Không để thiếu hàng hóa, tăng giá đột biến dịp Tết Nguyên đán

Đây là Chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vừa được Bộ Công thương ban hành.
Mỹ áp thuế trừng phạt với hàng hóa Việt Nam là “tin đồn thất thiệt” Không lo tăng giá, “sốt hàng” dịp Tết

Theo Bộ Công thương, năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến toàn bộ nền kinh tế trong nước và thế giới, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ ảnh hưởng lớn đến thu nhập và đời sống của người dân. Việt Nam là một trong những nước kiểm soát dịch bệnh tốt, luôn bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân, kể cả trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, áp dụng cách ly toàn xã hội.

Trong tình hình hiện nay, khi dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, tình hình chính trị và quan hệ thương mại giữa các nước lớn còn diễn biến phức tạp, thời tiết bất ổn có thể tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.

Trên cơ sở đó, để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Bộ Công thương đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động tăng giá cao trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường.

"Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát", Bộ Công thương nhấn mạnh.

Không để thiếu hàng hóa, tăng giá đột biến dịp Tết Nguyên đán
Các siêu thị tại Hà Nội đã bắt đầu bày bán các mặt hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán

Bộ Công thương cũng đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân trong trường hợp có dịch bệnh hoặc Tết, thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật; Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết.

Bên cạnh đó, Sở Công thương các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị chức năng theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, thời tiết, nhất là dịch tả lợn Châu Phi, đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Sở Công thương các tỉnh, thành phố cũng phải chủ động có phương án hoặc đề xuất phương án để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, tránh tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt cục bộ, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường hàng hóa trong nước nói chung và thị trường thực phẩm nói riêng, chủ động có phương án nhập khẩu nếu cần thiết.

Không để thiếu hàng hóa, tăng giá đột biến dịp Tết Nguyên đán
Hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán năm nay dồi dào, không lo thiếu hàng

Đồng thời, Sở Công thương các tỉnh, thành phố chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp phân phối thực phẩm trên địa bàn phối hợp với các doanh nghiệp chăn nuôi tập trung có phương án bảo đảm nguồn cung cấp lợn thịt cho thị trường và thực hiện việc giảm giá thành phẩm tương ứng cho người tiêu dùng. Trong trường hợp cần thiết, cần có phương án nhập khẩu các mặt hàng thịt gia súc từ nước ngoài để bình ổn thị trường.

Đặc biệt, Bộ Công thương đề nghị đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước và thúc đẩy lưu thông hàng hóa kết hợp cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường dịp Tết cho các địa bàn dân cư nhất là vùng sâu, vùng xa.

Cũng tại Chỉ thị, Bộ Công thương cũng đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Cổ phần Bia Rượu - Nước giải khát Hà Nội, Tổng Công ty cổ phần Bia Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam... chủ động có kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết; Dự trữ vật tư, nguyên, nhiên vật liệu một cách hợp lý, tiết giảm chi phí, ưu tiên sử dụng nguyên liệu trong nước đã sản xuất được, nhằm duy trì sản xuất ổn định để bảo đảm lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Bộ Công thương cũng đề nghị các đơn vị sản xuất hàng phục vụ tiêu dùng Tết có kế hoạch phù hợp để hạn chế tối đa việc dừng sản xuất trong dịp gần Tết gây tâm lý bất ổn cho thị trường; giám sát chặt chẽ việc bán hàng trong hệ thống phân phối nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hàng, sốt giá giả tạo do các nhà phân phối, đại lý đầu cơ hàng, nâng giá.

Ngoài ra, Bộ Công thương cũng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo Cục quản lý thị trường tại các địa phương tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, kế hoạch cao điểm các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Theo yêu cầu của Bộ Công thương, lực lượng Quản lý thị trường phải kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận trong thương mại, chú trọng các mặt hàng thiết yếu như bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, thuốc lá, các mặt hàng thực phẩm tươi sống... được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán, các mặt hàng có nhu cầu cao trong phòng chống dịch bệnh Covid-19...

Theo ghi nhận của phóng viên, ở thời điểm hiện tại, các mặt hàng phục vụ Tết như bánh kẹo, bia, rượu... đã được bày bán trên kệ hàng tại nhiều hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội.

Đại diện các doanh nghiệp phân phối lớn trên địa bàn Hà Nội như: BigC, VinComert, Saigon Coop… cho biết cùng với việc kinh doanh thường xuyên, các đơn vị đã lên phương án chuẩn bị lượng hàng hóa tăng 2 - 3 lần so với ngày thường để đảm bảo nhu cầu ngày Tết cũng như sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19.

Trong khi đó, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Hà Nội cho biết, Sở đã xây dựng và triển khai Kế hoạch đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Đến nay, 100% các địa phương, 30 quận, huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch, ước tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt 39.400 tỷ đồng. Cùng với đó đã có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh của thành phố và các tỉnh, 2 tổ chức tín dụng đăng ký tham gia chương trình để đưa hàng bình ổn phục vụ nhân dân thông qua 12.443 điểm bán, trong đó có 142 siêu thị; 1.351 cửa hàng tiện lợi, 7.680 cửa hàng tạp phẩm, 1.438 điểm bán tại các chợ, 495 bếp ăn tập thể; 5.000 điểm bán hàng ở các tỉnh, thành phố ngoài Hà Nội.

Theo đại diện Sở Công thương Hà Nội, đến thời điểm này, các doanh nghiệp cũng đã xây dựng kế hoạch khai thác, tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết 2021 từ 7% đến 22% so với kế hoạch Tết 2020. Dự báo, nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Hậu Lộc
Phiên bản di động