Linh thiêng 'Lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc' ở Di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc
Hải Dương: Khai hội truyền thống mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023 Hải Dương: Sắp tổ chức Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc Hải Dương: Đón gần 24 vạn lượt khách dịp Tết Quý Mão 2023 |
Ngày 7/2, tức 17 tháng Giêng năm Quý Mão, Ban Tổ chức Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023 đã tổ chức lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc.
Các đại biểu dâng hương tại Trung Nhạc miếu |
Dự buổi lễ có ông Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương; Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cùng đông đảo Nhân dân và du khách thập phương.
Lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc là một nghi thức độc đáo trong khuôn khổ các nghi lễ truyền thống mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc hàng năm, nhằm cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh, dịch bệnh tiêu trừ.
Kết thúc lễ tế trời đất, ông Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương thực hiện nghi thức phát ngũ cốc cho lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương |
Sau khi nghi thức cúng tế kết thúc, lãnh đạo tỉnh lần lượt trao ngũ cốc cho đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố và Nhân dân cùng du khách thập phương. Năm loại ngũ cốc gồm: Thóc tượng trưng cho hành Thổ, ngô tượng tưng cho hành Kim, đỗ tượng trưng cho hành Hỏa, lạc tượng trưng cho hành Mộc và vừng tượng trưng cho hành Thủy. Người nhận ngũ cốc hồ hởi và tràn đầy tin tưởng vào một năm mới nhiều điều tốt lành.
Xưa kia, trên núi Ngũ Nhạc thường diễn ra nghi lễ tế trời đất tại Trung Nhạc miếu vào dịp lễ hội mùa xuân. Trong tín ngưỡng dân gian, tế trời đất tại Ngũ Nhạc để cầu phúc, tránh họa, mong cho mùa màng tươi tốt, phong đăng hòa cốc, quốc thái dân an.
Trải qua thời gian, nghi lễ trên không còn được tổ chức thường xuyên. Năm 2006, UBND tỉnh Hải Dương thực hiện “Đề án Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc giai đoạn 2006 - 2010”, trong đó có việc phục dựng lại nghi lễ tế trời đất trên Ngũ Nhạc vào sáng 17 tháng Giêng hằng năm.
Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương phát ngũ cốc cho du khách dự lễ tế |
Núi Ngũ Nhạc thuộc xã Lê Lợi, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Núi bắt nguồn từ dãy Huyền Đinh, Yên Tử đột khởi mà thành, người xưa từng ca ngợi:
Chí Linh vi chi huyện, thực dĩ Côn Sơn chân linh
Côn Sơn vi tối linh, chân ỷ Ngũ Nhạc kỳ tú.
Dịch nghĩa:
Đất Chí Linh được gọi là linh bởi do Côn Sơn linh thiêng
Côn Sơn linh thiêng bởi có núi Ngũ nhạc kỳ tú.
Dãy có 5 đỉnh núi thiêng tượng trưng cho 5 phương, gồm tứ phương và trung phương (Đông, Nam, Tây, Bắc, Trung tâm).
Mỗi phương ứng với một hành: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. Trên mỗi đỉnh của Ngũ Nhạc được xây một miếu thờ các thần tự nhiên Ngũ Phương Ngũ Lão quân gồm: Thanh Đế (phương Đông), Bạch Đế (phương Tây), Xích Đế (phương Nam), Hắc Đế (phương Bắc) và Hoàng Đế (Trung tâm).
Trong đó, Đông phương miếu tượng trưng cho hành Mộc - màu xanh, Tây phương miếu tượng trưng cho cho hành Kim - màu trắng, Nam phương miếu tượng trưng cho hành Hỏa - màu đỏ, Bắc phương miếu tượng trưng cho hành Thủy - màu đen, Trung phương miếu tượng trưng cho hành Thổ - màu vàng.
Trong không khí linh thiêng của núi Ngũ Nhạc, đội lân, đội rước cờ dẫn đầu đoàn lễ đi trong tiếng chiêng trống rộn ràng |
Các vị thần thờ ở các miếu có chức năng cai quản việc cát, hung, họa, phúc, thống lĩnh muôn loài và chủ quản núi rừng, khe vực, cây cối… Truyền thuyết cho rằng, Ngũ Nhạc là vùng đất phúc mà các thần tiên ngự trị, ngao du, thưởng ngoạn phong cảnh đẹp của trần gian.
Theo các nguồn tư liệu, 5 ngôi miếu trên núi Ngũ Nhạc được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIII - XIV. Các miếu có quy mô nhỏ, dài 3m, rộng 2m, cao 1m, xây dựng bằng đá tự nhiên. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, điều kiện tự nhiên, đến những năm đầu thế kỷ XXI, các miếu chỉ còn những ban thờ lộ thiên, kiến trúc đơn sơ bằng đá trát vữa vôi.
Năm 2004, công trình miếu Ngũ Nhạc và hệ thống đường bộ hành được trùng tu, tôn tạo. Sau hơn một năm thi công, ngày 13/2/2006, địa phương khánh thành năm miếu thờ trên núi Ngũ Nhạc cùng hệ thống đường bộ hành lên núi.
Các ngôi miếu với những mảng chạm khắc đạt trình độ nghệ thuật cao đều quay về hướng Nam - nơi có hồ Côn Sơn quanh năm nước biếc. Hệ thống đường bộ lên núi cũng được lát bằng đá xanh thuận tiện cho việc đi lại, đáp ứng nguyện vọng, tín ngưỡng tâm linh của nhân dân và du khách.