Giải pháp chuyển đổi số trong đào tạo nghề

Hướng tới mục tiêu cải thiện khả năng làm việc và năng suất lao động, đào tạo nghề chất lượng cao; Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) thực hiện hàng loạt các giải pháp nhằm tận dụng năng lực kỹ năng số trong giáo dục nghề nghiệp.
Công nghệ giúp chính quyền “gần” dân hơn!

Nhu cầu nhân lực chất lượng cao

Đào tạo nghề là một trong những nhiệm vụ quan trọng tạo nguồn nhân lực có khả năng thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động; đáp ứng các yêu cầu của hội nhập quốc tế, góp phần phát triển nhanh và bền vững đất nước.

“Trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, đào tạo nghề cần được phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng để đáp ứng tăng trưởng và phát triển bền vững. Tự chủ, chuẩn hóa và doanh nghiệp là 3 khâu tạo ra đột phá cho giáo dục nghề nghiệp”, GS.TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, cho hay.

Sinh viên thực hành nghề công nghệ ô tô, trường Cao đẳng Nghề Công nghiệp Hà Nội
Sinh viên thực hành nghề công nghệ ô tô, trường Cao đẳng Nghề Công nghiệp Hà Nội

Thực tế, tỷ lệ phân luồng học sinh trung học vào hệ thống giáo nghiệp nghề nghiệp còn rất thấp. Nhằm giải quyết vấn đề này, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 21 ngày 4/5/2023 về đổi mới phát triển giáo dục nghề nghiệp cho đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 thu hút 50 - 55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Đây là một mục tiêu rất cụ thể và rất khó với công tác phân luồng học sinh.

Theo Tổng cục Dạy nghề, giai đoạn 2016 - 2020, số lượng tốt nghiệp THCS vào học giáo dục nghề nghiệp có 980.620 học sinh. Phần lớn trường cao đẳng, trung cấp trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp đều có tuyển sinh và đào tạo cho đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó chủ yếu học sinh vào học hệ trung cấp. Ngoài ra, một số học các trình độ sơ cấp hoặc học liên thông lên cao đẳng. Tuy nhiên số lượng tuyển sinh hằng năm vẫn còn ít so với mục tiêu được đặt ra.

Hiện nay, theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, học sinh tốt nghiệp THCS được phép vào học trình độ trung cấp. Trong quá trình học trình độ trung cấp, học sinh sẽ được học song song khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông, gồm: Chương trình 4 môn văn hóa cơ bản hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông. Sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, người học sẽ được học liên thông lên các trình độ cao hơn nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Do quá trình tổ chức học như vậy, hiện nay, nhiều nơi đang gọi tắt là 9+ (đào tạo từ sau lớp 9 lên các trình độ cao hơn).

Nguồn nhân lực chất lượng cao đã và đang được các tập đoàn lớn săn đón
Nguồn nhân lực chất lượng cao đã và đang được các tập đoàn lớn săn đón

Theo số liệu của LĐTB&XH, đến tháng 5/2023, cả nước có 1.888 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) gồm: 397 trường cao đẳng, 433 trường trung cấp và 1058 trung tâm GDNN. Trong đó, 1.205 cơ sở GDNN công lập (chiếm 63,8%) với 313 trường cao đẳng, 204 trường trung cấp, 698 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho thấy, công tác đào tạo nghề chất lượng cao đã đạt được một số chuyển biến tích cực, hơn 75% số học viên tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Các trường đã tiếp nhận chuyển giao đào tạo trên 34 nghề trọng điểm quốc tế. Các chương trình đào tạo chất lượng cao đã có thời lượng đào tạo tại doanh nghiệp trên 30%, thời lượng thực hành đạt trên 50% chương trình.

“Hầu hết các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã quan tâm và trực tiếp tham gia đào tạo nghề, như Vingroup, Sungroup, FPT, Samsung... Các dự án đầu tư có nhu cầu nhân lực chất lượng cao đã cơ bản được đáp ứng”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng nhấn mạnh.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp

Chuyển đổi số đã và đang trở thành xu thế tất yếu đối với mọi nghề, mọi ngành. Tại Phiên họp lần thứ 8 Ủy ban Chuyển đổi số Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định “chuyển đổi số đã đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”. Đối với công tác đào tạo nghề cũng vậy!

Theo các chuyên gia về lao động, Việt Nam đang tiến vào thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0. Chính phủ đang đẩy mạnh hỗ trợ cho khởi nghiệp và doanh nghiệp tư nhân. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở nước ta bắt đầu phát triển. Hơn nữa, Việt Nam đang ở giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” và nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới trong hơn hai thập niên qua.

Đào tạo nghề góp phần quan trọng cung ứng nhân lực cho tăng trưởng, tăng năng suất lao động, giúp Việt Nam thoát “bẫy thu nhập trung bình”. Trong 3 năm gần đây, đào tạo nghề đã có nhiều đổi mới thành công.

Chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam tiệm cận với tiêu chuẩn thế giới
Chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam tiệm cận với tiêu chuẩn thế giới

Kết quả tuyển sinh đạt gấp 2 lần giai đoạn trước đó. Phần lớn, các trường nghề, nhất là tại các vùng kinh tế trọng điểm, đô thị đã thoát được tình trạng khó khăn trong tuyển sinh để bắt đầu cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đào tạo và tăng quy mô.

GS.TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ thêm: Đào tạo nghề đang chịu tác động ngày càng lớn của hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0. Các nhân tố như thị trường quốc tế rộng lớn và có tiêu chuẩn cao, sự dịch chuyển tự do của lao động có tay nghề trong khu vực; sự xuất hiện của nhiều ngành, nghề mới chưa từng có;tự động hóa nhiều công đoạn sản xuất, áp lực việc làm đối với giới trẻ, năng suất lao động thấp so với nhiều nước trong khu vực... đã, đang và sẽ tác động trực tiếp, đòi hỏi các giải pháp đột phá về đào tạo nghề.

Các giải pháp cần đổi mới khung pháp lý, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến đổi mới và hội nhập quốc tế về đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề và cả nâng cao nhận thức của phụ huynh, học sinh về lộ trình học nghề và cơ hội việc làm đối với nhân lực nghề.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng, Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả giáo dục nghề nghiệp nhằm tận dụng năng lực kỹ năng số để cải thiện khả năng làm việc và năng suất lao động, hướng tới đào tạo nghề chất lượng cao.

Dạy nghề tích hợp rất cần chú trọng đến cơ sở vật chất
Dạy nghề tích hợp rất cần chú trọng đến cơ sở vật chất

Cùng với đó, để đạt được hiệu quả đào tạo nghề chất lượng cao, Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với chuyên gia, các tổ chức quốc tế thí điểm xây dựng chương trình đào tạo tiếp cận năng lực theo tiêu chuẩn của Pháp, Bỉ, Hàn Quốc; thí điểm đào tạo theo mô hình "đào tạo nghề kép" của Đức, Thụy Sỹ...

Đến nay, hơn 400 chuẩn đầu ra trình độ trung cấp, cao đẳng được ban hành, đáp ứng cơ bản cho các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực, quốc tế và các ngành nghề phổ biến. Điều này làm căn cứ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chỉnh sửa chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực người học và yêu cầu của thị trường lao động.

“Do vậy, các chương trình đào tạo hiện nay đã được phát triển dựa trên tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và chuẩn đầu ra. Cấu trúc chương trình đào tạo được xây dựng theo modul, tích hợp kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và thái độ nghề nghiệp... đảm bảo sự liên thông giữa các cấp trình độ đào tạo”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng cho biết.

Vũ Cường
Phiên bản di động