Sáng 25/1, lễ rước diều linh thiêng đã diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long nhằm tái hiện phong tục Tết cổ truyền của người Việt.
Chương trình lễ rước diều tại Hoàng thành Thăng Long được tổ chức với mục đích tái hiện nghi lễ rước diều từ thế kỷ XIV tại đền Mẫu Sáo Đền (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), nơi thờ Quốc Thái phu nhân Đinh Thị Ngọc Kế và Quang Thục Hoành Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Giao, người đã nuôi dưỡng và sinh thành vu Lê Thánh Tông. Tục chơi sáo diều tại đây đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật quốc gia năm 2019.
Lễ rước diều là hoạt động nằm trong chương trình “Happy Tết 2024 - Lan tỏa bản sắc văn hóa Tết truyền thống".
Nghi lễ rước diều cổ truyền tại Hoàng thành Thăng Long đã thu hút đông đảo sự quan tâm của du khách với điểm nhấn là sự xuất hiện của con diều cổ với gần 300 năm tuổi. Hiện nay, con diều đang được bảo tồn tại đền Song An (Vũ Thư, Thái Bình).
|
Hình ảnh con diều cổ nhất Việt Nam với gần 300 năm tuổi |
Đặc biệt, diều cổ với chiều dài 1m, được làm hoàn toàn từ nguyên vật liệu tre và giấy gió thời cổ.
|
Bộ dây diều cổ nhất Việt Nam được làm hoàn toàn bằng tre cũng có mặt tại buổi rước diều |
|
Bộ sáo diều cổ nhất Việt Nam cũng được trưng bày tại đây |
|
Toàn cảnh của buổi lễ rước diều |
|
Theo dân gian xưa truyền lại, rước diều là nghi lễ có từ thời vua Lê, tại Lễ hội Sáo Đền (Lễ hội thả diều Song An tại Thái Bình), nhằm cầu cho thái bình, dân an, mưa thuận gió hoà và năm mới mùa mang bội thu, dân làng sung túc. |
|
Ông Hoàng Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Diều Việt Nam đánh trống tại Lễ rước diều. Ông cho biết: “Lễ rước nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi và cầu cho năm mới mưa thuận, gió hòa, nhà nhà ấm no hạnh phúc. Đoàn rước của chúng tôi đến từ nhiều câu lạc bộ và gồm 3 niên đại diều cách nhau hàng trăm năm tuổi”. |
|
“Thông qua lễ rước, chúng tôi muốn gửi đến mọi người hình ảnh đẹp của những cánh diều, sáo và thú chơi diều xưa”, ông Điệp nói. |
|
Theo phong tục xưa, Lễ rước diều thường được diễn ra vào dịp đầu xuân năm mới |
|
Trong những ngày lễ cổ truyền, nhà vua sẽ cho quân lính thả diều với nhiều hy vọng và may mắn cho một năm mới hạnh phúc. |
|
Anh Bùi Quang Long (người làm sáo diều tham gia rước diều tại chương trình) cho biết: "Tôi đã có hơn 30 năm chơi và làm sáo diều, tham gia rất nhiều cuộc thi diều cả trong nước và quốc tế, nhưng lần đầu tiên tôi được tham gia rước diều tại một nơi linh thiêng được tổ chức với quy mô rộng lớn như thế này". |
|
"Hy vọng rước diều tại Việt Nam sẽ tiếp tục gìn giữ và ngày càng phát triển mạnh, để trẻ em các thế hệ sau có thể 'thoát' ra khỏi những chiếc điện thoại và hiểu về cội nguồn nhiều hơn", anh Long chia sẻ. |
|
Bộ sáo diều "khổng lồ" được giăng mắc ngay tại trung tâm sân khấu |
|
Nếu như trước đây, những bộ sáo diều hoàn toàn được đục đẽo và làm bằng tay, thì sáo diều ngày nay đã có sự hỗ trợ nhiều của các thiết bị máy mọc hiện đại. |
|
Năm nay, với quy mô hoành tráng, chương trình lễ rước diều có sự tham gia của 9 đoàn đến từ Hà Nội và Thái Bình. |
Theo quan niệm xưa, tục chơi diều sáo nhằm thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, yêu cuộc sống của người dân nơi đây được gửi gắm qua cánh diều bay bổng và tiếng sáo vi vu. Đó là những phút thăng hoa của người dân lao động, là ý chí vượt lên mọi gian lao thử thách để mưu cầu hạnh phúc.
Một số hình ảnh được PV ghi lại tại buổi lễ rước diều trong khuôn khổ sự kiện Happy Tết 2024:
Ngoài lễ rước diều, chương trình còn có rất nhiều sự kiện đặc sắc như: không gian văn hóa Tết độc đáo của cả 3 miền, “Chuyến tàu Quê hương”, “Không gian nhà Hà Nội xưa”, “Không gian Tết miền Trung”, “Không gian Tết miền Nam”, “Không gian Tết sắc màu dân tộc”… cùng nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn mang đậm Tết truyền thống Việt Nam.
Quỳnh Giang
Link bài gốc
Copy link