Kiến nghị hạ chuẩn cho vay gói hỗ trợ lãi suất 40 nghìn tỷ đồng
Ngân hàng dùng mọi nguồn lực chia sẻ khó khăn giảm lãi suất cho doanh nghiệp |
Các doanh nghiệp từ chối gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng vì sợ thanh tra |
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Quảng Ninh liên quan đến gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng.
Theo cử tri, đến nay, việc triển khai gói hỗ trợ rất chậm trễ, không đạt yêu cầu, một phần nguyên nhân là do vướng ở khâu điều hành thực hiện và các quy định liên quan đến nhiều bộ, ngành.
Do đó, cử tri kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có các giải pháp chỉ đạo, điều hành, một mặt hạ chuẩn cho vay, đồng thời gắn trách nhiệm với các ngân hàng địa phương vì ngân hàng là bên cho vay nhưng một số nhà băng có tâm lý sợ sai nên việc triển khai còn nhiều vướng mắc, không đạt yêu cầu về tiến độ.
Trả lời về vấn đề hạ chuẩn cho vay, Thống đốc cho biết, hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận; khách hàng vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp, có phương án sử dụng vốn khả thi, có khả năng tài chính để trả nợ; tổ chức tín dụng quyết định xem xét cho vay phù hợp tình hình hoạt động và khẩu vị rủi ro của tổ chức tín dụng.
Theo Thống đốc, để tạo thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, sẵn sàng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, liên tiếp điều chỉnh giảm các loại lãi suất điều hành, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ... sẽ góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, tạo điều kiện tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. |
Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo tổ chức tín dụng trong quá trình xem xét cho vay chủ động rà soát, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục vay vốn, nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng nhằm tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản...
Tuy nhiên, để tăng khả năng tiếp cận vốn, ngoài giải pháp, chính sách từ phía ngành ngân hàng, bản thân doanh nghiệp cần cơ cấu lại hoạt động, nâng cao khả năng tài chính, xây dựng phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, tạo niềm tin để các tổ chức tín dụng yên tâm cấp tín dụng...
Như vậy, ngành ngân hàng đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Vấn đề quan trọng hiện nay là thúc đẩy cầu tín dụng từ nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm. Do đó, ngoài những giải pháp từ ngành ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ các chính sách khác về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.
Trong báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, một số chính sách có nguồn lực lớn nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế, cụ thể là chính sách hỗ trợ 2% lãi suất được bố trí 40.000 tỷ đồng chưa đạt yêu cầu đề ra, giải ngân rất chậm.
Theo báo cáo thẩm tra, số tiền hỗ trợ lãi suất của chính sách thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại giải ngân đến cuối tháng 8/2023 chỉ đạt 781 tỷ đồng, bằng 1,95% gói hỗ trợ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân chậm, tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần phân tích cụ thể hơn.
Trong đó, theo khảo sát doanh nghiệp của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ có 29,5% doanh nghiệp biết tới chính sách này, trong đó có khoảng 2% doanh nghiệp đã nhận được khoản vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, 56,7% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ này.
Theo Ủy ban Kinh tế, đa số các doanh nghiệp cho biết điều kiện cho vay khó khăn là trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, đây là một trong những giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp, người dân giảm chi phí kinh doanh, khôi phục sản xuất, hỗ trợ phục hồi, kích thích kinh tế; tuy nhiên, cho đến nay, việc giải ngân hết gói hỗ trợ theo quy định của Nghị quyết số 43/2022/QH15 là không khả thi, cho thấy việc đề xuất, xây dựng chính sách chưa sát thực tế, quy trình thủ tục gây nhiều vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện, cơ quan thẩm tra đánh giá.