Lan tỏa những điển hình học tập và làm theo đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh
Hải Dương: Nhiều hoạt động kỷ niệm ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh Chuyện người họa sĩ vẽ tranh Bác Hồ Tuổi trẻ Tân Đệ thi đua lập thành tích, học tập và noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Giới thiệu hơn 100 cá nhân, tập thể xuất sắc
Sự kiện được thực hiện bởi Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Vụ Lý luận Chính trị và Bảo tàng Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023) và 2 năm thực hiện Kết luận số 01- KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
TS Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh |
Phát biểu tại sự kiện, TS Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp. Cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”, thể hiện tư tưởng giáo dục gương người tốt, việc tốt. Năm 1968, Người chỉ đạo xuất bản sách “Người tốt việc tốt”.
Thứ tưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông tham dự triển lãm |
Bộ sách tập trung những tấm gương tiêu biểu trong lao động và sản xuất, được Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương. Sau khi Người qua đời, việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức. Đã xuất hiện nhiều cá nhân, điển hình tiên tiến trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như xây dựng Đảng, quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Triển lãm này đã giới thiệu hơn 200 tài liệu, bài viết và hiện vật, cùng 133 tấm gương điển hình tiên tiến, gồm 62 tập thể và 71 cá nhân xuất sắc. Những nhân vật, tập thể điển hình này được Ban tổ chức lựa chọn từ gần 600 tấm gương đã được Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố, Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) và Tổng cục Chính trị (Bộ Công an) giới thiệu và tôn vinh.
Mỗi hình ảnh là câu chuyện cảm động về những người tốt, việc tốt |
Mỗi hình ảnh và bài viết là một câu chuyện cảm động về các tập thể và những con người bình dị đã vượt lên hoàn cảnh, số phận, dám nghĩ, dám làm, nhạy bén không ngừng cố gắng, hết lòng vì lợi ích của cộng đồng, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh đó,Triển lãm còn giới thiệu thêm một số tư liệu sưu tập báo cắt dán về gương người tốt việc tốt được Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương và thưởng huy hiệu ; một số huy hiệu Bác Hồ gửi tặng tấm gương người tốt việc tốt.
Các hiện vật được trưng bày tại triển lãm |
Nội dung Triển lãm gồm 2 phần: Phần I với chủ đề: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân ta. Phần I khẳng định việc học tập và làm theo theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được Đảng và Nhà nước ta phát động ngay sau khi Người qua đời với phong trào thi đua Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đạị! Trong phong trào thi đua đó, hàng ngàn tập thể và cá nhân ở khắp mọi miền Tổ quốc đã ra sức thi đua trong lao động, sản xuất và chiến đấu, góp phần vào việc xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh như Bác Hồ hằng mong muốn.
Anh Lê Trường Giang với bức tranh gạo về Bác Hồ |
Phần II: Những tấm gương bình dị mà cao quý: Giới thiệu các hình ảnh, tài liệu, hiện vật của cùng những câu chuyện về 133 tổ chức và cá nhân tiêu biểu của các ngành, các cấp. Đây là những tấm gương sáng trong các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa - xã hội; xây dựng Đảng và chính quyền, quốc phòng và an ninh. Họ thực sự là những tấm gương tiêu biểu về ý chí, nghị lực, lòng nhân ái, quả cảm.... để chúng ta học tập và noi theo.
Những người góp phần làm nên "rừng hoa đẹp"
Tại Triển lãm, công chúng được biết đến nhiều tấm gương “Người tốt, việc tốt” trên khắp mọi miền đất nước qua các bài giới thiệu được trưng bày. Đó là bác sĩ, Trung tá Lê Ngọc Trọng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ đã cùng các y, bác sĩ vượt lên mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ Nhân dân trên hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Bác sĩ, Trung tá Lê Ngọc Trọng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ |
Với sáng kiến “Ngân hàng máu sống” - huy động nguồn máu sống tại chỗ, bác sĩ Trọng đã rà soát hồ sơ sức khỏe cán bộ, chiến sĩ, lập danh sách phân loại chi tiết theo từng nhóm máu để quản lý; đề xuất mở rộng nguồn máu sống này bằng cách tuyên truyền vận động nhân dân trên đảo, nhất là người trẻ trong các cơ quan, ban, ngành của huyện. "Ngân hàng máu sống” của ngành y tế huyện đảo Bạch Long Vĩ, TP. Hải Phòng được phép hoạt động từ năm 2013, đến nay, “Ngân hàng máu sống” có khoảng từ 200 - 250 tình nguyện viên hiến máu với đầy đủ thông tin cụ thể từng người, từng nhóm máu… góp phần cứu chữa thành công nhiều bệnh nhân nặng, đưa họ trở về từ cõi chết; trở thành một điểm sáng của ngành y tế cả nước, được nhiều địa phương, đơn vị tuyến đảo vận dụng thực hiện.
Ông Hoàng Văn Lượng - Anh hùng trong thời bình |
Đó còn là những anh hùng trong thời bình luôn nỗ lực, phấn đấu để đóng góp cho xã hội những điều tử tế như ông Hoàng Văn Lượng (sinh năm 1956) dân tộc Mường xã Tân Phú, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Tham gia chiến đấu từ thời trẻ ở khắp các chiến trường với nhiều thành tích nổi bật, ông Lượng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân năm 27 tuổi.
Trở về đời thường, phát huy phẩm chất tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ, ông luôn gương mẫu đi đầu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Là Đảng viên, người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh, Chi hội Người cao tuổi, ông tích cực tham gia lao động sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế trang trại trên diện tích đất 7.000m2. Với hàng chục con lợn bột, trên 200 con gà thịt, 1.500m2 ao cá, trồng cây ăn quả xen cây lương thực và rau sạch... hàng năm cho thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng. Ông đã ủng hộ hàng trăm triệu đồng xây nhà văn hóa và đường giao thông trong khu, Nhân dân tín nhiệm, tin yêu, gọi bằng cái tên trìu mến “Người Anh hùng trong thời bình”...
Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” góp phần cổ vũ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn xã hội, đặc biệt trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh…; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Triển lãm được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh từ ngày 17/5/2023 đến hết tháng 8/2023 và sẽ được tổ chức trưng bày tại một số địa phương trong cả nước trong thời gian tới.