“Lời hứa Hà Nội” vì khí hậu
Làm gì khi ô nhiễm không khí thành vấn nạn quốc gia? |
5 nhóm ưu tiên
Những năm qua, TP Hà Nội đã có nhiều nỗ lực và hành động cụ thể để ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và đối phó với những vấn đề cực đoan về khí hậu, môi trường. Bà Lưu Thị Thanh Chi – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT) Hà Nội cho biết, Thành phố đã ban hành 2 kế hoạch ứng phó với BĐKH năm 2012 và năm 2016.
Năm 2020, TP sẽ tiếp tục xây dựng và cập nhật Kế hoạch lần thứ 3 với mục tiêu chung là đưa ra giảm thiểu và thích ứng với BĐKH trong từng giai đoạn. Trong đó, Lời hứa Seoul là một trong những nguồn cảm hứng lớn để xây dựng “Lời hứa Hà Nội” với cam kết mạnh mẽ trong kế hoạch năm tới.
Bà Lê Thanh Thủy - Trưởng phòng Quản lý dự án và truyền thông, Chi cục BVMT Hà Nội chia sẻ những sáng kiến xanh vì khí hậu |
Theo bà Lê Thanh Thủy - Trưởng phòng Quản lý dự án và truyền thông, Chi cục BVMT Hà Nội, một số sáng kiến xanh đã “khởi động” cho việc xây dựng Kế hoạch lần thứ 3. Đó không phải là những hoạt động được thực hiện riêng của chính quyền thành phố mà là sự cam kết, chung tay của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, người dân. 5 nhóm ưu tiên được đưa vào lời hứa Hà Nội gồm vấn đề quản lý chất lượng không khí, quản lý chất thải, năng lượng, quy hoạch đô thị, lối sống xanh hay tiêu dùng bền vững.
Cùng với kết quả đã đạt được, Hà Nội tiếp tục cam kết đồng bộ các giải pháp về bảo vệ môi trường, rà soát các quy hoạch phát triển có tính tới yếu tố thích nghi với BĐKH, ưu tiên các dự án đầu tư xây dựng thân thiện với môi trường và tập trung triển khai giải pháp bảo vệ môi trường bền vững hướng tới TP các-bon thấp.
Những sáng kiến xanh
Đơn cử, trong nỗ lực liên quan đến cải thiện chất lượng không khí, thời gian qua, TP Hà Nội đã đầu tư mạng lưới quan trắc để cung cấp cho người dân chỉ số chất lượng không khí kịp thời, liên tục. Từ đó, người dân có được cách tự bảo vệ sức khỏe bản thân; đồng thời giúp cho những nhà hoạch định chính sách có thể đưa ra những chính sách phù hợp trong việc cải thiện chất lượng không khí.
“TP Hà Nội đã lắp đặt 50 trạm cảm biến trong nhà tại các trường học, một số văn phòng... Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Cơ quan Phát triển Đức tiến hành lắp đặt tại quận Hoàn Kiếm thêm 20 trạm cảm biến nữa để làm sao tại trung tâm Thủ đô sẽ có một mạng lưới toàn diện về không khí”, bà Thủy thông tin.
Cùng với giáo dục tại trường học, TP cũng thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn cho các Sở, ngành, tổ chức đoàn thể về tình hình, giải pháp bảo vệ cũng như cải thiện chất lượng không khí. Một trong những chiến dịch lan tỏa mạnh nhất là “chiến dịch trực tuyến”; trong đó chương trình “truy tìm không khí sạch” được thực hiện xuyên suốt với nhiều sáng kiến thiết thực góp phần cải thiện chất lượng không khí.
Hạn chế đốt rơm rạ góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí của Thủ đô |
Về quản lý chất thải, bà Thủy cho hay, quản lý tốt những phụ phẩm, chất thải từ hoạt động nông nghiệp; xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa; quản lý tuần hoàn rác là mục tiêu hướng tới của TP.
Trong đó, với các sản phẩm, phụ phẩm từ nông nghiệp, sáng kiến “hạn chế đốt rơm, rạ” trên địa bàn thành phố được ủng hộ và đánh giá cao. Cùng với các nhà khoa học, Thành phố nghiên cứu và đưa ra các giải pháp, trong đó có việc sử dụng các chế phẩm vi sinh rắc trực tiếp vào rơm, rạ sau vụ mùa và bón trở lại đất để không phát sinh ra loại rác thải nào khác; sử dụng những phụ phẩm rơm rạ phục vụ làm nấm rơm hoặc thực phẩm cho gia súc, gia cầm...
Theo bà Thủy, Việt Nam là một trong những nước đang phát triển, nhu cầu sử dụng năng lượng cao và chủ yếu vẫn sử dụng năng lượng tự nhiên, năng lượng hóa thạch. Đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ra nguồn phát thải lớn.
Trước thực tế đó, TP Hà Nội đã tiến hành khảo sát và đưa ra giải pháp phù hợp để các địa phương xây dựng các kế hoạch hoạt động về phát triển năng lượng tái tạo, đánh giá những mô hình thí điểm hiệu quả, từ đó nhân rộng ra trên địa phương. Một trong những chương trình mà Thành phố hướng đến là mỗi người dân khi sử dụng tấm năng lượng mặt trời sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng – mức giá ưu đãi nhất với sự cam kết của doanh nghiệp và chính quyền.
Quy hoạch đô thị với tầm nhìn đến năm 2025, thành phố trở thành đô thị xanh, khỏe mạnh và đáng sống cũng là một trong những giải pháp thực hiện “Lời hứa Hà Nội”.
Với mục tiêu như vậy, TP Hà Nội đã đưa ra quy hoạch đô thị bền vững, tập trung vào 3 lĩnh vực: xây dựng kế hoạch giao thông bền vững; xây dựng những công trình xanh với quy hoạch đô thị bền vững trong đó có tính đến yếu tố về BĐKH và môi trường; tạo ra các không gian xanh cho cộng đồng dân cư.
Thành phố cũng đang xây dựng mô hình “chia sẻ xe đạp”, hướng tới thiết lập các khu vực có xe đạp công cộng để người dân có thể sử dụng xe đạp thay thế cho các phương tiện khác nhằm giảm thiểu khí thải cũng như những tác động khác đối với môi trường.
“Những nỗ lực trên chỉ là một số trong 25 giải pháp mà Hà Nội tiếp cận - sự khởi động mạnh mẽ để thực hiện “Lời hứa Hà Nội” trong thời gian tới với sự tham gia của các Sở, ngành, UBND các quận, huyện... trên địa bàn thành phố”, bà Thủy nhấn mạnh.