Không để lãng phí, tiêu cực khi làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát lại 19 cơ chế, chính sách, thuyết minh cụ thể hơn, đảm bảo được cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan, đơn vị; cơ chế kiểm tra, giám sát, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực...
Chính sách đặc biệt để làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Nguồn lực đầu tư không còn là trở ngại lớn

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh vừa ký ban hành kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Kết luận nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là dự án có quy mô chưa từng có ở nước ta, chưa có tiền lệ thực hiện, đã được cấp có thẩm quyền cho chủ trương; có tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đến tài chính, ngân sách, nợ công trong điều kiện Việt Nam chưa có công nghệ, chưa có nguồn nhân lực, chưa chủ động được về nguồn vốn, trong khi với thực trạng ngân sách hiện nay thì vốn đầu tư chủ yếu sẽ từ nguồn vốn vay.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra hoàn thiện hồ sơ, trong đó lưu ý một số nội dung.

Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả; bổ sung, thuyết minh các phương án so sánh để làm rõ cơ sở lựa chọn hướng tuyến theo đề xuất của Chính phủ.

Không để lãng phí, tiêu cực khi làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Ảnh minh họa.

Chính phủ cũng cần đánh giá thêm về diện tích trồng lúa, diện tích rừng phải chuyển đổi và các giải pháp để bảo đảm các chỉ tiêu về đất trồng lúa, tỷ lệ che phủ rừng mà cấp có thẩm quyền đã quyết định; đánh giá tác động của dự án đến môi trường; nghiên cứu thêm về việc bố trí số lượng các nhà ga.

Đồng thời, Chính phủ cũng cần đánh giá kỹ các yếu tố tác động đến tiến độ thực hiện dự án để có giải pháp phấn đấu đến năm 2035 cơ bản hoàn thành toàn tuyến; lưu ý việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; việc lựa chọn nhà đầu tư; việc đáp ứng về công nghệ, nhân lực, vật liệu, nhu cầu điện cho quá trình xây dựng và quá trình khai thác, sử dụng.

Về nguồn vốn thực hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tổng vốn cho dự án đặc biệt lớn (cả chi phí xây dựng và chi phí vận hành, khai thác), do đó để đảm bảo khả thi, an ninh tài chính quốc gia, cần đánh giá kỹ lưỡng hơn, đặt trong điều kiện đất nước đang triển khai nhiều dự án hạ tầng cần thiết, cấp bách trên nhiều lĩnh vực (giao thông, năng lượng...) để có giải pháp kiểm soát rủi ro, đặc biệt là rủi ro khi có dự án trong các dự án cần thiết, cấp bách hoặc dự án này không hoàn thành đưa vào sử dụng do thiếu vốn; rủi ro mất cân đối ngân sách trong trung hạn khi các khoản nợ đến hạn trả và trả lãi lớn; rủi ro phụ thuộc quá lớn vào nợ vay nước ngoài, ảnh hưởng đến sự chủ động về tài chính, ngân sách của quốc gia.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cần có những chính sách vượt trội, đặc biệt để thực hiện dự án. Tuy nhiên, để bảo đảm khả thi và tăng tính thuyết phục, Chính phủ cần rà soát lại 19 cơ chế, chính sách, thuyết minh cụ thể hơn, đánh giá tác động kỹ lưỡng, chỉ đưa vào nghị quyết những chính sách thực sự cần thiết, tác động tiêu cực ít, đảm bảo được cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan, đơn vị; cơ chế kiểm tra, giám sát, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ rà soát hoàn thiện các tiêu chuẩn, định mức liên quan, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất khi triển khai thực hiện; tính toán, thuyết minh thêm về công nghệ và chuyển giao công nghệ, từng bước làm chủ công nghệ đường sắt; làm chủ về nguyên vật liệu, các điều kiện đảm bảo khác trong quá trình xây dựng và quá trình đưa dự án vào khai thác, sử dụng.

Cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ cơ sở tính toán, dự báo về nhu cầu vận tải của dự án; rà soát thuyết minh thêm về hiệu quả kinh tế - xã hội, hiệu quả tài chính.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ dự án và dự thảo nghị quyết về sự phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch có liên quan; phạm vi, quy mô đầu tư, phương án thiết kế sơ bộ; lựa chọn công nghệ và tiêu chuẩn kỹ thuật; hình thức đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư; hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính; sơ bộ phương án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tổng mức đầu tư, nguồn vốn; tiến độ và tổ chức thực hiện dự án.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến tham gia, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ và dự thảo nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, trình Quốc hội chậm nhất ngày 10/11/2024. Ủy ban Kinh tế hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Hậu Lộc
Phiên bản di động