Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII: Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm

Ngày 11/7, kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII chính thức khai mạc. Sau phiên làm việc buổi sáng, chiều cùng ngày, các đại biểu HĐND tỉnh chia làm 3 tổ thảo luận về nội dung kỳ họp
Vĩnh Phúc: Thu hút du lịch nước ngoài về thăm quan "Làng văn hoá kiểu mẫu" tại xã Lý NhânVĩnh Phúc: Ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng "Làng văn hóa kiểu mẫu"Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc: Dâng hương viếng nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn và viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, tại phiên thảo luận tại tổ, các đại biểu đã tập trung thảo luận các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp.

Các đại biểu đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, phối hợp chặt chẽ giữa Thường trực HĐND tỉnh với UBND tỉnh và các ngành trong công tác chuẩn bị chu đáo nội dung kỳ họp; các tờ trình, dự thảo nghị quyết đảm bảo chất lượng, đúng quy trình, thủ tục theo luật định.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành phát biểu tại phiên thảo luận
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành phát biểu tại phiên thảo luận.

Đặc biệt, 6 tháng đầu năm, hoạt động của HĐND tỉnh và các ban của HĐND tỉnh đã có nhiều đổi mới, khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Hoạt động tiếp xúc cử tri ngày càng hiệu quả; hoạt động chất vấn đi vào thực chất, tập trung vào những vấn đề còn nhiều hạn chế, vướng mắc, được cử tri và Nhân dân quan tâm.

Hoạt động giám sát có trọng tâm, trọng điểm, đã hoàn thành các cuộc giám sát giải quyết các kiến nghị của cử tri và đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát và cam kết khi trả lời chất vấn.

Thảo luận tại tổ số 2 gồm đại biểu của các đơn vị Lập Thạch, Vĩnh Tường, Tam Đảo, Tam Dương.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Hiên, Tổ đại biểu huyện Lập Thạch thảo luận tại tổ
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Hiên, Tổ đại biểu huyện Lập Thạch thảo luận tại tổ.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành, Tổ đại biểu huyện Vĩnh Tường cho biết, lường trước những khó khăn, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tập trung xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội bài bản, đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, Vĩnh Phúc đã tạo nên dấu ấn mới trong công tác chỉ đạo, điều hành, với 13/25 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Có 9/25 chỉ tiêu gần đạt kế hoạch; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; thu hút đầu tư nhiều mảng sáng và đã đạt mục tiêu của cả nhiệm kỳ 2020 - 2025; tỷ lệ đô thị hóa gần đạt 50%; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chí đều nằm trong top 10 tỉnh, thành cả nước.

Các phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục-thể thao phát triển rộng khắp, nhất là khi Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu.

Chủ tịch UBND tỉnh Duy Thành đề nghị các đại biểu tích cực tham gia, đóng góp ý kiến giúp tỉnh giải quyết tốt hơn các vấn đề liên quan đến đầu tư, công tác cải cách hành chính; công tác giám sát việc triển khai xây dựng nhà máy nước sạch, đưa nước sạch về nông thôn; các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công…

Thảo luận tại tổ số 1 gồm đại biểu HĐND các đơn vị thành phố Vĩnh Yên, huyện Tam Dương, Bình Xuyên, Vĩnh Tường và Lập Thạch.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuyến, Tổ đại biểu huyện Yên Lạc cho ý kiến tại phiên thảo luận
Đại biểu Nguyễn Thị Xuyến, Tổ đại biểu huyện Yên Lạc cho ý kiến tại phiên thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Hiên, Tổ đại biểu huyện Lập Thạch cho rằng, theo báo cáo công tác phòng, chống tội phạm, mặc dù được tăng cường dưới nhiều biện pháp, tuy nhiên, tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra trên địa bàn.

Một số trường hợp rất phức tạp như lập nhóm tụ tập dùng dao kiếm đánh nhau gây mất an ninh trật tự; tụ tập đông người sử dụng ma túy tổng hợp tại các điểm cơ sở kinh doanh có điều kiện…

Để khắc phục những tình trạng đó, đại biểu Nguyễn Thị Minh Hiên đề nghị UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các biện pháp quyết liệt hơn nữa. Có các giải pháp kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức đoàn thể xã hội và các ngành lực lượng chức năng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần chỉ đạo làm rõ trách nhiệm các ngành, các cấp trong quản lý hoạt động của các cơ sở kinh doanh có điều kiện; tăng cường xử lý giáo dục các đối tượng thanh, thiếu niên vi phạm…

Quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, thảo luận tại tổ số 3, đại biểu Nguyễn Thị Xuyến, Tổ đại biểu huyện Yên Lạc cho biết, chuẩn bị bước vào năm học mới 2023 - 2024, việc ban hành nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập là rất cần thiết và phù hợp với thực tiễn làm căn cứ pháp lý để các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, cử tri và phụ huynh trong tỉnh còn nhiều băn khoăn về mức thu học phí giữa các khu vực có điều kiện và mức sống khác nhau, giữa khu vực thành thị với khu vực nông thôn và giữa các bậc học.

Đặc biệt, trước đây, bậc mầm non và tiểu học, học sinh không phải đóng học phí, tuy nhiên, với dự thảo nghị quyết mới thì hai bậc học này học sinh phải đóng học phí và mức thu ở khu vực thành thị cao hơn rất nhiều so với mức thu ở khu vực nông thôn.

Điều này dẫn đến một số hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực thành thị không thuộc đối tượng được miễn giảm học phí sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi phải đóng các khoản thu vào đầu năm học, khiến cho cuộc sống càng thêm vất vả, khó khăn hơn.

Tại phiên thảo luận, góp ý vào các tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp, các đại biểu đều bày tỏ sự thống nhất, đồng tình cao, cho rằng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thẩm định chặt chẽ, việc ban hành là cần thiết, không chỉ đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri, nhân dân, mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh.

Đồng thời, các đại biểu khẳng định các nghị quyết dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp là rất ý nghĩa, sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo đòn bẩy mạnh mẽ cho phát triển du lịch và góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

Minh Khánh
Phiên bản di động