ Hà Nội - “chứng nhân lịch sử” cho sự kiên cường, bất khuất của người dân Thủ đô trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp oanh liệt

Mạnh mẽ vươn mình ra thế giới

Hà Nội ngày nay không chỉ trở thành một trung tâm kinh tế trọng điểm, mà còn là nơi khởi nghiệp của nhiều giá trị tinh hoa trong nước và quốc tế, thu hút nhiều tập đoàn, nhà đầu tư danh tiếng hàng đầu thế giới và là động lực tăng trưởng quan trọng trong tiến trình hội nhập và toàn cầu hóa của cả nước.

8 tháng năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung, Hà Nội triển khai nhịp nhàng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đạt được kết quả khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Hà Nội có trên 21 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 208,8 nghìn tỷ đồng, tăng 7% về số doanh nghiệp nhưng giảm 6% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 16,9 triệu lượt khách, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 61.600 tỷ đồng, tăng 63,1% với cùng kỳ năm trước.

Sự nghiệp văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển và đạt nhiều thành quả quan trọng. Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể…

Với mục tiêu xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối nội thành với ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, TP, nhằm tăng cường liên kết vùng, mở rộng không gian phát triển, Hà Nội đã triển khai nhiều dự án giao thông quan trọng. Một trong những dấu mốc lớn là ngày 25/6, tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được khởi công tại 3 địa phương (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh), tạo động lực mới mang tầm bứt phá cho Thủ đô, các địa phương lân cận và cả nước.

Để xây dựng, hoàn thành cơ chế, chính sách định hướng phát triển Thủ đô, TP đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan thực hiện sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô; Hoàn thành Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065.

Đặc biệt, Hà Nội đã ban hành và đang nỗ lực triển khai thực hiện bài bản, hiệu quả Nghị quyết phát triển công nghiệp văn hóa. TP xác định văn hóa là nền tảng, động lực để phát triển, hướng đến xây dựng hình ảnh Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - văn minh - hiện đại”, “Thành phố vì hòa bình”; Thực hiện các cam kết với UNESCO về “Thành phố sáng tạo”; Từng bước cụ thể hóa huy động các nguồn lực về văn hóa, nhân văn trong định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, TP tập trung thực hiện chuyển đổi số, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử tại các cơ quan, đơn vị, góp phần xây dựng và hoàn thành 3 trụ cột phát triển: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Nâng tầm vóc, sáng niềm tin
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội cắt băng khánh thành dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2

Bên cạnh việc kiên trì thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên trong bối cảnh khó khăn, TP Hà Nội đã kịp thời triển khai những chủ trương lớn mang tầm nhìn chiến lược, tạo tiền đề cho Thủ đô phát triển trong 5, 10, 20 năm, thậm chí là 30 năm tới.

Những chủ trương ấy cũng được củng cố hơn nữa trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể, đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; Phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; Hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000 - 13.000 USD.

Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; Kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; Là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD; Kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà, tiêu biểu cho cả nước, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.”

Đó là những mục tiêu thật lớn cho chặng đường phía trước của Thủ đô nhưng cũng là hướng đi tất yếu mà Hà Nội phải vươn tới để xứng tầm với vị trí của Hà Nội trong lòng dân tộc: Thủ đô, trái tim, niềm tự hào của cả nước và vị thế của một Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo.

Với các giải pháp cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm đã được thành phố xác định, cùng sự đồng lòng đoàn kết của cả hệ thống chính trị và người dân, Thủ đô sẽ có sức bật mới, xây dựng Hà Nội ngày văn minh, giàu đẹp.

Tú Linh
Phiên bản di động