Kỳ họp giải quyết khối công việc “khổng lồ”

Kỳ họp thứ 7 đã kết thúc thành công tốt đẹp, đây là kỳ họp giải quyết khối lượng công việc “khổng lồ” nhất kể từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay.
Kỳ họp thứ 7: 11 luật, 21 nghị quyết được thông qua Quốc hội bế mạc kỳ họp thứ 7

Hôm qua, sau 27,5 ngày làm việc với tinh thần đoàn kết, dân chủ, chủ động, khẩn trương và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với kết quả: xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền, các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước.

Tại kỳ họp, với tỷ lệ tán thành cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 11 luật; xem xét, thông qua 21 nghị quyết, trong đó có 3 nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật; xem xét, cho ý kiến về một số nội dung quan trọng khác.

Ngoài công tác lập phập, Quốc hội đã quyết định nhiều công việc quan trọng khác của đất nước như công tác nhân sự, xem xét điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024… Đây là kỳ họp thường kỳ giữa năm giải quyết khối lượng công việc “khổng lồ” nhất kể từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay.

Kỳ họp giải quyết khối công việc “khổng lồ”
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, nhiều quyết sách quan trọng trong kỳ họp này sẽ tạo điều kiện thuận lợi, quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nữ đại biểu lấy dẫn chứng như việc sửa đổi thời gian có hiệu lực thi hành của một số luật sớm hơn 5 tháng, điều chỉnh tiền lương từ ngày 1/7/2024 phù hợp với điều kiện thực tế, thông qua nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương, thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi)...

Kỳ họp giải quyết khối công việc “khổng lồ”
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương.

Theo nữ đại biểu, với các luật vừa được thông qua cần có sự chuẩn bị thực sự kỹ lưỡng và đúng tiến độ các điều kiện để thi hành luật. Đặc biệt là khâu ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, tránh tình trạng luật đã có hiệu lực những vẫn phải “chờ” văn bản hướng dẫn, đặc biệt với những luật sẽ có hiệu lực sớm hơn 5 tháng so với quy định ban đầu (như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở).

Đối với những luật này, thời gian chuẩn bị chỉ còn hơn 1 tháng kể từ khi Quốc hội thông qua nội dung sửa đổi là có hiệu lực nên áp lực chuẩn bị đối với các cơ quan của Chính phủ và các địa phương là rất lớn, với khối lượng công việc khổng lồ.

"Nếu không ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật được đúng thời hạn quy định thì mọi nỗ lực của Chính phủ và Quốc hội để sớm đưa luật vào áp dụng trong thực tế, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp sẽ không còn ý nghĩa, do đó trước mắt cần tập trung cao độ cho công việc này", bà Nga đánh giá.

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thực hiện nhiều nội dung quan trọng trong công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Nhiều chính sách tác động lớn đến phát triển kinh tế xã hội, cũng như đời sống người dân.

Chẳng hạn như việc tiếp tục kéo dài chính sách thuế 2% để giúp doanh nghiệp vực dậy; tăng mức lương cơ sở là kỳ vọng của nhiều người lao động làm trong khối công lập, người được hưởng lương cơ sở; thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó quy định với nồng độ cồn; công tác lập pháp chú trọng nhiều chính sách với cơ chế đặc thù hay Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035...

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang bày tỏ tâm đắc nhất các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, vấn đề về lộ trình thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 cho khu vực công cũng như khu vực tư nói riêng.

Theo đại biểu Lê Thị Thanh Lam, đây là các vấn đề có tác động trực tiếp đến đời sống của Nhân dân và của lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Trong đó, nhóm vấn đề lớn nhất mà cử tri, Nhân dân quan tâm, phản ánh đó là biến đổi khí hậu khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhất là tình trạng hạn mặn “kéo dài và lặp đi, lặp lại thường xuyên”.

Nữ đại biểu kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, chính quyền các tỉnh có biện pháp trước mắt cũng như lâu dài về vấn đề kiềm chế giá cả trên thị trường khi lộ trình cải cách tiền lương được thực hiện, nhằm tránh trường hợp khi lương chưa tăng thì giá đã tăng làm ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Hậu Lộc
Phiên bản di động