Lễ hội Đền Hai Bà Trưng trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lễ hội Đền Hai Bà Trưng (phường Đồng Nhân và phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) vừa được Bộ VHTT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội chùa Tây Phương trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lạng Sơn: Phát hiện đối tượng tổ chức đánh bạc trá hình dịp Lễ hội đầu xuân Dấu ấn một mùa lễ hội văn minh

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 325/QĐ-BVHTTDL ngày 19/2/2025 đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội Đền Hai Bà Trưng (phường Đồng Nhân và phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội).

Cùng với đó, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 6559/QĐ-UBND ngày 23/12/2024 công nhận điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt Đền, Chùa, Đình Hai Bà Trưng, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.

Tháng 3 năm 40, mùa xuân Canh Tý, trước sự áp bức bóc lột tàn bạo của Thái thú Tô Định và bè lũ quan lại nhà Đông Hán, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa. Trong một thời gian ngắn, dưới sự lãnh đạo tài tình của Hai Bà, cuộc khởi nghĩa đã nhanh chóng lan ra cả nước, làm sụp đổ toàn bộ chính quyền Đông Hán.

Mặc dù chỉ giành độc lập trong thời gian ngắn nhưng thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là một bản anh hùng ca bất diệt, thể hiện ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần dân tộc cao cả. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng còn là một minh chứng cho sức mạnh lớn lao, khả năng dồi dào của người phụ nữ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những sự kiện lịch sử về Hai Bà Trưng đã theo dòng thời gian chuyển hóa thành các sự tích văn hóa, vào huyền thoại, đi vào tâm linh, tín ngưỡng cộng đồng người Việt Nam. Để ghi nhớ công tích và báo đáp ơn đức của Hai Bà, biết bao những công trình tưởng niệm của Nhân dân dành cho Hai Bà và các nữ tướng, nam thần của phong trào Hai Bà Trưng.

Thống kê cho thấy, có đến hơn bốn trăm nơi thờ cúng các vị tướng của Hai Bà và cả nước hiện có 3 nơi (ở Hà Nội) được coi là đền thờ chính Hai Bà Trưng. Đó là đền Hạ Lôi ở huyện Mê Linh (hội ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch) là quê hương Hai Bà; đền Hát Môn ở huyện Phúc Thọ (ngày 6/3 âm lịch) là nơi Hai Bà tuẫn tiết; đền Đồng Nhân ở quận Hai Bà Trưng (ngày 6/2 âm lịch) là nơi Nhân dân rước tượng Hai Bà từ sông Cái lên bờ lập đền thờ.

Lễ hội Đền Hai Bà Trưng trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Nghi thức rước tại Lễ hội Đền Hai Bà Trưng (phường Đồng Nhân và phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội)

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là trang sử vẻ vang của dân tộc ta, mãi mãi là niềm tự hào của Nhân dân ta. Chúng ta thành kính tưởng nhớ công ơn của Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh, nghĩa quân đã đánh đuổi kẻ thù xâm lược, giành độc lập dân tộc.

Năm 2019, quận Hai Bà Trưng đã vinh dự được đón nhận Quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt di tích kiến trúc nghệ thuật Đền - Chùa - Đình Hai Bà Trưng.

Năm nay, Lễ hội truyền thống kỷ niệm 1985 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40-2025) nhằm giáo dục truyền thống, ca ngợi tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của Hai Bà Trưng trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm, dựng nước và giữ nước, góp phần nâng cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ con cháu, đồng thời bảo vệ và phát huy các giá trị của di tích, bảo tồn và duy trì nét văn hóa đặc trưng của lễ hội đền thờ Hai Bà Trưng.

Trong dịp này, Nhân dân quận Hai Bà Trưng vinh dự đón nhận Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với “Lễ hội đền Hai Bà Trưng” phường Đồng Nhân và phường Bạch Đằng; đồng thời Quận vinh dự đón nhận Quyết định công nhận Điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt Đền - Chùa - Đình Hai Bà Trưng.

Lễ hội được tổ chức từ ngày 4 - 6/3/2025 (tức ngày 5/2 đến ngày 7/2 năm Ất Tỵ).

Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, du khách sẽ được tham quan, mua sắm tại gần 20 gian hàng truyền thống phục vụ Nhân dân và du khách, hòa mình vào các hoạt động như múa lân sư rồng, thư pháp, tò he, thưởng thức các chương trình nghệ thuật đặc sắc…

Thái Sơn
Phiên bản di động