Kiến nghị giảm nhiệt điện than để phát triển năng lượng tái tạo
Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Thứ trưởng Đặng Hoàng An góp ý cho dự thảo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Trong văn bản gửi lãnh đạo Bộ Công thương, VSEA đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất cho dự thảo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tổ chức này đề xuất giảm tối đa nhập khẩu than trong phát triển năng lượng quốc gia.
Theo VSEA, Quy hoạch đang tính toán số lượng nhập khẩu nhiên liệu sơ cấp, đặc biệt là than ngày càng cao trong khi tiềm năng nguồn năng lượng sơ cấp trong nước chưa được tận dụng tối đa.
Quy hoạch cho rằng sau 2020 nước ta phải nhập khẩu năng lượng, chủ yếu phải nhập và mặc nhiên phải nhập. Tỷ lệ nhập khẩu tăng từ 49% năm 2020 lên 54% năm 2030 và 70% năm 2050. Tuy nhiên, VSEA cho rằng điều này là không hợp lý vì nhập khẩu than gặp nhiều trở ngại.
Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí |
Theo VSEA, một số quốc gia đang được xác định là nguồn nhập than của Việt Nam gồm: Úc, Indonesia, Nga, Nam Phi. Trong đó, Úc và Indonesia là 2 nước xuất khẩu than năng lượng chủ yếu trong khu vực xuất khoảng 230 - 300 triệu tấn/năm. Tuy nhiên thị trường đã phân chia, thị phần do các nước Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ nắm giữ, rất khó cho Việt Nam chen chân vào.
Đối với Nam Phi, ngành công nghiệp than của nước này do 5 công ty sản xuất tư nhân năm giữ, khoảng 85%. Vì vậy, không có một chính sách rõ ràng, các chiến lược chính cho ngành than do Công ty Eskom, nhà tiêu thụ than nội địa lớn nhất của Nam Phi định hướng và dẫn dắt. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng của Nam Phi cũng rất nghèo nàn, hệ thống cảng gồm 3 cảng xuất than cũng bị các doanh nghiệp tư nhân nắm giữ nhưng chủ yếu chỉ xuất khẩu qua cảng Richard Bay, cảng này cũng chưa thể đạt 100% công suất do hệ thống đường ray xe lửa do chính phủ quản lý còn nhiều giới hạn về năng lực vận tải (chỉ có 1 đường ray xe lửa).
Đối với Nga, môi trường đầu tư phức tạp, một vài trường hợp chi phí khai thác cao do khoảng cách đến thị trường tiêu thụ khá xa và phải chuyên chở bằng xe lửa đến các cảng biển. Các cảng biển chủ yếu gồm phía Đông biển Nhật Bản, phía Tây Bắc gần Scandinavia hoặc phía biển Azov. Khoảng cách từ khu vực khai thác đến các cảng biển lớn do đó chi phí vận chuyển tại đây khá đắt đỏ đặc biệt là các cụm mỏ Kuzbass, Kansk-Achinsk. Tại Nga, do hạn chế đường ray từ các bể than tới cảng làm hạn chế việc mở rộng xuất khẩu.
VSEA cũng cho rằng, cơ sở hạ tầng nhập khẩu than của Việt nam cũng rất kém. Hệ thống kho cảng nhập, cảng nước sâu, tầu biển không có nhiều. Năng lực tài chính của Việt Nam cũng còn yếu kém. Nếu tính mỗi tấn than giá 100USD thì vào năm 2020 mỗi năm Việt Nam cần số tiền 4,6 tỷ USD, năm 2025 là 8,3 tỷ USD và năm 2030 là 15,7 tỷ USD. Để “mua mỏ” cũng cần vốn đầu tư khá lớn, trong đó đầu tư mỏ 7 30 triệu tấn/năm cần phải chi 2,45 tỷ USD và 8 tỷ USD đường sắt để vận chuyển. Nếu mua than trôi nổi trên thị trường thì sẽ bị giá đắt và lượng cung ứng thất thường và sẽ bị bắt chẹt về giá lúc khó khăn.
Với khối lượng nhập than lớn và di chuyển theo đường biển từ 2.000 km đến 5.000 km cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ như thiên tai, cướp biển và nhất là những xung đột trên biển trong khu vực. Năng lượng luôn được dùng làm một công cụ trong chiến tranh. Khủng hoảng dầu mỏ năm 1974 cho thẩy rõ điều này. Những tranh chấp tại eo biển Hormus của Iran và ở Biển Đông hiện nay cũng là ví dụ rõ ràng.
Ngay bây giờ đã có những báo động về ô nhiễm bụi, đặc biệt là ở các đô thị lớn, nhất là Hà Nội nhiều ngày nay chất lượng không khí liên tục ở mức có hại cho sức khỏe. Nhưng quy hoạch ở vùng Đồng bằng Sông Hồng vẫn còn rất nhiều nhà náy nhiệt điện than tiếp tục được đầu tư xây dựng.
Cũng theo VSEA, cần khai thác tối đa nguồn năng lượng sơ cấp trong nước để hướng tới mục tiêu Việt Nam trở lại thành nước xuất khẩu năng lượng trong tương lai.
Về nguồn tiềm năng khí nội địa, cần bổ sung tiềm năng của hai mỏ Kèn Bầu và Khánh Hòa vào nguồn cung năng lượng sơ cấp. Đây là hai mỏ mới thăm dò được trong năm 2020 nhưng hiện chưa được đưa vào xem xét trong bản dự thảo quy hoạch.
Một bất cập khác được VSEA chỉ ra là Quy hoạch đang xác định ngành than vẫn giữ vai trò quyết định trong phát triển năng lượng quốc gia nhưng trong thực tế tiềm năng khai thác than trong nước không còn nhiều, phụ thuộc vào nhập khẩu ngày càng tăng lên. Trong lúc đó, ngành than toàn cầu đang trong xu thế thoái trào. Thực tế này đặt ra yêu cầu cần định vị lại vị trí của ngành than trong tương lai từ đó đưa ra hướng đi đúng đắn nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động của ngành này.
Về thị trường và giá năng lượng, hiện quy hoạch mới chỉ đưa ra thị trường cho ngành điện. Quy hoạch cần có thị trường năng lượng đồng bộ giữa các ngành với thời điểm và lộ trình bắt buộc. Trên cơ sở có lộ trình về thị trường năng lượng, quy hoạch cần yêu cầu đề ra các chính sách và cơ chế cụ thể để triển khai. Tương tự, đối với giá năng lượng cũng cần phải đưa ra tính toán cụ thể cho từng giai đoạn đi kèm đánh giá tác động tới nền kinh tế từ đó có phương án đảm bảo an sinh xã hội. Đây là yếu tố quyết định tính khả thi của quy hoạch.