Làm sao để giảm giá nhà?

Nhà ở giá vừa túi tiền, phù hợp với khả năng thu nhập đang là mối quan tâm lớn của người dân thu nhập trung bình, thấp tại đô thị.
Bất động sản khắp nơi đang leo cao, bất ngờ xuất hiện thị trường giảm giá Cuối năm, nhà đất khu trung tâm sẽ giảm giá? Xăng dầu tiếp tục giảm giá... nhỏ giọt

Theo số liệu thị trường bất động sản 9 tháng đầu năm 2020, phân khúc căn hộ hạng C (căn hộ bình dân) là phân khúc có hoạt động tốt bất chấp những tác động của dịch bệnh. Đây cũng là phân khúc được kỳ vọng sẽ dẫn dắt thị trường trong thời gian tới.

Ghi nhận trên tổng số lượng căn hộ trên toàn thị trường, căn hộ hạng C luôn chiếm ưu thế với 60% và tỷ lệ hấp thụ cao nhất do nguồn cầu lớn và nguồn cung tăng trở lại.

Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường, Savills Việt Nam cho biết tỷ lệ người mua căn hộ hạng C cho nhu cầu ở tại TP Hồ Chí Minh trong 9 tháng đầu năm chiếm tỷ lệ từ 70% đến 80%, trong khi căn hộ hạng A và B có tỷ lệ mua để đầu tư khá cao. Trong bối cảnh Covid-19, đối tượng đầu tư ngắn hạn và đầu tư cho thuê bị tác động mạnh nhất do giãn cách xã hội và đóng cửa biên giới. Tuy nhiên, nhóm mua để ở đối mặt với vấn đề tài chính gây trì hoãn kế hoạch mua nhà.

Về khía cạnh nguồn cầu, căn hộ hạng C có mức giá vừa túi tiền đáp ứng được nhóm có nhu cầu cao nhất, trong đó, đáng chú ý là nhóm gia đình trẻ cũng như giới tri thức trẻ thu nhập trung bình có nhu cầu ở thực.

Ở góc độ nhà đầu tư, số liệu của Savills cho thấy các chủ đầu tư đã đưa ra nhiều gói kích cầu thông qua nhiều chương trình ưu đãi như nhận nhà trả chậm, ngân hàng hỗ trợ ân hạn nợ gốc...

Làm sao để giảm giá nhà?
Một dự án nhà ở xã hội tại Thủ Thiêm, Quận 2, TP Hồ Chí Minh

Ngoài ra, quá trình sàng lọc đã và đang diễn ra khi mà các dự án có pháp lý rõ ràng, tiến độ xây dựng tốt và đúng hạn cũng như cung cấp nhiều tiện ích phục vụ cộng đồng có lượng giao dịch tốt trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, cần nhìn nhận lại mức giá bán khi lượng căn hộ hạng C trong quý III có giá bán trung bình dưới 1.000 USD/m2 khá thấp.

Trước vấn đề này, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh đánh giá cần kéo giảm giá nhà và phát triển thêm nhiều dự án nhà ở thương mại giá vừa túi tiền, giá thấp và các dự án nhà ở xã hội để đáp ứng như cầu nhà ở lớn của người dân có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị.

Cụ thể, giá thành của các dự án nhà ở thương mại được cấu thành bởi chi phí tạo lập quỹ đất, chi phí xây dựng, chi phí tài chính và chi phí quản lý.

Chính vì vậy, HoREA kiến nghị, nhằm góp phần kéo giảm giá nhà, cần thay đổi cách thu tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại chuyển thành sắc thuế đánh trên "hành vi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp thành đất ở", với thuế suất có thể bằng khoảng 15 - 20% giá đất trong bảng giá đất.

Đồng thời, để bù đắp hụt thu ngân sách nhà nước và tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách Nhà nước, HoREA tán thành đề xuất đánh thuế bất động sản của Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, HoREA đề nghị Chính phủ xem xét giảm mức thu “tiền bảo vệ đất lúa” tối thiểu 50% bảng giá đất và đề nghị HĐND và UBND TP Hồ Chí Minh xem xét giảm mức thu “tiền bảo vệ đất lúa” bằng 80% bảng giá đất hiện nay; đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh ban hành quy trình chuẩn về đầu tư xây dựng gồm 4 bước đối với dự án nhà ở thương mại nhằm rút ngắn thời gian thực hiện toàn bộ thủ tục hành chính.

HoREA hy vọng Chính phủ sớm triển khai “Đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp” với các cơ chế, chính sách ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà ở thương mại có mức giá căn hộ không quá 20 triệu đồng/m2 ở các tỉnh và không quá 22 - 25 triệu đồng/m 2 ở các đô thị loại I, đô thị đặc biệt, đồng thời tạo một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng.

Nguồn: Zing.vn
zingnews.vn
Phiên bản di động