Không gian sáng tạo tăng sức hấp dẫn cho làng nghề Hà Nội
Phát huy giá trị của làng nghề cho công nghiệp văn hóa Thủ đô Mở lớp đào tạo nghề truyền thống đậu bạc Định Công Người "giữ lửa" nghề truyền thống ở làng Phú Thượng |
Giúp du khách hiểu hơn về lịch sử làng nghề
Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có 12 lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, du lịch văn hóa... Trong đó, thủ công mỹ nghệ là thành tố quan trọng của văn hóa và là nền tảng cho sự đổi mới, phát triển các ngành thiết kế sáng tạo và du lịch văn hóa.
Đối với Hà Nội, nơi sở hữu hơn 1.300 làng nghề, cũng đã có đề án phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, trong đó coi phát triển ngành thủ công mỹ nghệ làng nghề truyền thống trở thành ngành “công nghiệp sáng tạo”. Nhận thức được điều này, nhiều làng nghề truyền thống đã chuyển mình, chọn những hướng đi quảng bá thích hợp với xu thế. Điển hình như làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm). Nơi đây đã thành lập Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt với diện tích 3.300m2 mặt sàn trên 6 tầng. Ở đây trưng bày giới thiệu nghệ thuật đương đại, đấu giá các tác phẩm nghệ thuật xuất sắc của các nghệ nhân, nghệ sĩ; khu nghệ thuật điêu khắc ánh sáng; khu ẩm thực tinh hoa đặc sản văn hóa Bát Tràng; khu không gian công viên ngoài trời tại tầng 5 có tầm nhìn đẹp nhìn ra dòng sông đào Bắc Hưng Hải. Bên cạnh đó, tại đây còn có một bảo tàng nghề gốm Bát Tràng rất đặc sắc để kể lại câu chuyện gần 1.000 năm tuổi của các dòng họ tại làng nghề Bát Tràng.
Bảo tàng Gốm tại Bát Tràng |
Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương cho hay, du khách tới đây đa phần cảm thấy rất thích thú vì được tìm hiểu lịch sử làng nghề, lại có không gian vui chơi. Đặc biệt, các bạn trẻ có không gian sáng tạo, trải nghiệm làm gốm, check -in. Đặc biệt, từ sau khi Bát Tràng được công bố là "Điểm du lịch", lượng khách du lịch đến đây tăng gấp đôi, có thời điểm tăng gấp 3 lần so với trước đó.
Nhiều học sinh trải nghiệm tại Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt |
Khai thác những di sản ở làng nghề
Hà Nội với 1.350 làng nghề, chiếm hơn 30% tổng số làng nghề trên cả nước đang là nơi lưu giữ, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, vừa là những cơ sở kinh tế hết sức quan trọng.
Trong Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 3/3/2022 của UBND TP Hà Nội về bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022 – 2025, TP ưu tiên bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể tại các làng nghề truyền thống tiêu biểu; phát huy không gian sáng tạo sản phẩm tại các làng nghề; hỗ trợ các nghệ nhân làng nghề trong hoạt động thực hành, giới thiệu, truyền dạy tri thức và kỹ năng thực hành nghề…
Đáng chú ý, nét mới trong bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống đó là TP sẽ thực hiện thu thập và bảo tồn, lưu giữ tư liệu về giá trị truyền thống của làng nghề và sản phẩm làng nghề, hỗ trợ xây dựng các phòng trưng bày, bảo tàng nghề, làng nghề thủ công mỹ nghệ, khu trình diễn nghề truyền thống.
Những ngôi nhà cổ tại làng Cựu |
Tại một cuộc hội thảo mới đây, TS Lê Quỳnh Chi, Phó trưởng Bộ môn Quy hoạch đô thị, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chia sẻ ví dụ tại làng Cựu, xã Vân Từ (Phú Xuyên) nổi tiếng với nghề may đo, nơi hội tụ cả giá trị làng nghề và kiến trúc, di sản, TS Chi cho rằng, ngôi làng cổ này vẫn giữ được dấu ấn truyền thống đặc trưng, vừa là một bảo tàng văn hóa, lịch sử, nghệ thuật quý giá, có tiềm năng về du lịch. Chuyên gia này cho rằng, có thể áp dụng mô hình phát triển làng nghề - du lịch và làng di sản - du lịch Vùng đồng bằng sông Hồng cho làng Cựu vì di sản văn hóa là nguồn cảm hứng cho các ngành công nghiệp sáng tạo. Việc hồi sinh các không gian di sản có thể đóng vai trò là vườn ươm cho sự đổi mới, thể hiện tính nghệ thuật và phát triển các sáng kiến văn hóa mới. Để phát huy các giá trị của di sản làng Cựu, nên khuyến khích các bên sáng tạo và đổi mới trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Theo các chuyên gia, với các làng nghề nói chung, không gian văn hóa sáng tạo có thể là nhà trưng bày chuyên về lịch sử phát triển của nghề riêng, giới thiệu những khía cạnh tinh hoa của nghề hoặc tốt nhất là có một công trình riêng, dễ tạo bản sắc riêng của làng, có nội dung văn hóa lịch sử hấp dẫn du khách; có sự kết nối, xâu chuỗi các không gian và nội dung hoạt động, sản phẩm du lịch theo các chủ đề, các câu chuyện xuyên suốt về lịch sử phát triển làng, từ đó, tạo sức hấp dẫn cho làng nghề.