Mùa bầu cử không ngại Covid-19 và bài toán xã hội hóa nguồn cung vắc - xin

Làm sao để đẩy nhanh quá trình tiêm vắc-xin ngăn ngừa virus corona mới là điều đại đa số cử tri quan tâm.
Hà Nội: Lực lượng CSGT thực hiện nhiệm vụ kép đảm bảo an toàn bầu cử Hà Nội: Tập trung cao độ và toàn lực để đảm bảo tổ chức thành công cuộc bầu cử

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có hướng dẫn về tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch Covid-19. Đây là một động thái quan trọng để mùa bầu cử không ngại mùa Covid-19. Tuy nhiên, làm sao để đẩy nhanh quá trình tiêm vắc-xin ngăn ngừa virus corona mới là điều đại đa số cử tri quan tâm.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến kiểm tra công tác chuẩn bị tại một điểm bỏ phiếu trên địa bàn quận Ba Đình
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến kiểm tra công tác chuẩn bị tại một điểm bỏ phiếu trên địa bàn quận Ba Đình.

Tiếp xúc cử tri là một trong những khâu chủ chốt để vận động bầu cử đạt kết quả tốt nhất. Trong bối cảnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thì nhiều người ứng cử cũng sẽ gặp bất lợi khi muốn tiếp cận trực tiếp một cách rộng rãi với cử tri. Vì vậy, hội nghị trực tuyến có thể xem như một chọn lựa hợp lý, và các ứng viên có thể sử dụng thêm các ứng dụng công nghệ như Zalo, Viber… Đặc biệt, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khuyến khích các hình thức vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như phát thanh, truyền hình, báo điện tử, trang thông tin điện tử của các tổ chức phụ trách bầu cử. Nghĩa là, không chỉ cử tri trên địa bàn được thấu hiểu tâm tư của ứng viên, mà cử tri ở những vùng khác cũng có được kênh tham khảo thú vị và bổ ích.

Việc vận động bầu cử thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, cũng là cơ hội mới mẻ cho những người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội. Bởi lẽ, trước sự công khai của dư luận thì mọi ưu điểm cũng như khuyết điểm từng cá nhân sẽ được phơi bày một cách rõ ràng và đầy đủ. Cả nước có 9 người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 15.

Đành rằng, không ai muốn mùa bầu cử lại diễn ra trong không khí căng thẳng chống dịch Covid-19. Thế nhưng, với công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, thì sự kết nối giữa ứng viên và cử tri không có gì đáng e ngại. Nếu ứng viên biết phát huy những thành tựu kỹ thuật số cho quá trình vận động bầu cử của mình, thì chắc chắn họ là những đại biểu xứng đáng thời 4.0. Mặt khác, những trải nghiệm các hình thức vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, sẽ giúp những ứng viên sau khi trúng cử dễ dàng lắng nghe và nắm bắt nguyện vọng của đám đông, để thực hiện vai trò một đại biểu được bá tánh tin yêu.

Giải pháp tối ưu để đẩy lùi Covid-19, chính là tiêm vắc-xin cho người Việt Nam. Hiện nay, đã có những nhóm đối tượng ở tuyến đầu chống dịch được tiêm vắc-xin, chiếm một tỉ lệ khá nhỏ trong cộng đồng. Làm sao để có đủ vắc-xin cho người Việt Nam khi đại dịch toàn cầu vẫn đang diễn biến phức tạp? Câu trả lời là phải đẩy mạnh xã hội hóa nguồn cung ứng. Những vắc-xin do Việt Nam sản xuất để ứng phó Covid-19 như vắc xin NanoCovax của Công ty NANOGEN hay vắc -xin COVIVAC của Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế đều trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, dự kiến sẽ có kết quả khả quan vào cuối năm 2021. Như vậy, trước mắt chỉ có con đường nhập khẩu vắc-xin để phục vụ nhu cầu trong nước.

Cán bộ, nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với người bệnh tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội được tiêm vắc xin COVID-19 sáng 9/3.
Cán bộ, nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với người bệnh tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội được tiêm vắc xin COVID-19 sáng 9/3.

Bộ Y tế khẳng định Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng. Vì vậy, Bộ Y tế không có chủ trương để các công ty, doanh nghiệp tự nhập khẩu vắc xin phòng Covid-19 để tiêm. Trước bối cảnh các nguồn cung ứng vắc xin từ nước ngoài trễ hẹn, Bộ Y tế đã mở ra một hướng đi, đó là cùng với việc đẩy nhanh tốc độ sản xuất vắc xin trong nước, khuyến khích tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước có đủ điều kiện đàm phán với các đối tác nước ngoài để nhập khẩu vắc xin sử dụng trong nước. Ngoài VNVC, Bộ Y tế cho biết trong nước hiện có tập đoàn AMV, Vabiotech, Vimedimec (thuộc Bộ Y tế) cũng đang tiếp cận với các đối tác khác từ Mỹ và Ấn Độ.

Bộ Y tế từng thông báo chỉ đặt mua các vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới thẩm định, nhưng đến nay Bộ Y tế đang tìm nguồn khắp nơi thay vì chỉ 2 nguồn chính như trước đây. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có 3 cuộc làm việc riêng rẽ với 3 đại sứ Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. Công ty Vabiotech trực thuộc Bộ Y tế được giao là đơn vị chịu trách nhiệm trao đổi, đánh giá nguồn lực, khả năng cung ứng vắc xin của đối tác Trung Quốc, nhu cầu sử dụng vắc xin trong nước. Khi nhận được hồ sơ đăng ký vắc xin đầy đủ điều kiện, ông Long cho biết có thể cấp phép trong vòng 2 tuần. Với Ấn Độ, hiện nước này đang sản xuất 2 loại vắc xin ngừa Covid-19, trong đó có sản phẩm của Hãng AstraZeneca đặt hàng và của Công ty Bharat Biotech sản xuất có tên Covaxin. Công ty Đức Minh (một công ty có chức năng xuất nhập khẩu vắc xin ở Việt Nam) đã nộp hồ sơ lên Bộ Y tế xin cấp phép cho vắc xin Covaxin.

Một đơn vị có uy tín trên thị trường vắc-xin là Công ty cổ phần vắc-xin Việt Nam - VNVC dự kiến nửa đầu năm 2021 sẽ đưa về Việt Nam khoảng 30 triệu liều vắc- xin do tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới AstraZeneca và Đại học Oxford (Vương quốc Anh) nghiên cứu và sản xuất. Con số này vô cùng ít ỏi, vì để bảo đảm tiêm đủ vắc-xin phòng Covid-19 cho người Việt Nam trong năm 2021 thì cần đến 150 triệu liều vắc-xin. Đại diện VNVC cho biết đơn vị đang chủ động tiếp tục làm việc với Hãng Pfizer (Mỹ). Đây là đối tác lâu nay của VNVC trong cung ứng nhiều loại vắc xin thông thường mà đơn vị đang sử dụng tiêm chủng cho người dân. "Nhưng với mặt hàng này Pfizer đang muốn ký với Chính phủ hoặc ít nhất với Bộ Y tế, do đó còn một số khó khăn cần tháo gỡ", đại diện VNVC nói. Theo VNVC, khó khăn nhất bây giờ là vấn đề cơ chế và các đơn vị đang rất nỗ lực đàm phán để tháo gỡ.

Để chăm lo cho người lao động và giảm bớt gánh nặng tài chính cho Chính phủ, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm và chi trả việc tiêm vắc-xin. Đây là một động thái tích cực, nhưng lại gây ra hệ lụy là tạo nên sự khan hiếm trên thị trường vắc-xin và đẩy giá cả lên mức mất kiểm soát.

Vì vậy, bài toán vắc-xin cho người Việt Nam cần giải quyết bằng một chủ trương xã hội hóa bài bản và triệt để. Xã hội hóa vắc-xin không chỉ nằm ở nguồn kinh phí do nhiều tổ chức đứng ra quyên góp, mà còn phải chú trọng các khâu nhập khẩu, bảo quản, phân phối và sử dụng theo đúng quy định. Một khi Bộ Y tế đã xác định mục tiêu huy động thêm các nguồn xã hội hóa để đẩy nhanh tiến độ cung ứng vắc-xin, giúp bảo đảm ngân sách nhà nước, tăng độ bao phủ tiêm vắc-xin, thì nên có một chương trình hành động cụ thể.

Người Việt Nam vốn có sẵn tinh thần tương thân tương ái. Việc thành lập một quỹ riêng biệt cho vắc-xin Covid-19 không hề khó khăn, mà chỉ cần một tổ chức đứng ra chịu trách nhiệm chính cho quá trình quyên góp được minh bạch và hiệu quả. Từ nguồn tài chính xã hội hóa được tiến hành công khai, Bộ Y tế mới có thể điều phối hợp lý thị trường vắc-xin phục vụ cho đồng bào một cách nhanh chóng và thuận tiện./.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động