Bài 2. Tháo gỡ vướng mắc về khung pháp lý, thể chế
Hà Nội cần được phân quyền mạnh để phát triển mô hình TOD |
Phát triển TOD hài hòa với bảo tồn không gian văn hóa, lịch sử
Chiều 17/1, trong khuôn khổ Hội thảo khoa học phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, phiên hội thảo chuyên đề Quy hoạch TOD tiếp tục diễn ra với sự tham gia các chuyên gia trong nước và quốc tế ở lĩnh vực này.
Tại hội thảo, ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh khẳng định, phát triển đô thị theo mô hình TOD trong tương lai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với TP Hồ Chí Minh, Hà Nội - nơi có quy mô dân số lớn, góp phần thúc đẩy mở rộng không gian phát triển. Mô hình này là giải pháp căn cơ, toàn diện, dài hạn đối với các đô thị lớn. Tuy vậy, tại Việt Nam, để phát triển mô hình TOD còn gặp nhiều vướng mắc và thách thức về vấn đề cơ chế cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, thể chế…
Ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh |
Hà Nội có diện tích tự nhiên 3.359,8km2, với quy mô dân số dự kiến vào năm 2045 là 14,6 triệu người. Điều này đặt ra vấn đề phải giải quyết hệ thống hạ tầng, giao thông, môi trường, trong đó phải chuyển đổi giao thông cá nhân sang giao thông công cộng, TOD.
Theo KTS Lê Chính Trực, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cho rằng, lợi ích của TOD có thể thấy rõ là tăng cường hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả kinh tế; xã hội và môi trường; giảm khoảng cách đi lại giữa nơi ở và nơi làm việc, giảm ùn tắc, tia nạn giao thông; chi phí rẻ hơn xây dựng đường xá và các đô thị mở rộng.
Toàn cảnh hội thảo |
Nguyên tắc của TOD là lấy giao thông công cộng (GTCC) làm đầu mối trung tâm. Đối với Hà Nội, chiến lược phát triển phương tiện công cộng hiện nay là tổ chức bãi đỗ xe liên tỉnh, kết hợp các điểm nối đa phương thức, hạn chế phương tiện cá nhân trong nội thành. Hệ thống đường đô thị ưu tiên làn xe bus riêng, BRT, tiến tới đường sắt không ray.
KTS Lê Chính Trực, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội |
Ông Trực cho hay, định hướng phát triển GTCC – vùng TOD đến năm 2030 tại Hà Nội đặt ra mục tiêu thị phần GTCC chiếm trên 50%. Đáng chú ý, sẽ xây dựng 2 tuyến Skytraik – monorail dọc hai bên sông Hồng nhằm khai thác tối ưu không gian xanh cân bằng giữa 2 thành phố; xây dựng tuyến xe bus nước trên sông Hồng; hoàn thành đô thị đường sắt trong đô thị trung tâm. Đặc biệt là bước đầu sẽ xây dựng vùng hạn chế xe cơ giới trong nội đô lịch sử, khai thác tối đa kinh tế đêm, kinh tế vỉa hè, phát triển phố đi bộ và trung tâm văn hóa – sáng tạo, ẩm thực…
Tận dụng đất công để phát triển TOD
Tại hội thảo chuyên đề, nhiều chuyên gia quốc tế cũng đưa ra những kinh nghiệm phát triển TOD tại Nhật và Anh. Bà Tomoko ABE, chuyên gia của ALMEC Corporation (Nhật Bản) cho rằng, trong phát triển TOD tại Hà Nội, chính quyền có thể tận dụng đất công không hiệu quả để xây dựng các tòa nhà phức hợp kết nối không gian ngầm.
Đưa ra ví dụ tại Nhật Bản, bà Tomoko nhấn manh, tòa nhà Tokyo Midtown hay nhà ga Tosuka là một công trình điển hình như vậy. Sau khi dự án được triển khai thì các cơ sở thương mại xung quanh mọc lên, chính quyền cũng xây dựng thư viện… trong khoảng cách đi bộ từ nhà ga trung tâm tới.
“Yêu cầu cốt lõi cho tất cả dự án TOD là phải kết nối được tới nhà ga trung tâm, vì vậy cần xác định được vùng TOD; các hành động TOD phải đảm bảo được thông suốt; phải xây dựng quy hoạch ngoại vi của thành phố. Vì vậy, tôi cho rằng, Hà Nội phải xây dựng chính sách TOD; có kế hoạch thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả các công trình GTCC như đường sắt, nhà ga, các khu vực trung chuyển, các khu phức hợp xung quanh nhà ga,… và đảm bảo vai trò của các bên liên quan với trách nhiệm cụ thể” – chuyên gia này đề xuất giải pháp.
Bà Tomoko ABE, chuyên gia của ALMEC Corporation (Nhật Bản) |
Nhấn mạnh thêm, KTS Lê Chính trực cho rằng, khi phát triển TOD tại Hà Nội cần lưu ý yếu tố hài hòa với bảo tồn không gian văn hóa, lịch sử, kiến trúc, cảnh quan, khai thác không gian ngầm. Đặc biệt là khai thác hồ, ao, mặt nước đặc trưng gắn với cây xanh, giao tiếp cộng đồng.
Phải lập kế hoạch phát triển TOD, tham vấn trước ít nhất 5 năm Để thực hiện mô hình TOD, trong giai đoạn lập kế hoạch, chúng ta thu hồi đất ở mức tối thiểu cần thiết để thi công đường sắt. Phải có sự hợp tác giữa doanh nghiệp, duy trì mối quan hệ tốt với bên liên quan là điều kiện tiên quyết để thành công, đặc biệt là thể chế, luật pháp… Tôi lấy ví dụ tuyến metro ở Toronto, chính quyền nơi đây đã thay đổi luật pháp trước đó 4 năm để có thêm quyền thực hiện dự án. Bên cạnh đó, chính quyền cần phải theo sát thị trường bất động sản, đưa ra thỏa thuận đối với bên phát triển thương mại, đảm bảo quyền lợi cho họ và đặc biệt là không thể thiếu những giấy phép, giải pháp số trong việc mua đất, thiết kế, thực hiện phát triển nhà ga tổng quan. (Ông Ian Linsday, Cố vấn chuyên môn Crossrail International). |
Ngoài ra, cần chú trọng đỗ xe 2 bánh, đỗ xe ôm, nhằm hỗ trợ, mở rộng bán kính TOD; bố trí cây xanh trên mái, cầu hầm đi bộ, tạo môi trường tiện tích cho người đi bộ.
“Cần phải ứng dụng công nghệ thông tin, IOT, công nghiệp 4.0 trong quản lý vận hành các chức năng nhà ga đường sắt đô thị và trong khu vưc TOD – KTS Lê Chính Trực nói.
"Thu hồi đất một cách có chiến lược"
Cũng tại hội thảo, ông Hiroshi Nishimaki, CEO Công ty ExeIdea Ltd nhấn mạnh, đất đóng vai trò quan trọng trong quy hoạch đô thị. Tại Nhật và Hà Nội có điểm chung là đất đai rất đắt. Vì vậy, khi thu hồi đất phải có biện pháp hạn chế giao dịch, tránh đầu cơ. Ví dụ, chúng ta có thể thành lập Hợp tác xã, từ đó chính quyền chỉ phải làm việc với người đứng đầu HTX chứ không phải với từng thành viên HTX. Tại Nhật có Luật TOD.
"Cần có khung pháp lý để cho phép mua đất trước khi thực hiện tái điều chỉnh đất đai. Hệ thống pháp lý quan trọng phải được hoàn thiện, thậm chí có nghị quyết để thúc đẩy TOD, để khu vực công có đặc quyền thương thảo và kiểm soát giao dịch. Kinh nghiệm thu hồi đất một cách có chiến lược ở Nhật có thể áp dụng tại Việt Nam" - ông nói.