Du lịch nông nghiệp - cơ hội mới cho người nông dân Thủ đô
"Cái khó ló cái khôn" - nông dân Hà Nội cần cù sản xuất sau siêu bão |
Ấn tượng các sản phẩm du lịch nông nghiệp
Được mệnh danh là ngôi là đặc trưng nhất cho vùng quê Bắc Bộ, làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) từ lâu đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Lượng khách đến Đường Lâm để ngắm nhìn cây đa cổ thụ, mái đình rêu phong, giếng nước xây bằng đá ong có đến hàng triệu lượt mỗi năm.
Song, bên cạnh hoạt động tham quan, Đường Lâm đang tìm cách giữ chân du khách bằng những trải nghiệm độc đáo - trong đó, có trải nghiệm làm nông dân.
Bí thư Đảng ủy xã Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo cho biết, từ hiệu ứng của việc làng cổ Đường Lâm được vinh danh "Sản phẩm Du lịch bền vững ASEAN năm 2024" (vào tháng 1/2024), nhiều đoàn khách quốc tế đặt tour tham quan, trải nghiệm tại Đường Lâm.
Du khách quốc tế trải nghiệm làm nông dân tại làng Đường Lâm |
Từ đầu năm đến nay, Đường Lâm tổ chức cho hàng trăm đoàn du khách tham gia trải nghiệm hoạt động nông nghiệp tại Làng cổ. Mới đây nhất, công ty du lịch đã tổ chức đoàn khách quốc tế gồm 46 người đến từ Singapore, Malaysia, Australia, Nhật Bản trải nghiệm làm nông dân tại Làng cổ Đường Lâm.
Để du khách trải nghiệm chân thực, Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm đã xây dựng thành sản phẩm, chủ động cung cấp cho các công ty lữ hành và các trường học.
Trước kia, tour du lịch trải nghiệm nông nghiệp ở làng cổ Đường Lâm chủ yếu được các trường quốc tế lựa chọn cho học sinh tham gia. Đến nay, các đoàn khách quốc tế cũng yêu thích sản phẩm du lịch trải nghiệm làm nông dân. Sắp tới, dự kiến nhu cầu trải nghiệm sản phẩm này cũng sẽ tăng nhanh khi mùa lúa chín vàng tạo nên cảnh tượng tuyệt đẹp tại Đường Lâm", ông Thạo phấn khởi cho biết.
Quán cafe trên ruộng lúa trở thành "nam châm" hút khách ở Chương Mỹ |
Ở phía Bắc của Hà Nội, vài năm gần đây, huyện Chương Mỹ gần đây trở thành điểm đến thu hút hàng trăm người vào mỗi cuối tuần nhờ vào một quán cà phê độc đáo nằm giữa cánh đồng lúa chín. Quán cà phê này được dựng bằng những chiếc chòi lợp lá cọ, nằm trên một khu ruộng rộng khoảng 1.800m², tạo nên một không gian thanh bình và mộc mạc giữa lòng thiên nhiên.
Chị Trâm Anh, chủ quán, chia sẻ rằng ý tưởng mở quán cà phê giữa cánh đồng lúa xuất phát từ cảm hứng khi cô trải nghiệm các mô hình tương tự ở Hội An và Cần Thơ. Một lần đạp xe cùng bạn đến núi Trầm, huyện Chương Mỹ, chị bị cuốn hút bởi cảnh hoàng hôn đỏ rực trên cánh đồng lúa vàng và quyết định mang ý tưởng đó về Chương Mỹ.
“Cuộc sống ở thủ đô quá vội vã, tôi muốn tạo ra một nơi để mọi người có thể thư giãn, hít thở không khí trong lành của đồng quê,” chị Trâm Anh tâm sự. Từ đầu tháng 6 đến nay, quán thu hút khoảng 100 khách mỗi ngày, và vào cuối tuần con số này tăng lên đến 400-500 khách, đến để thưởng thức cà phê và ngắm cảnh đồng quê mùa gặt.
Minh Anh, 25 tuổi, đã đi hơn 20km từ quận Ba Đình đến quán, mang theo họa cụ để ngồi vẽ giữa cánh đồng. “Đây là lần đầu tiên tôi được ngửi mùi lúa chín và may mắn được chứng kiến cảnh các bác nông dân đang gặt lúa”, cô chia sẻ. Minh Anh đã ngồi vẽ suốt hơn 5 tiếng từ chiều đến khi hoàng hôn buông xuống, vì cảnh đẹp khiến cô không muốn về.
Một sản phẩm du lịch nông nghiệp khác cũng đang nở rộ tại phường Giang Biên (quận Long Biên). Trước đây, người nông dân tại Giang Biên chỉ gắn mình với đồng ruộng nên cuộc sống không khỏi nhiều vất vả. Có những thời điểm thu nhập chỉ trông vào nghề bện thừng, đan võng và trồng rau, công sức bỏ ra nhiều nhưng hiệu quả mang lại không cao.
Du khách tham gia thu hoạch sản phẩm nông nghiệp tại Giang Biên |
Mọi thứ dần thay đổi khi gần 20 hộ nông dân trong vùng được tiếp cận và chuyển đổi sản xuất theo hướng phát triển các sản phẩm du lịch từ nguồn tài nguyên nông nghiệp, sinh thái của các chuyên gia của mô hình du lịch nông nghiệp VietHarvest AgriTour.
Bên cạnh công việc nhà nông truyền thống, người nông dân Giang Biên được đào tạo thêm cả về kỹ năng giao tiếp, quảng bá sản phẩm để phục vụ du khách tốt hơn. Bên cạnh việc được trang bị các kiến thức về trồng rau sạch không dùng đến hóa chất.
Đặc biệt, các hộ gia đình đã quy hoạch lại vườn ruộng, bố trí diện tích đất, xen canh các loại cây trồng, rau củ một cách khoa học; đồng thời xây dựng các nhà vườn tiêu chuẩn với lưới che, rào chắn, cổng chào và đặt những cái tên đầy vui nhộn như “Năm yêu thương”, “Nhàn nhã”, “Phác chân thành”, “Vườn nhỏ nhưng hạnh phúc to”…
Từ đó, du khách trong và ngoài nước nườm nượp đổ về Giang Biên để tham quan những khu vườn, trải nghiệm làm nông, cách trồng, chăm sóc và thu hoạch các loại nông sản… Đời sống người dân Giang Biên nhờ đó mà thay đổi, khấm khá.
Hỗ trợ nông dân về cơ chế và quy trình
Theo ghi nhận của phóng viên, tại Hà Nội, nhiều quận, huyện đã và đang hình thành những sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa nông nghiệp, nông thôn. Có thể kể đến các tour trải nghiệm làng du lịch Hồng Vân (Thường Tín), làng nón Chuông (Thanh Oai), làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm), làng hoa Mê Linh (huyện Mê Linh)...
Các hoạt động du lịch nông thôn trên góp phần mang lại sinh kế bền vững hơn cho cộng đồng, giúp bảo tồn, phát huy những giá trị sinh thái, văn hóa nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, du lịch nông nghiệp, nông thôn còn làm đa dạng hóa bản đồ du lịch Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp không khói. Đây là những bước tiến tích cực góp phần hiện thực hóa Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 với định hướng phát triển mạnh các sản phẩm chủ đạo, có lợi thế của du lịch Việt, trong đó có du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Bàn tay tài hoa của người nông dân xã Hồng Vân, huyện Thường Tín |
Tuy thế, theo đánh giá của các chuyên gia, du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Hà Nội, cũng như nhiều nơi trong cả nước vẫn còn phát triển tự phát, manh mún, thiếu sự sáng tạo độc đáo nên chưa tạo được giá trị gia tăng và sự khác biệt cho sản phẩm. Không ít điểm đến khó kết nối với các bên liên quan, như: nhà đầu tư, chuyên gia du lịch, doanh nghiệp lữ hành... để hoàn thiện sản phẩm thu hút khách.
Một trong những nguyên nhân chính là do hạn chế trong nhận thức và kỹ năng làm du lịch của người dân. Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, cộng đồng dân cư là đối tượng trung tâm có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại trong các chương trình, dự án phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, nhưng phần đông còn bỡ ngỡ trong quá trình tiếp thu, hội nhập, chuyển đổi làm dịch vụ du lịch trên chính quê hương mình. Vì thế, điều quan trọng là các cơ quan quản lý du lịch và các bên liên quan phải hỗ trợ để người dân có thể làm du lịch và triển khai các hoạt động du lịch thuận lợi.
Du khách hòa mình vào đời sống người nông dân |
Bà Trương Thị Bích Ngọc - chuyên gia tư vấn, thiết kế, tập huấn, đào tạo của các dự án du lịch nông nghiệp, nông thôn cho biết: "Qua quá trình làm việc cùng người dân, chúng tôi đã tìm được phương pháp là trực quan hóa các quy trình. Chẳng hạn, vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vận hành tour hay đón khách, thay vì đưa ra những quy tắc rất dài và khó nhớ, chúng tôi cố gắng cụ thể hóa thành những hình ảnh, mô hình sao cho người dân dễ hiểu, dễ thực hiện nhất. Ðiều quan trọng là huy động được sự tham gia của các bên liên quan có cùng tầm nhìn để bảo đảm sự phối hợp tốt nhất, đưa ra được mô hình dễ ứng dụng vào thực tế, có thể vận hành lâu dài, hiệu quả cho người dân".
Ðể thực hiện mục tiêu này, các chuyên gia cho rằng cần đưa quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn vào tổng thể quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia trên cơ sở đánh giá toàn diện về thực trạng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn ở các địa phương, khuyến nghị các mô hình phù hợp và có các chính sách hỗ trợ đồng bộ (như: tiếp cận vốn, công nghệ, đầu tư hạ tầng, bồi dưỡng tập huấn nhân lực, hỗ trợ truyền thông quảng bá…) ở quy mô quốc gia.
Bên cạnh đó, tính liên kết giữa chủ thể hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn với các nhà đầu tư, công ty lữ hành cần được phát huy trên cơ sở hài hòa lợi ích để tạo những tour, tuyến, sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự báo: Du lịch nông nghiệp, nông thôn sẽ trở thành phân khúc tăng trưởng mạnh thời gian tới; đến năm 2030, lượng khách tham gia vào loại hình này trên toàn cầu sẽ chiếm 10%, với doanh thu khoảng 30 tỷ USD, tăng trưởng hằng năm 10-30%, trong khi các loại hình du lịch truyền thống chỉ tăng trưởng trung bình 4%/năm. Vì thế, nếu biết tận dụng lợi thế vốn có, du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng chắc chắn sẽ trở thành "mỏ vàng" của nền kinh tế xanh quốc gia.