Phát huy giá trị của làng nghề cho công nghiệp văn hóa Thủ đô
Định hướng phát triển du lịch làng nghề
Những năm gần đây, các làng nghề truyền thống của thành phố Hà Nội có sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ lành nghề qua từng sản phẩm thủ công đặc trưng. Sản phẩm của các làng nghề như Ngũ Xã, làng kim hoàn Định Công, làng nghề mây tre đan Phú Vinh, làng chuồn chuồn tre Thạch Xá, làng nón Chuông, làng sơn mài Hạ Thái, làng gốm Bát Tràng,... không chỉ được người tiêu dung trong nước biết đến mà còn xuất khẩu tận trời Tây.
Theo thống kê, giá trị sản xuất làng nghề của Hà Nội hiện nay khoảng 22.000 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD. Giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 200 triệu USD. Làng nghề giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch văn hóa. Theo Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, việc phát triển các làng nghề gắn với công nghiệp văn hóa không chỉ góp phần giữ nghề, làm giàu từ nghề mà còn thúc đẩy phát triển văn hóa mà còn góp phần tạo nên bản sắc, thương hiệu của Thủ đô. Qua đó sẽ góp phần định vị vị trí của Hà Nội, Thủ đô nghìn năm văn hiến, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo trên trường quốc tế. Vì thế, việc khơi thông nguồn lực văn hóa để phát triển bền vững là hết sức quan trọng.
Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong tham quan gian trưng bày sản phẩm làng nghề Hà Nội trong không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám |
Trong “Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, TP Hà Nội đặt ra mục tiêu phát triển các sản phẩm thủ công thế mạnh, gắn sản xuất làng nghề với các hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội; phát triển các sản phẩm của làng nghề truyền thống đang có thị trường tiềm năng, gắn với khôi phục văn hóa truyền thống của làng nghề.
Đáng chú ý, trong danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, có 17 dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch; 17 làng nghề truyền thống cần bảo tồn lâu dài; 7 làng nghề truyền thống tiêu biểu cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Ngoài ra, đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 1.500 làng nghề; tạo việc làm ổn định cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn.
Trung tâm thiết kế sáng tạo góp phần quảng bá sản phẩm làng nghề
Để thúc đẩy làng nghề phát triển, thực hiện Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 10/2/2023 của UBND TP Hà Nội về phát triển Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2023, mới đây, UBND TP ban hành Bộ tiêu chí và Quy trình đánh giá, hướng dẫn, phát triển mô hình Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch cấp xã (theo mô hình phân tán) trên địa bàn TP theo Quyết định số 6385/QĐ-UBND ngày 14/12/2023.
Nghệ nhân làng đúc đồng Ngũ Xã |
Ngay sau đó, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã tổ chức triển khai thực hiện hướng dẫn, tư vấn lập hồ sơ tham gia đánh giá, công nhận mô hình Trung tâm thiết kế cấp xã năm 2023 tại 10 địa điểm gồm: Làng nghề gốm Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm; Làng nghề sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín; Làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên; Làng nghề mây tre đang Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ; Làng nghề bánh trưng, bánh dày, thôn Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì; Làng nghề sơn đồng xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức; Làng nghề gỗ mỹ nghệ Thiết Úng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh; Làng nghề may áo dài Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa; Làng nghề dệt lụa tơ tằm Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông; Làng nghề gốm sứ Kim Lan, xã Kim Lan, huyện Gia Lâm.
Đến thời điểm hiện tại, Hội đồng chuyên môn đã thống nhất đề nghị Sở Công Thương Hà Nội công nhận mô hình Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch cấp xã năm 2023 cho 10 đơn vị, trong đó có 4 đơn vị đạt mô hình 4 sao và 6 đơn vị đạt mô hình 3 sao.
Hy vọng, với những giải pháp đầu tư thiết thực, hiệu quả, giá trị các sản phẩm sẽ được nâng tầm, làng nghề truyền thống Hà Nội sẽ góp phần làm cho bức tranh công nghiệp hóa Thủ đô trong thời gian tới ngày một khởi sắc.
Mở lớp đào tạo nghề truyền thống đậu bạc Định Công Người "giữ lửa" nghề truyền thống ở làng Phú Thượng Khai mạc Lễ hội cây cảnh, hoa giấy Phù Đổng |