Kiểm tra, đánh giá học sinh như thế nào khi dạy online?

Các trường THCS, THPT kiểm tra đầu giờ, 15 phút ngay khi học trực tuyến. Các bài kiểm tra định kỳ và cuối kỳ sẽ thực hiện sau khi học sinh quay lại trường. Trong khi đó, bậc tiểu học đánh giá mức độ hoàn thành của học sinh trong các buổi học.
Thầy cô sáng tạo khi dạy online Thu học phí dạy online: Trường gây bức xúc, trường khiến phụ huynh nức lòng Phụ huynh làm thơ chê trường Everest "lập lờ đánh lận như lừa dân đen" Vì sao dạy - học online không thể thay thế lớp học truyền thống?

Khác với sự tưởng tượng ban đầu về những khó khăn khi cho học trò học online, cô Nguyễn Thị Tuyết, giáo viên trường Tiểu học Phú Lãm (quận Hà Đông, Hà Nội) cảm thấy may mắn khi những buổi học nhận được sự tương tác tốt từ học sinh, cùng những hỗ trợ nhiệt tình của các bậc phụ huynh. Dù chỉ là giải pháp tình thế để ứng phó với dịch bệnh Covid-19 nhưng không thể phủ nhận việc học online mang đến những kết quả tích cực cho cả cô và trò.

Việc đánh giá kết quả học tập của học sinh khi học online cũng là điều mà cô Tuyết cũng như bao bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm. Cô giáo chủ nhiệm lớp 5 chia sẻ, học sinh lớp cô rất hào hứng với các buổi học online, vào học đúng giờ và hoàn thành tốt các bài tập được giao. Những bài khó, chưa hiểu, các em sẽ gọi điện, nhắn tin nhờ cô giảng lại. Việc kiểm tra bài cũ được thực hiện ngay trong quá trình học online. Các bạn ở lớp có thể nhận xét câu trả lời của bạn dù không gian học có phần hạn chế hơn khi học trực tiếp.

kiem tra danh gia hoc sinh nhu the nao khi day online

Cô Tuyết chia sẻ: “Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta nên kiểm tra, đánh giá những gì cơ bản nhất. Chỉ cần các con ở mức nhận biết là được, chưa cần sang mức thông hiểu và vận dụng. Tất nhiên, để phân hóa học sinh, có thể nâng lên mức thông hiểu và vận dụng thấp, còn mức vận dụng cao như trước đây là rất khó”.

Theo cô Tuyết, đối với bậc tiểu học, vẫn có thể cho học sinh kiểm tra trực tuyến, không nhất thiết phải kiểm tra trực tiếp. Qua đó, vẫn có thể đánh giá chất lượng của học sinh mà các em cũng không bị áp lực.

Dạy gì kiểm tra đó, việc kiểm tra, đánh giá phải sát với điều kiện dạy học và chỉ nên kiểm tra kiến thức trọng tâm trong nội dung dạy học của mình. Đây cũng là phương pháp kiểm tra, đánh giá được nhiều nhà trường vận dụng trong thời điểm học sinh đang học trực tuyến phòng chống dịch Covid-19.

Vừa là Hiệu trưởng đồng thời làm công tác giảng dạy môn Hóa học trường THCS Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), cô Nguyễn Thị Lý chia sẻ: “Thực hiện chỉ đạo của Phòng GD&ĐT, nhà trường đã hướng dẫn giáo viên xây dựng chủ đề dạy học. Trong điều kiện dạy học hiện nay, nhà trường cần ưu tiên dạy những nội dung sát với thực tế của học sinh và bám sát vào nội dung chương trình đã được giảm tải.

Đối với học sinh THCS, ngoài bài kiểm tra đầu giờ, 15 phút còn có kiểm tra định kỳ, cuối kỳ. Việc kiểm tra được thực hiện ngay trong các buổi học trực tuyến của học sinh. Những bài kiểm tra định kỳ và cuối kỳ, nhà trường sẽ có kế hoạch cho các lớp triển khai ngay sau khi học sinh quay lại trường”.

Theo cô Lý, điều quan trọng nhất là cần giúp học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản và học đâu chắc đấy, không để “rơi rụng” kiến thức. Khi nào đến trường, giáo viên có trách nhiệm ôn tập lại cho các em. Nhà trường có thể dành 1 - 2 tuần đầu của năm học mới để củng cố lại những kiến thức trọng tâm của năm học 2019 - 2020.

Đồng quan điểm, một giáo viên dạy THPT ở quận Đống Đa (Hà Nội) cho rằng: “Việc giảm tải mức độ kiến thức trong bài kiểm tra là cần thiết. Chúng ta không nên áp dụng “thước đo” của năm học trước hoặc của học kỳ I để đánh giá chất lượng học sinh trong học kỳ này. Đối với lớp 12, tôi nghĩ, giáo viên cần bám sát vào đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT để điều chỉnh phương pháp dạy học và định hướng ôn tập, giúp các em tự tin bước vào kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Đối với khối 10 - 11 cũng có thể căn cứ vào đề thi tham khảo để có định hướng trong dạy học cho cả thầy và trò”.

Tuy nhiên, không vì lý do dịch bệnh mà xuê xoa, nhiều giáo viên đề xuất những giải pháp thực hiện việc kiểm tra, đánh giá học sinh ở học kỳ này. Cô Nguyễn Thị Yến, giáo viên một trường THCS ở quận Cầu Giấy, Hà Nội đề xuất: “Trước khi kiểm tra, đánh giá, các trường cho học sinh ôn tập lại kiến thức đã học. Bài kiểm tra có thể hạn chế câu hỏi vận dụng cao nhưng vẫn phải bảo đảm các mức độ: Nhận biết, thông hiểu và vận dụng”.

Bên cạnh đó, cô Yến cũng cho rằng, để bảo đảm chất lượng của học sinh, trong năm học tới, các trường cần yêu cầu giáo viên hỗ trợ lẫn nhau. “Chẳng hạn, học sinh lớp 6 của năm nay, sang năm lên lớp 7 sẽ được giáo viên khối 7 hỗ trợ, bổ sung kiến thức của lớp 6. Thời gian này, chúng ta nên dành sự quan tâm hơn cho học sinh cuối cấp vì các em sắp chuyển trường, đặc biệt là học sinh lớp 9 và lớp 12. Các em đang đứng trước những kỳ thi quan trọng cần sự đồng hành, hỗ trợ của giáo viên và phụ huynh hơn bất cứ lúc nào khác”, cô Yến chia sẻ.H

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động