Năm 2025, Hà Nội phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu tăng trưởng
Hà Nội: Tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp” Ô nhiễm không khí nghiêm trọng: Lãnh đạo Hà Nội yêu cầu gì? |
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký văn bản về chương trình công tác của UBND TP năm 2025.
Theo đó, năm 2025, UBND TP Hà Nội dự kiến triển khai 380 nội dung công việc, đề án. Trong đó, các nội dung được xem xét, thông qua tại các phiên họp tập thể UBND TP hàng tháng hoặc gửi phiếu xin ý kiến các thành viên theo Quy chế trong năm 2025 là 175 nội dung.
Các nội dung báo cáo Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND TP xem xét, chỉ đạo, thông qua trong năm 2025 là 205 nội dung.
Năm 2025, Hà Nội quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong nhận thức và hành động về "kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam"; nhận thức đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, tiềm năng đặc thù, lợi thế vượt trội của Hà Nội trong sự nghiệp đổi mới.
Trụ sở HĐND, UBND TP Hà Nội. |
Đồng thời tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để đưa Thủ đô Hà Nội phát triển mạnh mẽ, toàn diện, xứng đáng với vai trò, vị thế Thủ đô của một đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới gắn với các kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy ngày 27/11/2024.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ triển khai cụ thể các nội dung: Tập trung phát triển kinh tế, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô; ưu tiên xây dựng, tạo bước đột phá mạnh hơn nữa về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ và hiện đại.
Cùng với đó là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tài nguyên, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, triển khai quyết liệt Đề án 06/CP; tập trung giải quyết triệt để lãng phí đất đai, tháo gỡ khó khăn, đưa các dự án chậm triển khai vào hoạt động, phát huy hiệu quả đầu tư.
UBND TP Hà Nội cũng sẽ tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2025 "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển" và phương châm 3 "rõ": Rõ quy trình giải quyết, tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc; rõ thẩm quyền, trách nhiệm; rõ kết quả kiểm tra, đôn đốc, xử lý người đứng đầu trong thực thi công vụ gắn với việc quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội.
Cùng đó, UBND TP Hà Nội cũng sẽ đổi mới tư duy, phương pháp xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách và quản lý, điều hành theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển; bám sát thực tiễn, lấy người dân và doanh nghiệp làm chủ thể, giảm thiểu thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những điểm nghẽn có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật.
Đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, cải cách triệt để thủ tục hành chính; khẩn trương thực hiện và sớm hoàn thành công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy theo chủ trương của Đảng và quy định pháp luật, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín.
UBND TP Hà Nội cũng sẽ thường xuyên kiểm điểm tiến độ, đôn đốc việc triển khai thực hiện chương trình công tác năm 2025. Các cuộc họp có sự chuẩn bị tốt nội dung, tài liệu được gửi kèm giấy mời họp đến các đại biểu dự họp để nghiên cứu, đóng góp ý kiến, nhằm rút ngắn thời gian họp, nâng cao chất lượng cuộc họp.
Cùng với đó là tiếp tục nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành trong việc xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động triển khai các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, các nghị quyết của HĐND TP; tập trung triển khai thực hiện các đồ án quy hoạch Thủ đô và các cơ chế chính sách của Luật Thủ đô (sửa đổi).
Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP, trước UBND TP về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, coi đây là tiêu chí quan trọng nhất để kiểm điểm, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.