Lao động trẻ Việt Nam quá thiếu kỹ năng mềm

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1,6 triệu thanh niên bước vào tuổi lao động. Tuy nhiên, lực lượng lao động này lại quá thiếu kỹ năng mềm đề phục vụ công việc.
Thị trường lao động Hà Nội những tháng cuối năm đang “ấm” dần Thiếu trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao ngành logistics Giải bài toán"cơn khát" nhân lực thương mại điện tử của doanh nghiệp

Đó là đánh giá của các chuyên gia tại buổi “Đối thoại về sự tham gia của doanh nghiệp trong việc phát triển kỹ năng việc làm cho lao động trẻ’’ được Phòng Thương mại &Công nghiệp Việt Nam (VCCI) được tổ chức sáng 27/9 tại Hà Nội.

83% sinh viên sau ra trường thiếu kỹ năng mềm

Anh Đới Đức Duy, quản lý của một công ty tư nhân liên tục đăng tuyển dụng nhân viên cho vị trí content (nội dung) cả một tháng nay. Theo anh Duy, anh nhận được một chồng hồ sư ứng tuyển của các sinh viên mới ra trường. Người thì tốt nghiệp được 1 năm, người từng có kinh nghiệm 2 năm, chứng chỉ ngoại ngữ, bằng tốt nghiệp loại giỏi nhưng điều anh ngạc nhiên lại là thái độ của các bạn trẻ bây giờ. “Có ứng viên nhận được thư hẹn phỏng vấn cũng không thèm viết thư cảm ơn, đáp lại nhà tuyển dụng. Ứng viên khác đã nhận được lịch phỏng vấn nhưng khi đến giờ thì không thấy đâu và cũng không có một lời xin lỗi đến nhà tuyển dụng. Điều này cho thấy, kỹ năng mềm, cụ thể là kỹ năng giao tiếp của các em quá kém. Với các nhà tuyển dụng, các trường hợp trên, chúng tôi sẽ loại ngay từ đầu” – anh Duy cho biết. “Bên cạnh yếu tố chuyên môn thì với doanh nghiệp, đôi khi thái độ hơn trình độ. Người lao động có giỏi hay xuất sắc đến đâu nhưng với cách hành xử như vậy, đã mất điểm ngay từ kỹ năng giao tiếp tối thiểu thì cơ hội sẽ không dành cho các bạn ấy” – anh Duy nhấn mạnh.

Lao động trẻ Việt Nam quá thiếu kỹ năng mềm
Toàn cảnh buổi đối thoại

Theo nghiên cứu của UNICEF, tại Việt Nam, nhiều thanh niên thiếu kỹ năng số và kỹ chuyển đổi (bao gồm kỹ năng giải quyết vấn đề, giao tiếp, quản lý cảm xúc...) Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng đối với trẻ vị thành niên từ 15 – 18 tuổi. Bà Lesley Miller, Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng, việc xây dựng các kỹ năng mềm từ khi còn trẻ, ví dụ như kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, làm việc nhóm và giao tiếp sẽ giúp thanh niên trở thành những người có khả năng thích ứng và linh hoạt, đồng thời bổ trợ quan trọng cho các kỹ năng khác để đáp ứng công việc.

PGS.TS Nguyễn Thị Thuận, chuyên gia của Bộ LĐ-TB-XH cho hay, nghiên cứu cho thấy, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1,6 triệu thanh niên bước vào tuổi lao động. Nhưng có đến 83% sinh viên hiện nay tốt nghiệp ra trường bị đánh giá là thiếu kỹ năng mềm.

Doanh nghiệp cần gì ở lao động trẻ?

Việc thiếu những kỹ năng chuyển đổi bao gồm kỹ năng mềm đang là thách thức đối với lao động trẻ Việt Nam hiện nay, nhất là khi chúng ta đang bước vào thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Ông Lê Đình Hiếu, chuyên gia về phát triển kỹ năng cho người trẻ cho biết, theo Mc Kinsey Global Institute, vào năm 2030, máy tính sẽ thay thế 60% công việc của con người. Vậy, để có việc làm bền vững, bạn trẻ cần làm gì?

Lao động trẻ Việt Nam quá thiếu kỹ năng mềm
Lao động trẻ cần trau dồi kỹ năng mềm để có được việc làm bền vững

Từng đào tạo kỹ năng cho lao động cho các tập đoàn toàn cầu, ông Lê Đình Hiếu cho rằng, ở thời kỳ chuyển đổi số lên ngôi, các bạn trẻ hiện nay cần trước hết là nền tảng tri thức về kỹ thuật số. Đó là khả năng sử dụng mạng xã hội một cách an toàn và hiệu quả; Kỹ năng quản lý cảm xúc và thích nghi cùng sự bền bỉ, kiên định. “17% người trẻ Việt Nam ở nhóm siêu nhảy việc, họ sẽ không ở công ty quá 2 năm. Trong khi đó, doanh nghiệp lại rất cần những lao động kiên định, bền bỉ và chung sức để họ không phải đau đầu về vấn đề tuyển dụng và đào tạo” – ông Hiếu phân tích.

Ở góc độ chuyên gia đào tạo, PGS.TS Nguyễn Thị Thuận nhấn mạnh khuyến nghị, người lao động cần phải đào tạo từ gia đình, nhà trường, sau đó mới đến đào tạo doanh nghiệp. “Một đứa trẻ giật đồ chơi của bạn. Khi đó, bố mẹ biết giải thích với con, rằng vật đó không phải của con mình. Bạn ấy sẽ cho con mượn sau khi chơi xong… thì có nghĩa rằng, bố mẹ đang dạy những kỹ năng mềm cho con mình. Tôi tin rằng, đứa trẻ đó cũng sẽ dần hình thành thói quen giao tiếp xã hội chuẩn mực”.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý Nhà nước cần ra các chính sách thúc đẩy nâng cao kỹ năng cho người lao động, đầu tư kinh phí để xây dựng ngân hàng bài giảng về kỹ năng, thiết lập hệ thống chứng chỉ, kiểm tra, đánh giá chứng chỉ để nâng cao kỹ năng mềm cho lao động trẻ hiện nay.

Thái Sơn
Phiên bản di động