Nâng lương cơ sở là việc làm hợp lý, hợp tình
Nâng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2024 |
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã đề xuất giải pháp thực hiện điều chỉnh tăng tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội với quan điểm bám sát chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết số 42-NQ/TW và quy định của pháp luật để thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, khả năng chi trả của ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, đối với khu vực doanh nghiệp, Chính phủ kiến nghị thực hiện đầy đủ theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW, gồm 2 nội dung: Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng (theo tháng và theo giờ) theo quy định của Bộ Luật Lao động (tăng 6% áp dụng từ ngày 1/7/2024); quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước (áp dụng từ ngày 1/1/2025 để phù hợp với năm tài chính của doanh nghiệp).
Đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công), thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương theo lộ trình, từng bước, hợp lý, thận trọng, khả thi.
Theo đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ triển khai thực hiện các nội dung đã rõ, đủ điều kiện để thực hiện, gồm: Hoàn thiện chế độ nâng lương; bổ sung chế độ tiền thưởng; quy định nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập; giao Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 1/7/2024 (chưa bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay).
Trên cơ sở đề xuất điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang nêu trên, Chính phủ cũng đề xuất điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.
Đại biểu Quốc hội Võ Thị Minh Sinh (đoàn Nghệ An) |
Cụ thể, từ ngày 1/7/2024, điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6/2024). Đồng thời, đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 0,3 triệu đồng/tháng; có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng/tháng.
Đồng tình cao với phương án và giải pháp Chính phủ đề xuất việc thực hiện tăng mức lương cơ sở, đại biểu Võ Thị Minh Sinh (đoàn Nghệ An) nhận thấy, Chính phủ đã rất trăn trở khi tổ chức 21 cuộc họp bàn bạc, thảo luận về nội dung này. Ngày 5/5/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 35-KL/TW về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.
Đại biểu Võ Thị Minh Sinh cho rằng, đây là cơ sở rất quan trọng để thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW. Tuy nhiên, việc vận dụng các chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương để đưa vào cùng một hệ số tính lương là rất khó. Vì theo báo cáo của Chính phủ, hiện có 234 chức danh, chức vụ lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở. Bên cạnh đó, phụ cấp theo các chức danh, chức vụ lãnh đạo này còn nhiều hơn nữa như phụ cấp công vụ, phụ cấp kiêm nhiệm, phụ cấp thu hút, phụ cấp đặc thù, phụ cấp thâm niên nghề…
Đại biểu Võ Thị Minh Sinh cho rằng, nếu không thận trọng thì việc đưa các chức danh, chức vụ lãnh đạo vào cùng một nhóm sẽ dẫn đến tâm tư, thiếu công bằng giữa các chức vụ, chức vụ trong hệ thống chính trị.
“Đây là một bài toán rất khó. Trong khi đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW yêu cầu mỗi loại chức vụ tương đương chỉ quy định một mức lương chức vụ thay cho một loạt phụ cấp. Tôi cho rằng, với điều kiện hiện nay nhiều ngạch, bậc lương như vậy, chưa kể thực hiện bảo lưu với các trường hợp bị giảm so với lương cũ cũng là vấn đề cần quan tâm”, đại biểu nêu rõ.
Vì vậy, đại biểu Võ Thị Minh Sinh đề nghị cần xem xét một cách thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở tổng quan tất cả các thành phần, đối tượng được hưởng lương liên quan đến nội dung này sau khi ban hành lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Bên cạnh đó, đại biểu bày tỏ băn khoăn khi hiện nay chưa ban hành được hệ thống danh mục vị trí, việc làm trong hệ thống chính trị, đây là nội dung rất khó.
Với các nội dung lớn này có liên quan chặt chẽ đến việc thực hiện lương mới, đại biểu Võ Thị Minh Sinh đề nghị cần xem xét thận trọng và có lộ trình để đảm bảo công bằng và hợp lý giữa các bảng lương và các đối tượng hưởng lương.
“Thời điểm này, chúng ta điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng là việc làm rất hợp lý, hợp tình trong bối cảnh hiện nay. Điều này cũng nhận được sự đồng tình rất lớn của dư luận. Tôi cũng đồng tình rất cao nội dung này và thống nhất đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị cần quan tâm thêm việc sắp xếp lại hệ thống thang bảng lương cũ và các phụ cấp kèm theo, từ đó tính tổng thu nhập của mỗi chức vụ trong hệ thống như nào thì lúc đó chúng ta mới có thể tính được”, đại biểu phân tích.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh. |
Góp ý vào nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc đổi mới, cải cách tiền lương cũng như các chính sách gắn theo lương. Việc làm này nhằm giúp cho người được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước đảm bảo được điều kiện cuộc sống để yên tâm công tác, làm việc.
Theo mức tăng lương mới, từ ngày 1/7/2024, lương ở khu vực công được tăng đến 30% và tăng đồng đều cho tất cả đối tượng (kể cả đối tượng nghỉ hưu). Đây là mức tăng khá cao so với những lần tăng lương gần đây. Riêng đối với người nghỉ hưu trước năm 1995, việc tăng lương hưu lên đến 38%. Trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng.
Với việc tăng lương lần này, đối với khu vực doanh nghiệp thực hiện đầy đủ theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW, gồm 2/2 nội dung. Đối với khu vực công lập, thực hiện 4/6 nội dung của Nghị quyết số 27-NQ/TW. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với khu vực công nhưng hiện đang hưởng lương thấp và cũng là sự điều chỉnh tiền lương giữa khu vực công và khu vực tư để không còn có nhiều sự chênh lệch.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh khẳng định, trong bối cảnh, tình hình nền kinh tế ở thế giới nói chung và ở trong nước nói riêng còn nhiều khó khăn thì việc tăng lương lần này đã thể hiện sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong cải cách tiền lương, chăm lo cho cuộc sống của Nhân dân ngày càng tốt hơn.