Các doanh nghiệp từ chối gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng vì sợ thanh tra

Nguyên nhân chậm trễ trong giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng là do các khách hàng có tâm lý sợ thanh, kiểm tra, đặc biệt là các doanh nghiệp...
Cử tri muốn Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành Hàng loạt ngân hàng đua nhau hạ lãi suất tiết kiệm

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng vừa có văn bản trả lời cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến, liên quan đến gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm với quy mô 40.000 tỷ đồng.

Theo cử tri, ngày 11/1/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 quy định một số chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có gói tín dụng ưu đãi lãi suất 2% với nguồn kinh phí từ ngân sách 40.000 tỷ đồng.

Tiếp đó, ngày 20/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Tuy nhiên đến nay, việc triển khai chậm trễ, không đạt yêu cầu, một phần nguyên nhân là do vướng ở khâu điều hành thực hiện và các quy định liên quan đến nhiều bộ, ngành.

Do đó, cử tri kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có các giải pháp chỉ đạo, điều hành, một mặt hạ chuẩn cho vay, đồng thời gắn trách nhiệm với các ngân hàng địa phương vì ngân hàng là bên cho vay nhưng một số nhà băng có tâm lý sợ sai nên việc triển khai còn nhiều vướng mắc, không đạt yêu cầu về tiến độ.

Trả lời về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến cuối tháng 8/2023, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt hơn 169.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt gần 57.000 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 781 tỷ đồng cho hơn 2.100 khách hàng.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đánh giá, chưa có một chương trình nào được triển khai khẩn trương, quyết liệt như chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 43/2022/QH15 và Nghị định 31/2022/NĐ-CP.

Tuy nhiên, kết quả hỗ trợ lãi suất còn thấp, chưa như kỳ vọng là do một số nguyên nhân đã được nhận diện qua quá trình triển khai thực tế và cũng được các địa phương, doanh nghiệp thừa nhận.

Các doanh nghiệp từ chối gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng vì sợ thanh tra
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Cụ thể, khách hàng đủ điều kiện nhưng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất, chủ yếu là do tâm lý e ngại thanh tra, kiểm tra của khách hàng (nhất là các doanh nghiệp), cân nhắc giữa lợi ích từ hỗ trợ lãi suất 2% và chi phí bỏ ra khi nhận hỗ trợ lãi suất (theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).

Ngoài ra, khách hàng cũng lo ngại trong trường hợp sau này nếu bị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định phải thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất thì rất khó xử lý vì lúc đó doanh nghiệp/khách hàng đã hạch toán lợi nhuận/chia cổ tức cho cổ đông. Trên thực tế, một số khách hàng đã được nhận hỗ trợ lãi suất, song hiện đã chủ động hoàn trả ngân hàng thương mại toàn bộ số tiền lãi đã được hỗ trợ.

Cùng với đó, các ngân hàng thương mại và khách hàng khó khăn trong đánh giá việc đáp ứng quy định “có khả năng phục hồi” tại Nghị quyết 43/2022/QH15 và khoản 4 Điều 3 Nghị định 31/2022/NĐ-CP.

Cụ thể, qua báo cáo và khảo sát thực tế từ ngân hàng thương mại và các khách hàng, bản thân khách hàng mặc dù có khả năng trả nợ, song cũng không dám khẳng định “có khả năng phục hồi” (thường được thể hiện thông qua các tiêu chí định lượng như doanh thu/sản lượng/lợi nhuận tăng hoặc các tiêu chí định tính như đánh giá diễn biến, chiều hướng kinh doanh của khách hàng) vì đánh giá này là rất khó trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt điều kiện kinh tế thế giới đang có nhiều bất ổn trong khi nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, hoạt động của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào kinh tế quốc tế.

Trường hợp khẳng định hoặc đánh giá các tiêu chí doanh thu, sản lượng, lợi nhuận tăng nhưng thực tế do tác động của nhiều yếu tố bất định dẫn tới các chỉ số này không tăng thì các ngân hàng thương mại và khách hàng e ngại sẽ bị các cơ quan thanh tra, kiểm tra sau này đánh giá trục lợi chính sách.

Ngoài ra, một số khách hàng có doanh thu/lợi nhuận trong giai đoạn dịch cao hơn hiện tại nên rất khó để đánh giá đáp ứng tiêu chí “phục hồi”.

Theo Thống đốc, tâm lý e ngại của các ngân hàng thương mại khi triển khai thực hiện chính sách này do thực tế hiện vẫn còn một số chương trình hỗ trợ lãi suất chưa được quyết toán số tiền mà các ngân hàng thương mại đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng.

Bên cạnh đó, ngân hàng thương mại cũng lo ngại trong trường hợp nếu phải thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất đã hỗ trợ khách hàng nhưng khách hàng đã tất toán khoản vay, không còn quan hệ với ngân hàng thương mại thì khó thu hồi số tiền này.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, cơ quan liên quan thực hiện chính sách với quyết tâm cao nhất, tiếp tục công tác truyền thông, tuyên truyền đẩy mạnh triển khai hỗ trợ lãi suất để các đối tượng quan tâm được tiếp cận chính sách hỗ trợ từ ngân sách.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành nguồn lực của chính các ngân hàng để hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng và tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế theo đúng chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Về đề nghị hạ chuẩn cho vay, Thống đốc cho biết, hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận; khách hàng vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp, có phương án sử dụng vốn khả thi, có khả năng tài chính để trả nợ; tổ chức tín dụng quyết định xem xét cho vay phù hợp tình hình hoạt động và khẩu vị rủi ro của tổ chức tín dụng.

Theo Thống đốc, để tạo thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, sẵn sàng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, liên tiếp điều chỉnh giảm các loại lãi suất điều hành, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ... sẽ góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, tạo điều kiện tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo tổ chức tín dụng trong quá trình xem xét cho vay chủ động rà soát, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục vay vốn, nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng nhằm tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản...

Tuy nhiên, để tăng khả năng tiếp cận vốn, ngoài giải pháp, chính sách từ phía ngành ngân hàng, bản thân doanh nghiệp cần cơ cấu lại hoạt động, nâng cao khả năng tài chính, xây dựng phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, tạo niềm tin để các tổ chức tín dụng yên tâm cấp tín dụng...

Như vậy, ngành ngân hàng đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Vấn đề quan trọng hiện nay là thúc đẩy cầu tín dụng từ nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm. Do đó, ngoài những giải pháp từ ngành ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ các chính sách khác về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.

Hậu Lộc
Phiên bản di động