Kỹ năng thoát khỏi đám cháy tại chung cư, nhà cao tầng
Vụ cháy chung cư mini cao tầng ở Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) khiến người dân, đặc biệt những người đang sống ở các công trình tương tự rất hoang mang.
Chị Dịu Nguyễn, cư dân đang sinh sống ở một chung cư cao tầng, phường Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Khi thấy thông tin trên báo đài về vụ cháy ở Khương Hạ, chúng tôi rất đau lòng. Trong nhóm cư dân, mọi người đều chia sẻ link bài báo và yêu cầu Ban Quản lý phải có phương án nâng cao công tác phòng cháy chữa cháy, yêu cầu quy định rõ ràng thời gian, khu vực để xe điện, sạc điện, nhắc nhở bộ phận bảo vệ thường xuyên kiểm tra, rà soát khu vực nguy cơ cao”.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự việc đau lòng tại chung cư mini làm thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy ở những công trình cao tầng tương tự cần phải được cập nhật thường xuyên, liên tục.
Qua sự việc trên, lực lượng chức năng tiếp tục hướng dẫn, khuyến cáo kỹ năng thoát nạn khi có cháy nổ tại chung cư, nhà cao tầng.
Cụ thể, người dân phải tìm ra lối thoát hiểm theo đèn hoặc thông báo chỉ dẫn. Nếu phải băng qua lửa hoặc khói, phải dùng mặt nạ phòng độc hoặc chăn, quần áo, khăn ướt trùm lên đầu và mặt.
Đồng thời, khi di chuyển cần cúi khom và men theo tường. Khi mở cửa cần kiểm tra nhiệt độ cánh cửa tránh để lửa tạt vào người, nếu nhiệt độ quá cao phải tìm lối thoát hiểm khác. Nếu không có lối thoát phải chạy ra cửa sổ, ban công ra hiệu và gọi điện cho Cảnh sát phòng cháy chữa cháy số 114.
Người dân có thể dùng đồ vải nối lại hoặc thang dây để leo xuống đất. Không được nhảy từ tầng quá cao xuống đất nếu không có sự hướng dẫn của lực lượng cứu hộ.
Đặc biệt, người dân tuyệt đối không sử dụng thang máy khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra. Để thoát hiểm an toàn phải thoát hiểm bằng thang bộ. Trên đường di chuyển thoát nạn cần thông báo cho mọi người ở các căn hộ liền kề và nhấn nút báo cháy khẩn cấp để mọi người trong tòa nhà biết có sự cố cháy, kịp thời thoát nạn.
Trong quá trình thoát nạn mọi người cần hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt chú ý giúp đỡ người già, trẻ em và phụ nữ đang mang thai. Tuyệt đối không được chen lấn, xô đẩy có thể dẫn đến chấn thương và nguy hiểm đến tính mạng nhiều người.
Điều đáng lưu ý, mỗi chung cư, nhà cao tầng đều có kiến trúc khác nhau nên người dân cần phải tìm hiểu kỹ những chỉ dẫn thoát hiểm mỗi khi bước vào toà nhà. Đây cũng chính là "dây cứu mạng" cho những ai tìm hiểu, nắm vững kiến thức an toàn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Hiện trường khu vực xảy ra cháy chung cư mini ở phường Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội đêm 12/9 |
Bên cạnh nắm vững kiến thức, kỹ năng thoát nạn, Cảnh sát còn khuyến cáo người dân trang bị phương tiện, thiết bị PCCC&CNCH tại chung cư, nhà cao tầng.
Cụ thể, gồm: Các phương tiện phòng chống cháy nổ như lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy, báo cháy, bình chữa cháy; đồ dùng hỗ trợ thoát hiểm như dây thừng, thang dây để phòng ngừa những trường hợp không may xảy ra.
Người dân cũng cần thường xuyên kiểm tra, chú ý tới các địa điểm dễ xảy ra cháy nổ như công tắc điện, nơi đặt cầu giao điện; Chú ý cẩn thận trong quá trình sử dụng mỏ hàn, sửa chữa điện hay nơi có nguy cơ phóng điện; Thường xuyên tổ chức, tham gia các buổi tập huấn, hướng dẫn cách xử lý sự cố, cách sử dụng bình chữa cháy để kịp thời ứng phó khi có đám cháy.
Tại các nhà chung cư nhiều tầng, cao tầng thì lối thoát nạn an toàn là cầu thang bộ bên trong tòa nhà. Để thoát nạn an toàn, người bị nạn tuyệt đối không được dùng thang máy và không vội vàng nhảy từ trên cao xuống dưới.
Đặc biệt cần lưu ý, trong tất cả các trường hợp, người bị nạn tuyệt đối không vội vàng nhảy từ trên cao xuống dưới để thoát nạn khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn như đệm hơi hoặc một số phương tiện bảo hộ khác đã được lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ triển khai phía dưới.
Thực tế, trong đám cháy xảy ra ở chung cư mini phường Khương Hạ đêm 12/9 vừa qua, có một nhân chứng sinh sống ở tầng 3 đã thả dây xuống đất và thoát nạn. Tuy nhiên, lực lượng chức năng cũng khuyến cáo, biện pháp nhảy từ trên cao xuống để thoát nạn là giải pháp cuối cùng và chỉ thực hiện khi đã suy xét kỹ và thấy rằng không còn phương án thoát nạn nào khác.
Theo thống kê trong 5 năm trở lại đây của lực lượng Cánh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội, địa bàn xảy ra cháy chủ yếu ở thành thị chiếm khoảng trên 60%. Cháy và thiệt hại do cháy gây ra tập trung trong khu vực dân cư, nhà dân, kết hợp với sản xuất kinh doanh (chiếm trên 40% tổng số vụ cháy) và tại các cơ sở sản xuất, kho tàng (chiếm khoảng 30% tổng số vụ cháy), trong đó đã xảy ra một số vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người. Nguyên nhân chủ yếu là do sự cố về hệ thống, sự cố về thiết bị điện, chiếm khoảng 45%. |