Giải bài toán"cơn khát" nhân lực thương mại điện tử của doanh nghiệp

Sự bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT) trong 2 năm qua khiến nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực này của các doanh nghiệp ngày càng cao. Tuy vậy, việc đào tạo sinh viên chuyên ngành TMĐT vẫn không thể đáp ứng được “cơn khát” của thị trường lao động.

“Cơn khát” nhân lực thương mại điện tử

Tại Hội thảo “Đào tạo thương mại điện tử 2022: Những bước tiến nổi bật" được Hiệp Hội TMĐT tổ chức sáng nay (9/7), bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, đại dịch COVID-19 đã chứng kiến sức tăng trưởng vượt bậc của lĩnh vực thương mại điện tử. Năm 2021, lĩnh vực này đạt tốc độ tăng trưởng vượt 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD. Tốc độ này sẽ cao hơn nhiều trong bốn năm 2022 - 2025 nhờ kiểm soát tốt đại dịch COVID-19 và những động lực tăng trưởng từ làn sóng thứ hai của thương mại điện tử.

Theo Báo cáo TMĐT 2022 mới đây, Việt Nam có quy mô phát triển TMĐT đứng thứ 3 Đông Nam Á, nhưng sức bật thì vượt Indonesia, ngang Thái Lan và chỉ sau Singapore. Số người tiêu dùng trực tuyến trong đại dịch COVID-19 tăng lên với 5,5 triệu người. Thậm chí, một bộ phận đáng kể người tiêu dùng đã ưu tiên mua sắm trực tuyến hơn so với phương thức truyền thống. Đây chính là động lực cho các doanh nghiệp chuyển đổi số, từ đó đặt ra yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng về TMĐT.

Cũng theo bà Việt Anh, chúng ta có tiềm năng về lao động trẻ. “Để đào tạo được một người bán hàng tại Indonesia phải mất gấp đôi thời gian so với ở Việt Nam bởi lẽ, nguồn nhân lực của ta trẻ, khát khao khởi nghiệp, tư duy nhạy bén. Trong khi đó, khảo sát của chúng tôi cho thấy, 64% doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng nhân lực được đào tạo về TMĐT, chỉ 30% nhân lực tại các DN cung cấp giải pháp TMĐT được đào tạo. Như vậy là còn dư địa rất lớn để các trường đào tạo nhân lực, đáp ứng thị trường lao động hiện nay” – bà Lại Việt Anh nhấn mạnh.

Doanh nghiệp “khát” nhân lực thương mại điện tử
Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số

TS. Nguyễn Trần Hưng, Trưởng khoa Hệ thống Thông tin Kinh tế và TMĐT, Trường Đại học Thương Mại chia sẻ, 95% sinh viên ngành TMĐT của trường sau khi tốt nghiệp đã có việc làm ngay. Thậm chí, các em có việc làm ngay khi còn là sinh viên năm thứ 3. Điều này phản án “cơn khát” thực tế về nhân lực của ngành này hiện nay và trong cả tương lai.

Thách thức về nguồn nhân lực chất lượng

Theo Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể Phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 đề ra, mục tiêu tới năm 2025 có 50% cơ sở giáo dục đào tạo TMĐT.

Báo cáo Đào tạo thương mại điện tử 2022 của VECOM cho thấy, tới nay đã có 36 trường đào tạo ngành, gần 40 trường đào tạo chuyên ngành và khoảng 60 trường đào tạo học phần TMĐT. Nhiều sinh viên ngành TMĐT đã có việc làm từ những năm cuối và trong vòng một năm sau khi tốt nghiệp hầu hết đã có việc làm với thu nhập khá. Nhu cầu tuyển sinh ngành TMĐT và các ngành liên quan như logistics, tiếp thị số tăng nhanh. Tuy nhiên, việc đào tạo nhân lực thương mại điện tử tại các trường đại học còn gặp nhiều trở ngại, do số lượng và chất lượng giảng viên, học liệu, chương trình đào tạo, hợp tác giữa các trường, khó khăn khi gắn đào tạo với thực tiễn, v.v...

Ông Đoàn Quốc Tâm, Trưởng ban Hợp tác VECOM chia sẻ, qua khảo sát tại hơn 132 trường, đa số các trường Đại học đào tạo chuyên ngành TMĐT thiếu giảng viên trầm trọng. Để đáp ứng được nhu cầu, nhiều trường đã phối hợp cùng nhau, tham gia giảng dạy, hoặc trực tiếp mời doanh nghiệp cùng đào tạo. “Tuy vậy, sự phối hợp đó vẫn chỉ nhỏ lẻ. Doanh nghiệp được mời giảng dạy đa số đều không tham gia soạn và phát triển tài liệu. Ngoài ra, nhiều DN vì nhiều lý do cũng không đủ “nhiệt” để hỗ trợ sinh viên tổ chức các hoạt động trong trường để tăng thời lượng thực hành” – ông Tâm Nhấn mạnh.

Doanh nghiệp “khát” nhân lực thương mại điện tử
Các chuyên gia thảo luận về đào tạo nguồn nhân lực TMĐT

Từ góc độ DN, ông Trần Mạnh Cường, đại diện doanh nghiệp SAPO cho biết, là DN cung cấp giải pháp về TMĐT nhưng khi tuyển dụng, SAPO luôn phải đào tạo lại 100% nhân sự tốt nghiệp ngành TMĐT. Ông Cường cho rằng, nguyên nhân một phần vì hiện nay việc đào tạo các tín chỉ, học phần trong trường học khá dàn trải và chưa chuyên sâu, trong khi DN thường cần nhân lực có kỹ năng thực chiến chuyên sâu các mảng logistic, bán hàng, quản trị TMĐT… “Ngoài ra, sinh viên thế hệ genZ có đặc điểm nhanh chán, ưa thích trải nghiệm, định vị bản thân còn mơ hồ, kiến thức tương tác, xã hội và kỹ năng công việc yếu nên chúng tôi luôn luôn phải đào tạo lại từ A-Z” – ông Cường nhấn mạnh.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề làm thế nào để có được nguồn nhân lực TMĐT chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, các chuyên gia cho rằng quan trọng nhất và cần làm trước nhất hiện nay là hình thành mạng lưới các trường đào tạo TMĐT. “Mỗi trường, phương thức đào tạo khác nhau, có thể phối hợp cùng nhau trao đổi giảng viên, giáo trình, cùng liên kết với các doanh nghiệp, vừa giải quyết được bài toán thiếu giảng viên, vừa học hỏi kinh nghiệm trong đào tạo. Đây là cơ sở đầu tiên để chúng ta có được “đầu ra” chất lượng, đáp ứng thị trường lao động” - ông Đoàn Quốc Tâm nhấn mạnh.

Thái Sơn
Phiên bản di động