Mỹ cáo buộc Việt Nam “thao túng tiền tệ” là chưa thực sự khách quan

Đó là nhận định của các chuyên gia của Khối Phân tích - Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT tại Báo cáo đánh giá tác động của việc Mỹ cáo buộc Việt Nam “thao túng tiền tệ”.

Trước đó, ngày 16/12, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ” (sau đây gọi là Báo cáo).

Tại Báo cáo tháng 12/2020, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa vào danh sách giám sát gồm 10 nền kinh tế: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ.

Theo quy định của Đạo luật Xúc tiến và tăng cường thương mại năm 2015 của Mỹ, Bộ Tài chính nước này cần thực hiện phân tích nâng cao về chính sách tỷ giá và kinh tế đối ngoại của các đối tác thương mại lớn thỏa mãn các tiêu chí về thặng dự thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp ngoại tệ.

Các tiêu chí này được lượng hóa cụ thể như sau: Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD; Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.

Tại Báo cáo tháng 12/2020, theo Đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988, Việt Nam (cùng với Thuỵ Sỹ) đáp ứng 3 tiêu chí và bị Bộ Tài chính Mỹ xác định là thao túng tiền tệ.

Mỹ cáo buộc Việt Nam “thao túng tiền tệ” là chưa thực sự khách quan
Các chuyên gia đều khẳng định Việt Nam không thao túng tiền tệ. (Ảnh minh họa)

Đánh giá về cáo buộc của Mỹ, các chuyên gia của Khối Phân tích - Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho rằng chưa thực sự khách quan, đồng thời đưa ra 4 quan điểm.

Thứ nhất, thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Mỹ trong 4 quý tính đến tháng 6 năm 2020 là 58 tỷ USD. Tuy nhiên, thặng dư thương mại chủ yếu đến từ nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Phần giá trị thặng dư mà Việt Nam nhận được nhờ gia công các mặt hàng xuất khẩu chính vào Mỹ như may mặc, giày dép, điện thoại, máy tính và linh kiện điện tử tương đối thấp.

Do đó, Việt Nam không được hưởng lợi nhiều từ phần thặng dư thương mại lớn với Mỹ mà thực tế công ty mẹ và những doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu đầu vào chiếm phần lớn thặng dư, bao gồm cả các doanh nghiệp của Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… Bên cạnh đó, người tiêu dùng Mỹ cũng hưởng lợi nhờ được sử dụng các sản phẩm xuất khẩu giá rẻ của Việt Nam.

Thứ hai, thặng dư cán cân vãng lai trong kỳ đạt 4,6% GDP. Tuy nhiên, thặng dư cán cân vãng lai có sự đóng góp rất lớn từ lượng kiều hồi gửi về Việt Nam. Theo World Bank, lượng kiều hối gửi về Việt Nam năm 2019 đạt khoảng 17 tỷ USD, chiếm tới 6,4% GDP. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận thấy, số kiều hối gửi về Việt Nam với mục đích chính là trợ giúp gia đình, người thân và có xu hướng tăng trưởng ổn định qua các năm do đó ít chịu tác động bởi những biến động nhỏ của tỷ giá.

Thứ ba, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước mua ròng ngoại tệ là nhu cầu thực tế trong bối cảnh lượng kiều hối, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đều đặn đổ vào Việt Nam với số lượng khá lớn (gần 40 tỷ USD mỗi năm).

Pháp luật Việt Nam hiện tại không cho phép sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán trong nước. Do vậy, nhà đầu tư khi chuyển tiền vào Việt Nam kinh doanh thì phải đổi sang tiền đồng để giải ngân. Tiền thu từ hoạt động xuất khẩu cũng như kiều hối khi chuyển về Việt Nam cũng phải đổi sang tiền đồng để sử dụng.

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước với tư cách là người mua cuối cùng trên thị trường, cần thiết phải thực hiện mua vào ngoại tệ để đáp ứng quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân cũng như ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối.

Bên cạnh đó, hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam mới ở mức 4.3 tháng nhập khẩu, thấp hơn mức bình quân của các nước có cùng trình độ phát triển với Việt Nam (nhóm nước có thu nhập trung bình thấp) là 7 tháng nhập khẩu, cũng như thấp hơn so với khuyến cáo và thông lệ chung trên thế giới (khoảng trên 5 tháng nhập khẩu). Do đó, việc gia tăng dự trữ ngoại hối trong thời gian tới vẫn là công việc cần thiết của Ngân hàng Nhà nước nhằm củng cố an ninh tài chính quốc gia.

Thứ tư, theo lý thuyết ngang giá sức mua, biến động tỷ giá hối đoái phản ánh mức chênh lệch về lạm phát giữa các nước có quan hệ thương mại với nhau. Trong những năm gần đây, lạm phát của Việt Nam bình quân khoảng 3.1%/năm trong khi lạm phát của Mỹ khoảng 1.5%/năm. Do đó, việc điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND khoảng 1.5%/năm trong những năm gần đây là hoàn toàn có cơ sở.

Đánh giá về tác động của việc Mỹ cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ, các chuyên gia cho rằng, trong ngắn hạn chưa có nhiều tác động tới hoạt động xuất khẩu và nền kinh tế Việt Nam do hiện tại vẫn đang trong giai đoạn đàm phán giữa hai nước để giải quyết các bất đồng liên quan đến vấn đề thương mại và điều hành tỷ giá hối đoái.

Tuy nhiên, tác động trong trung và dài hạn đối với hoạt động thương mại và nền kinh tế Việt Nam sẽ phụ thuộc lớn vào quyết định của Mỹ liên quan đến thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Trong kịch bản cơ sở, các chuyên gia kỳ vọng Việt Nam và Mỹ sẽ giải quyết được các bất đồng liên quan đến thương mại và tỷ giá thông qua đàm phán, qua đó phía Mỹ sẽ không áp thuế “trừng phạt” đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 18/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh quan điểm Việt Nam không thao túng tiền tệ như kết luận của Bộ Tài chính Mỹ và cho biết, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã kịp thời tuyên bố, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có thông tin báo chí, nêu rõ quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam là nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm mục đích hạ giá tiền tệ để tạo lợi thế thương mại.

Ngay tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác Mỹ để duy trì đà quan hệ hợp tác song phương phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai nước.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung, nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, thặng dư thương mại song phương với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.

Việc Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố Dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định, Việt Nam coi trọng mối quan hệ kinh tế thương mại ổn định và bền vững với Mỹ, cơ quan này sẽ phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, tiến đến quan hệ thương mại hài hòa, công bằng theo kế hoạch hành động hợp tác giữa hai nước.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

Văn Huy
Phiên bản di động