Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm 22% so với cùng kỳ
Xuất nhập khẩu của Việt Nam dự báo tiếp tục khởi sắc Các doanh nghiệp cần hạn chế xuất khẩu thép Lo ngại gian lận, Bộ Công thương kiểm tra 5 doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo |
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt gần 3,4 tỷ USD, giảm 21,6% so với tháng 8/2020 và giảm 22,0% so với tháng 7/2021.
Nguyên nhân chính do dịch Covid-19 đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất, chế biến của nhiều doanh nghiệp/nhà máy chế biến phục vụ xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp/nhà máy chỉ hoạt động ở 30-40% công suất, thậm chí phải đóng cửa do có F0.
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 8 tháng đầu năm 2021 ước đạt 32,1 tỷ đồng. |
Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 13,9 tỷ USD, tăng 13,6%; lâm sản chính đạt khoảng 11,2 tỷ USD, tăng 42,7%; thủy sản đạt trên 5,6 tỷ USD, tăng 7,1%; chăn nuôi ước đạt 296 triệu USD, tăng 15,9%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 31,1%.
Dù tháng 8, giá trị xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng đều giảm, nhưng do những tháng đầu năm tăng mạnh nên tính chung 8 tháng, nhiều sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng gồm: Cà phê, cao su, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi, cá tra, tôm; sản phẩm gỗ; mây, tre, cói thảm; quế,…
Nhiều sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng. |
Trong đó, cao su, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Cụ thể, cao su tăng 23,3% khối lượng, tăng 61,4% giá trị; hạt điều tăng 19,2% về khối lượng, tăng 15,1% về giá trị; sắn và sản phẩm từ sắn tăng 13,4% về khối lượng và tăng 28,4% về giá trị.
Riêng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu đạt 200 nghìn tấn, giảm 1,3%, nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng nên giá trị xuất khẩu vẫn đạt 666 triệu USD, tăng 50,2%; hay cà phê dù khối lượng giảm 6,9% nhưng giá trị xuất khẩu vẫn tăng nhẹ 1,1%.
Những mặt hàng khác tăng giá trị chủ yếu nhờ khối lượng như: Sản phẩm chăn nuôi (tăng 15,9%), cá tra (tăng 9,9%), tôm (tăng 7,7%); sản phẩm gỗ (tăng 45,4%), mây, tre, cói thảm (tăng 68,1%); quế (tăng 36,6%).
Hai mặt hàng giảm cả khối lượng và giá trị xuất khẩu dù giá xuất khẩu bình quân tăng, gồm: Gạo giảm 14,8% về khối lượng và giảm 6,8% về giá trị; chè giảm 6,0% về khối lượng và giảm 1,6% về giá trị.
Về thị trường xuất khẩu, ước giá trị nông, lâm, thủy sản 8 tháng đầu năm của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á (chiếm 41,5% thị phần), châu Mỹ (31,3%), châu Âu (11,3%), châu Phi (1,9%), châu Đại Dương (1,5%). Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ, đạt trên 9,3 tỷ USD (chiếm 29,1% thị phần); đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc, gần 6,1 tỷ USD (chiếm 18,9% thị phần); thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị XK đạt trên 2,2 tỷ USD (chiếm 6,8% thị phần); thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị XK đạt trên 1,4 tỷ USD (chiếm 4,3% thị phần).