Hải Dương: Khai hội truyền thống mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023
Hải Dương: 2.400 thanh niên sẵn sàng lên đường nhập ngũ Hải Dương: Sắp tổ chức Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc Hải Dương: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1 giảm |
Các đại biểu dự Lễ khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023, Lễ tưởng niệm 689 năm ngày viên tịch của Đệ Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả |
Sáng 6/2, tại khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn, Tỉnh uỷ - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương tổ chức trọng thể Lễ khai hội truyền thống mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023 và tưởng niệm 689 năm ngày viên tịch của Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả.
Dự lễ có các đồng chí: Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành địa phương.
Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đọc diễn văn khai hội |
Năm 2023, Lễ hội truyền thống mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc được tổ chức với các nghi lễ như: Lễ rước nước, lễ tưởng niệm và khai hội, lễ tế trên núi Ngũ Nhạc; phần hội với Hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy, Liên hoan pháo đất, vật cổ truyền, cờ tướng...
Từ thế kỷ 14, Côn Sơn đã trở thành một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Thiền phái Trúc Lâm - một Thiền phái của người Việt góp phần làm nên sức mạnh “Đông A” - điểm tựa tinh thần cho quân dân Đại Việt giữ vững nền độc lập chủ quyền trước âm mưu xâm lược của các thế lực ngoại xâm. Nơi đây, cứ mỗi độ xuân về, đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài lại nô nức về trẩy hội, thắp nén tâm hương tưởng nhớ vị tổ Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm - Huyền Quang Tôn giả.
Huyền Quang tên thật là Lý Đạo Tái, sinh tháng Giêng, năm Giáp Dần, niên hiệu Nguyên Phong thứ 4, tức năm 1254 đời vua Trần Thái Tông, nguyên quán tại hương Vạn Tư, nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Đương thời, Huyền Quang là một trong những trí thức tài năng, nổi tiếng thơ văn, đỗ Tiến sĩ từ năm 21 tuổi, từng làm quan tại Viện Hàn lâm. Song, cũng như vua Trần Nhân Tông, Ông đã từ bỏ chốn quan trường, quyết chí tu hành, học đạo, được Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông giao chuyên tâm biên soạn kinh sách về Phật học.
Huyền Quang cùng với Phật Hoàng Trần Nhân Tông và Pháp Loa đi đến mọi miền đất nước để hoằng dương Phật pháp và trở thành vị tổ thứ ba của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm. Những năm tháng cuối đời, ông đã về trụ trì tại chùa Côn Sơn, tôn tạo mở rộng chùa với nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng như đài Cửu Phẩm Liên Hoa, Am Bạch Vân, xây dựng tăng viện, đào tạo tăng ni, giảng kinh thuyết pháp… đưa Côn Sơn trở thành đại danh lam, đại tùng lâm. Vì thế, chùa Côn Sơn trở thành một trong những trung tâm của dòng Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm:
“Côn Sơn, Yên Tử, Quỳnh Lâm,
Nếu ai chưa đến thiền tâm chưa thành”
Các đại biểu dâng hương tưởng niệm 689 năm ngày viên tịch của Đệ Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả |
Ngày 23 tháng Giêng năm Khai Hựu thứ 6 (1334), Tổ Huyền Quang viên tịch tại Côn Sơn, Thái Thượng Hoàng Trần Minh Tông đã ban thụy hiệu là: Trúc Lâm thiền sư đệ tam đại, đặc phong tự pháp Huyền Quang Tôn giả và xuất ngân quỹ để xây Đăng Minh Bảo Tháp cho sư tổ ở sau chùa. Ngày giỗ Tổ Huyền Quang đã trở thành ngày hội truyền thống mùa xuân Côn Sơn.
Gần 7 thế kỷ qua, những giá trị di sản văn hóa ở Côn Sơn đã góp phần làm nên nét văn hóa đặc sắc, đa dạng không chỉ của riêng vùng đất Hải Dương mà trở thành dòng chảy liên tục “hội tụ, kết tinh và lan tỏa” bằng sức sống văn hóa, bằng tâm nguyện của hàng triệu triệu đồng bào Việt Nam. Và rồi từ đây, tinh thần ấy, ý chí ấy lại lan tỏa, ăn sâu vào tâm thức mỗi gia đình, mỗi người dân yêu nước, với tấm lòng hướng thiện, có vị thế quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.
Với giá trị to lớn, Khu di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc đã được Nhà nước xếp hạng di tích Quốc gia năm 1962 và năm 2012 được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt. Lễ hội chùa Côn Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đến với Côn Sơn là đến với những địa danh rất đỗi quen thuộc trong tâm thức biết bao du khách như: Chùa Hun, Đền thờ Nguyễn Trãi, Đền thờ quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán, suối Côn Sơn, Bàn Cờ Tiên, núi Ngũ nhạc... Nơi đây, lưu giữ nhiều hiện vật quý, trong đó có các Bảo vật quốc gia như: Bia “Thanh Hư Động” với ngự bút của vua Trần Duệ Tông, niên hiệu Long Khánh năm 1372 - 1377; Bia “Côn Sơn Tư Phúc tự bi” được tạo tác từ thời Lê niên hiệu Hoằng Định thứ 8, tức năm 1607. Đây là những hiện vật vô giá minh chứng cho bề dày lịch sử và giá trị văn hoá, khoa học của khu di tích Côn Sơn.
Tiết mục văn nghệ của nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Chèo Hải Dương |
Cũng tại đây, ngày 15/2/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Côn Sơn. Hình ảnh Bác Hồ đọc bia “Côn Sơn Tư Phúc tự bi” đã trở thành ký ức thiêng liêng, nhắc nhở, căn dặn chúng ta nhớ về cội nguồn, luôn biết tri ân các bậc tiền nhân. Hơn 50 năm qua, lời dặn dò của Bác vẫn là phương châm, là nhiệm vụ cao cả của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương nói riêng và cả nước trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Thấm nhuần tinh thần đó, trong những năm qua, tỉnh Hải Dương luôn phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể tại khu di tích Côn Sơn; quan tâm đầu tư, bảo tồn, tu bổ, phục dựng nhiều công trình tiêu biểu, để Côn Sơn trở thành “chốn tùng lâm đẹp đẽ…” như lời Bác Hồ đã dặn.
Đồng thời, tỉnh Hải Dương cũng tích cực phối hợp cùng với tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Bắc Giang, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về giá trị nổi bật toàn cầu của khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc để cùng các địa phương hoàn thiện hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản thế giới.
Trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023, Tuần Văn hoá, Du lịch và Xúc tiến thương mại năm 2023 đã khai mạc tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Các đại biểu cắt băng khai mạc tuần Văn hoá, Du lịch và Xúc tiến thương mại năm 2023 |
Tuần Văn hoá, Du lịch và Xúc tiến thương mại năm 2023 diễn ra từ ngày 6 đến 8/2 (16 - 18 tháng Giêng) với 18 gian hàng trưng bày, giới thiệu trên 150 sản phẩm tiêu biểu phong phú về sản hẩm, đa dạng về mẫu mã, chất lượng cao của các huyện, thị, thành phố trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như: Hưng Yên, Bắc Giang, Quảng Ninh.
Chương trình nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng tiêu biểu, của tỉnh Hải Dương và tỉnh bạn như: Di sản văn hóa, di tích và lễ hội, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống tiêu biểu; sản phẩm đặc trưng của tỉnh; các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của các địa phương; sản phẩm của doanh nghiệp Hiệp hội Du lịch; sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề… Các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Hải Dương cũng được tập hợp để giới thiệu tới du khách tại Tuần Văn hoá, Du lịch và Xúc tiến thương mại lần này.
Cũng tại Tuần Văn hoá, Du lịch và Xúc tiến thương mại năm 2023 sẽ diễn ra các hoạt động văn hoá, văn nghệ dân truyền thống như: hát văn, hát chèo, các trò chơi dân gian…