Kỳ vọng vào dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Sáng 6/6, tại chương trình kỳ họp thứ ba, Chính phủ trình Quốc hội chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Theo dõi thông tin tại kỳ họp này, đông đảo cư tri Hà Nội bày tỏ kỳ vọng tuyến đường sẽ là động lực phát triển cho Vùng Thủ đô, gia tăng khả năng kết nối liên vùng.
Hà Nội: Tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Tạo động lực mới phát triển bứt phá từ Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội chi hơn 23.500 tỷ đồng làm đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô

Mong đợi dự án sẽ sớm được Quốc hội thông qua

Trong phiên làm việc của Quốc hội sáng 6/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô Hà Nội.

Tuyến đường Vành đai 4 có tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài-Hạ Long) qua địa phận: Thành phố Hà Nội (dài 58,2km); Hưng Yên (dài 19,3km); Bắc Ninh (dài 25,6km và tuyến nối 9,7km); dự kiến dự án cơ bản hoàn thành năm 2025.

Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội
Sáng 6/6, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô

Sau khi nghe các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về dự án quan trọng trên, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc phát biểu thảo luận
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc phát biểu thảo luận

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, dự án này sử dụng vốn đầu tư công là giải pháp rất quan trọng, nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế, là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Một trong những “điểm nghẽn” là liên kết vùng, mà các tuyến đường cao tốc, giao thông kết nối là điểm rất quan trọng để tháo gỡ, thúc đẩy liên kết vùng. Vì thế, dự án Vành đai 4 không chỉ có ý nghĩa với địa phương mà tạo ra kết nối trong cả nước. Hiện thành phố đã quá tải về giao thông, vì vậy, đột phá bằng dự án vành đai 4 để giải toả trong vùng lõi là vô cùng cần thiết.

Đại biểu Lộc bày tỏ tin tưởng dự án Vành đai 4 sẽ được Quốc hội thông qua. Do đó Hà Nội nên chuẩn bị trước một bước để sớm triển khai dự án ngay sau khi được thông qua chủ trương.

Những thông tin về thảo luận chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội của Quốc hội trong thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và người dân Thủ đô.

Đây là những dự án giao thông có ý nghĩa quan trọng, giúp tăng tính kết nối, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chị Nguyễn Thu Thuỷ (Sóc Sơn, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi rất quan tâm đến các thông tin được đưa ra tại kỳ họp thứ ba của Quốc hội về dự án tuyến đường Vành đai 4. Đối với người dân vùng ven ngoại thành như chúng tôi, tuyến đường này là một trong những chủ trương lớn tác động cho nền kinh tế phát triển. Do đó, chúng tôi hoan nghênh ủng hộ. Chúng tôi mong Chính phủ và các cơ quan ban, ngành sớm thống nhất thông qua dự án đầu tư để nâng cao cơ sở hạ tầng”.

Anh Nguyễn Văn Long (huyện Đan Phượng, Hà Nội) cho biết: "Hiện quê hương chúng tôi có rất nhiều doanh nghiệp trẻ đầu tư sản xuất các mặt hàng nông sản, thủ công làng nghề và mong muốn hướng đến xuất khẩu và tiêu thụ tại Hà Nội và các tỉnh lân cận… Tuy nhiên, các mặt hàng này đều có đặc điểm là giá trị không cao nhưng chi phí vận chuyển rất lớn. Cũng do chi phí vận chuyển nên việc bán hàng tại các tỉnh lân cận Thủ đô đang gặp nhiều khó khăn.

Do đó, nếu dự án tuyến đường Vành đai 4 sớm đưa vào truển khai, người dân sẽ được hưởng lợi nhờ giao thông mở rộng, thông suốt từ vùng ngoại thành Hà Nội đến nội thành và liên kết các tỉnh lân cận. Các doanh nghiệp cũng sẽ giảm được chi phí cũng như thời gian vận chuyển, tạo hiệu suất hiệu quả cho người nông dân, giảm chi phí vận hành cho đơn vị vận tải, mở rộng đầu ra cho các sản phẩm làng nghề".

Giảm “gánh nặng” giao thông cho đường Vành đai 3

Sau hơn 10 năm ấp ủ, đến nay, Hà Nội và các tỉnh liên quan mới có cơ hội hiện thực hóa Dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô. Cùng với sự vào cuộc nghiêm túc, tích cực của Quốc hội, Chính phủ cũng như các Bộ, ngành, địa phương liên quan, nhân dân Thủ đô đang rất ủng hộ đại dự án mang tầm chiến lược dài hạn này.

Vành đai 4 còn giải quyết nhu cầu giao thông trực tiếp cho khu vực đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh của Hà Nội, phân giải mạnh mẽ áp lực cho Vành đai 3 đã quá tải trầm trọng.

Lưu lượng người và các phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường Vành đai 3 trên cao tăng đột biến. Nguyên nhân là do kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày nên nhiều người về quê sớm.
Tuyến đường Vành đai 3 các dịp nghỉ lễ thường có lưu lượng người và các phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến., gây tắc đường kéo dài

Thực tế hiện nay, các tuyến đường từ Vành đai 3 đổ lại, tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra tại các tuyến đường cửa ngõ và trung tâm Thủ đô, nhất là các dịp nghỉ lễ, tết khi nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách tăng vọt, tạo nên những điểm ách tắc lớn với thời gian kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.

Anh Trần Văn Huy (Khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết "Mỗi dịp lễ tết như dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, tuyến đường vành đai 3 đều rơi vào tình trạng "tắc cứng", giao thông quá tải để lại nhiều nhức nhối cho người dân. Do đó, chúng tôi rất mong mỏi Thành phố sớm triển khai Vành đai 4.

Tôi cũng đã đọc các thông tin về kỳ họp thứ ba của Quốc hội trong ngày 6/6. Theo đó, với tính chất là các dự án quan trọng quốc gia, để bảo đảm tiến độ đầu tư, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai, căn cứ ý kiến của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và vận dụng một số cơ chế đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ đề xuất áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt trong triển khai đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội. Tôi mong đại biểu Quốc hội ủng hộ đưa dự án đi vào hoạt động".

Tuyến đường khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho thành phố, thúc đẩy kinh tế đô thị và nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường mà còn tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Có thể thấy, đối với Vùng Thủ đô nói chung và Hà Nội nói riêng, việc đầu tư hoàn thành dự án đường Vành đai 4 là hết sức cần thiết và cấp bách, là động lực thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt kinh tế - xã hội.

Với việc kết nối nhiều cụm công nghiệp, khu đô thị, tỉnh, thành phố, tuyến đường giúp giao thương trong nội bộ Vùng Thủ đô trở nên dễ dàng hơn. Một hành lang kinh tế rộng khắp sẽ mở ra, lấp đầy khoảng trống về địa lý, hình thành chuỗi liên kết kinh tế gắn bó chặt chẽ từ vùng núi đến đồng bằng, tới ven biển Bắc Bộ.

Phương Thu
Phiên bản di động