Làng gốm Bát Tràng chuyển mình ứng phó với dịch bệnh

Dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và dịch vụ du lịch tại làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội), đặc biệt là khó khăn trong khâu tiêu thụ. Đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, người dân tại làng nghề đang vươn mình vực dậy từng ngày.
Nghệ nhân khiếm thính gìn giữ cách làm gốm thủ công ở Bát Tràng Bát Tràng “vươn mình”, khẳng định thương hiệu gốm đệ nhất Hà thành “An Thổ Túc”- Tinh hoa gốm Việt

Gặp khó đầu ra

Làng nghề gốm sứ Bát Tràng vốn nổi tiếng từ lâu với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo. Từ những viên đất sét vô tri, qua bàn tay nhào nặn khéo léo của người nghệ nhân, điểm thêm họa tiết đậm chất dân tộc mà thành kiệt tác. Sản phẩm ở đây đẹp về mẫu mã, bền về chất lượng, mang cả cái hồn và tình yêu của người nghệ nhân nên rất được ưa chuộng, có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Giá mỗi sản phẩm từ vài chục ngàn đến vài trăm đồng cũng có, tùy theo chủng loại, kích cỡ, mẫu mã…

Người dân làng nghề đang dần khôi phục sản xuất sau dịch
Người dân làng nghề đang dần khôi phục sản xuất sau dịch (Ảnh tư liệu)

Trước khi dịch Covid-19 ập đến, việc sản xuất và kinh doanh của các hộ dân nhộn nhịp quanh năm. Các xưởng sản xuất liên tục, hộ kinh doanh tấp nập người mua từ nội địa đến các bạn hàng quen thuộc trên thế giới. Tuy nhiên, hoạt động của các cơ sở này đang có phần chững lại do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.

Nhiều năm gắn bó nghề gốm, xưởng nhỏ của bà Nguyễn Thị Lâm phục vụ khách du lịch trải nghiệm vắng tanh, những phôi gốm “mòn mỏi” chờ khách vẽ.

Bà Lâm tâm sự: “Dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến hoạt động của cơ sở gặp nhiều trở ngại, thậm chí phải đóng cửa nhiều ngày. Trước đây, khách tìm đến cửa hàng trải nghiệm tấp nập cả tuần trong đó có rất nhiều đoàn khách từ nước ngoài tới. Vì dịch bệnh, nhiều tháng nay không còn thấy cảnh đông vui như trước nữa. Đây cũng là cảnh ngộ chung của nhiều hộ trong làng nghề lúc này”.

Chuyển mình để hồi phục

Dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng người dân làng gốm Bát Tràng vẫn quyết tâm kiên trì gắn bó với nghề truyền thống. Thay vì đi tìm một ngành nghề mới, người dân chọn đổi mới chính ngành nghề mình đang làm từ phương thức sản xuất đến cách thức quản lý và chuyển dịch thị trường.

Bà Lâm cho biết: “Hết giãn cách xã hội, hầu hết các hộ dân trong làng nhanh chóng khôi phục sản xuất và cho công nhân đi làm trở lại. Đến nay, nhiều cơ sở sản xuất đã lắp đặt trang thiết bị hiện đại. Thay vì dùng lò củi truyền thống nhiều khói bụi, các xưởng đã dùng lò ga để dễ kiểm soát nhiệt độ và tiết kiệm sức lao động. Nhờ vậy, năng suất tăng, giá thành sản phẩm giảm càng thu hút nhiều người tiêu dùng hơn”.

Khu chợ trung tâm thưa khách ngày cuối tuần
Khu chợ trung tâm thưa khách ngày cuối tuần

Vấn đề lớn nhất là đầu ra sản phẩm cũng được người dân tìm cách tháo gỡ. Chuyển dịch thị trường về hướng nội địa và bán hàng trực tuyến trở thành kênh tiêu thụ chính trong thời điểm này. Nhiều người trẻ trong làng học hỏi, tìm tòi phương thức mới để tìm nguồn tiêu thụ sản phẩm.

“Hiện nay, khách ngoại quốc và nội địa vẫn chưa trở lại làng nên hầu hết các cửa hàng đều vắng vẻ, doanh thu từ bán hàng trực tiếp hạn chế. Nắm bắt công nghệ và hiểu được thị hiếu người tiêu dùng, những người trẻ trong làng hằng ngày sử dụng các nền tảng xã hội như Facebook, Zalo để bán hàng. Thời gian đầu, việc bán hàng trực tuyến còn lạ lẫm và gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ sự kiên trì và danh tiếng vốn có của gốm sứ Bát Tràng, khách hàng ngày càng tin tưởng. Doanh thu từ việc bán hàng trực tuyến ngày càng tăng mạnh. Giờ đây, nhiều hộ đã áp dụng hình thức này và thu lợi nhuận rất cao”, bà Lâm cho biết thêm.

Tuy còn nhiều hạn chế, vướng mắc nhưng đây có thể là hướng đi mới tích cực nhất ở thời điểm này để duy trì và tạo tiền đề cho làng nghề phát triển. Mặt khác, người dân ở đây cũng lạc quan tình hình dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát hoàn toàn, thị trường phục hồi mạnh mẽ. Do đó, các xưởng đang tích cực sản xuất, tích trữ hàng hóa để sẵn sàng bùng nổ dịp cuối năm.

Về làng nghề gốm sứ Bát Tràng lúc này, tiếng nhào đất, đổ gốm, đốt lò đã nhộn nhịp trở lại. Các xưởng đang vươn mình “hồi phục sau một trận ốm dài”, tuy sức sống chưa mạnh mẽ như trước nhưng vẫn đầy tiềm lực trỗi dậy.

Đổi mới để trở thành điểm đến thu hút giới trẻ

Không chỉ tập trung khôi phục sản xuất sau dịch, người dân làng nghề gốm sứ Bát Tràng còn chú trọng mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch hướng đến giới trẻ nhiều hơn. Hoạt động quảng bá làng nghề cũng được chú trọng. Nhờ vậy, làng nghề gốm sứ Bát Tràng ngày càng được giới trẻ biết đến và ưa thích.

Làng gốm Bát Tràng chuyển mình ứng phó với dịch bệnh

Bảo tàng gốm xoay dù chưa hoàn thiện nhưng đã trở thành địa điểm “check-in” thu hút giới trẻ Hà thành

Khách hàng của bà Lâm không chỉ có các người trung niên, lớn tuổi mà nay đã có nhiều nhóm học sinh, sinh viên về tham quan, trải nghiệm. Theo bà Lâm, có được điều này là nhờ những hiệu quả tích cực từ truyền thông của làng nghề và ý nghĩa thực sự của nghề gốm sứ truyền thống. Hầu hết các bạn trẻ tới đây đều chọn trải nghiệm một ngày với phương tiện đi lại tự túc hoặc xe buýt từ trung tâm Hà Nội. Phát triển du lịch còn tạo việc làm cho người dân địa phương, đưa làng nghề vươn mình phát triển bền vững giữa đại dịch.

Trở lại thăm Bát Tràng lần thứ 2, Hoàng Thị Hạnh (sinh viên năm cuối Học viện Ngân hàng) vẫn rất hào hứng. Hạnh chia sẻ: “Làng gốm Bát Tràng ngày nay đã đổi mới rất nhiều để phù hợp hơn với sở thích du lịch của giới trẻ. Vị trí địa lý cách Hà Nội không xa và những hoạt động trải nghiệm bổ ích đã giúp làng nghề trở thành điểm đến hấp dẫn học sinh, sinh viên.

Đến với Bát Tràng, mình được dạo quanh chợ làng nghề, tìm hiểu về các loại gốm sứ truyền thống, sau đó trải nghiệm nặn, vẽ gốm dưới sự hướng dẫn tận tình của các nghệ nhân. Được cầm trên tay sản phẩm mình làm ra, dù chưa hoàn hảo nhưng rất thú vị và giúp mình thư giãn sau những áp lực học tập.

Đặc biệt, ẩm thực truyền thống tại Bát Tràng cũng rất đáng thử. Thưởng thức đặc sản canh măng mực, chè kho, xôi vò, chè đường cùng bánh chưng trong không gian cổ kính là một trải nghiệm đáng nhớ”.

Theo TTTĐ
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động