Mục tiêu một triệu doanh nghiệp vào năm 2020 không đạt
Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước khó đạt kế hoạch Ngân hàng, doanh nghiệp ủng hộ hàng tỷ đồng giúp miền Trung khắc phục bão lũ |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản lấy ý kiến bộ, ngành và các địa phương về nội dung dự thảo báo cáo 5 năm tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Theo dự thảo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mục tiêu của Nghị quyết số 35/NQ-CP là đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh, song mục tiêu này là không đạt.
Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 là không đạt |
Theo đó, tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có 758.610 doanh nghiệp đang hoạt động. Ước đến tháng 10/2020, cả nước có 795.000 doanh nghiệp đang hoạt động.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lũy kế doanh nghiệp thành lập mới đến nay đã vượt 1 triệu, nhưng do số lượng doanh nghiệp đóng cửa, rút lui khỏi thị trường tăng cao, nên con số còn lại không đủ 1 triệu doanh nghiệp.
Đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 tới nay, việc doanh nghiệp thành lập mới cũng sẽ gặp khó khăn còn số doanh nghiệp giải thể, đóng cửa chờ giải thể có xu hướng tăng lên.
''Do đó mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 là không đạt'', Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu trong dự thảo báo cáo.
Lý giải nguyên nhân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tại thời điểm năm 2016, khi xây dựng mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020, Chính phủ đã rất kỳ vọng vào các nhóm giải pháp và nhiệm vụ tại Nghị quyết 35/NQ-CP. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, đa số các chính sách, giải pháp mới dừng ở việc ban hành các quy định, văn bản quy định pháp luật, mà chưa đi vào cuộc sống.
Đồng thời, mức độ tiếp cận, thụ hưởng chính sách hỗ trợ của các doanh nghiệp cũng hạn chế. Hộp thư điện tử, đường dây nóng trả lời doanh nghiệp ở các địa phương hầu như không hoạt động, doanh nghiệp gửi câu hỏi đến nhưng sau mấy tháng không có thông tin phản hồi.
Đặc biệt, chính sách khuyến khích hộ gia đình chuyển đổi thành doanh nghiệp chưa đủ hấp dẫn, do đó số doanh nghiệp thành lập mới từ hộ kinh doanh rất khiêm tốn. Trong khi đó, đây là khu vực được kỳ vọng sẽ bổ sung một lực lượng lớn cho khu vực doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, do tác động của dịch Covid-19 nên số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng đăng ký kinh doanh có thời hạn tăng đột biến, tăng gần 82% so với cùng kỳ năm 2019, gấp 3,7 lần do với mức tăng bình quân của cả giai đoạn 2015-2019.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trung bình mỗi tháng đầu năm 2020, có 8.701 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 27,2% so với trung bình 9 tháng đầu năm 2019. Trong khi đó, số doanh nghiệp thành lập mới thì lại thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
''Do vậy, trong thời gian tới cần đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nâng cao sức cạnh tranh để tồn tại và phát triển đóng góp cho tăng trường kinh tế'', Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.