Khởi nghiệp: Chàng trai 9x kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ lộc rừng tiết lộ những bí mật trong nghề
Mưu sinh nhờ ong rừng
Sinh ra và lớn lên ở một tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Bắc, từ nhỏ, anh Hà Xuân Thanh (sinh năm 1990), trú tại phường Sông Cầu, thị xã Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn) đã cùng chúng bạn vào rừng tìm những tổ ong mật hay lấy nhộng ong mang về làm thực phẩm trong nhà.
Lớn lên, học xong cấp 3, vì đam mê trải nghiệm cuộc sống gắn với núi rừng nên anh Thanh quyết bám rừng kiếm sống bằng nghề săn ong. “Từ năm 2013 tôi bắt đầu lấy nghề săn ong rừng làm công việc chính. Mỗi năm chỉ nghỉ đúng 1 tháng tết, thời gian còn lại của tôi chính là trên rừng”, anh Thanh nói.
Những người săn ong có thể đi một mình hoặc đi thành nhóm,cùng nhau làm việc và ăn ngủ luôn tại rừng |
Hành trang mỗi chuyến đi rừng của anh Thanh không nhiều, tất cả được gói gọn trong chiếc balo rằn ri quân đội với bộ quần áo, vài gói mì tôm, 1 chiếc bật lửa, bộ đồ bảo hộ, đèn pin và 1 con dao để cắt ong.
“Chuyến nào đi những cánh rừng gần thì thì 2-3 ngày, chuyến nào đi xa vào miền Trung và miền Nam thì kéo dài cả tháng. Tôi phải rủ thêm 5-6 người nữa đi cùng, chuẩn bị cả bạt để ngủ lại trong rừng, rồi thêm chiếc nồi, ít gạo, mắm muối để nấu ăn tại chỗ”, anh Thanh cho hay.
Để biết khu vực nào có ong làm tổ, anh Thanh phải sử dụng kinh nghiệm nhiều năm để nhận biết. Theo anh, cách nhận biết dễ nhất là dùng ống nhòm để nhìn hướng ong bay khi đi kiếm thức ăn hoặc đồ về xây tổ và dựa vào điểm vàng của con ong để lại trên lá cây.
Nơi làm tổ của ong có thể là ngọn cây, thân cây, hốc cây hoặc hang đá |
Khi tìm được tổ ong rồi, người săn ong phải mặc đồ bảo hộ, trèo lên cây cao, dùng khói để đuổi ong đi hoặc dùng tay gạt ong trưởng thành rồi dùng dao cắt tổ bỏ vào túi nilon mang xuống.
Những ngày may mắn, anh Thanh kiếm được tổ ong to, thu về cả vài triệu đồng, nhưng cũng có ngày phải về tay không vì đi không đúng luồng, đi phải những nơi đoàn khác vừa đi qua.
Nghề trêu đùa với “thần chết” và những lần muốn từ bỏ
Ong rừng luôn được thương lái lùng mua với giá cao, có bao nhiêu cũng bán hết đến đó. Đắt nhất theo anh Thanh phải kể đến mật ong ruồi có giá trên 1 triệu đồng/lít; mật ong khoái có giá 650.000 đồng/lít hoặc 300.000 đồng/kg tổ; ong vò vẽ hoặc ong đất, ong trời được mua với giá từ 300-350.000 đồng/kg.
“Tôi nhớ chuyến đi may mắn nhất đó là đợt đi săn ong nhộng ở rừng A Lưới (Huế), chỉ trong 2 ngày tôi cắt được gần 60kg. Có tổ ong trời to khổng lồ nặng hơn 20kg, thậm chí cắt được tổ ong khoái nặng 23kg, đượm mật ”, anh Thanh nhớ lại.
Tổ ong trời to nhất anh Thanh lấy được nặng hơn 20kg |
Hết ăn ong nhộng lại đến mùa ong mật với những tổ nặng cả vài chục kg |
Những chuyến đi xa, vào tận Quảng Bình, Quảng Trị hay mãi trong Bình Định, anh cùng những thợ săn ong khác phải đi cả nghìn km bằng ô tô rồi chạy thêm vài trăm km bằng xe máy để vào rừng. Khi cắt được ong, cả đoàn lại gom lại, đóng thùng xốp rồi chuyển ra Bắc cho thương lái thu mua.
Nhiều khi vào được rừng sâu, rừng già, gặp mưa lũ và bị cô lập, hết thức ăn, phải đánh cá suối, cua đá rồi tìm sắn, cây chuối hay rễ cây để ăn cầm cự qua ngày hoặc có những nguy hiểm phải đánh đổi bằng tính mạng.
Có những tổ ong trời cực độc, cao chót vót trên ngọn cây, người săn ong phải cực kỳ cẩn thận bởi chỉ sơ xuất nhỏ là phải đánh đổi cả tính mạng. Gặp trường hợp bị ong dữ đốt cũng phải thật bình tĩnh chịu đau trèo xuống chứ không được buông tay.
Nghề săn ong được coi là nghề "trêu đùa với tử thần" bởi cực kỳ nguy hiểm nên người làm nghề này phải rất cẩn thận |
Nghề săn ong được coi là nghề "trêu đùa với tử thần" bởi cực kỳ nguy hiểm nên người làm nghề này phải rất cẩn thận.
“Có 2 lần tôi suýt mất mạng, đó là 1 lần vào năm 2018, buổi sáng trước khi đi trời vẫn hửng nắng, vậy mà đến chiều, khi được hơn 10kg ong mật thì trời đổ mưa giông. Nước trên thượng nguồn ào ào đổ xuống, do tôi không tưởng tượng được mực nước sâu như vậy nên cố đi và bị cuốn cả người và xe xuống sông, may là có người nhìn thấy và cứu”, anh Thanh nhớ lại.
Lần thứ 2 theo anh Thanh đó là lần anh leo lên ngọn cây để cắt ong trời, loài ong rừng nguy hiểm nhất và làm tổ to nhất, ở trên cao nhất. Khi đó, áo bảo hộ của anh bị thủng từ lúc nào không hay. Bị ong chui vào đốt, anh vẫn cố gắng hết sức để trèo xuống đất an toàn.
“Xuống đến nơi tôi bắt đầu hoa mắt, chóng mặt và khó thở liền lấy vội quả chanh và nhúm muối hạt hòa với nước rồi uống để chống độc. May quá người dần hồi lại chứ nhiều người bị đốt 1 phát thôi là cơ thể không tự tách độc được nữa, phản ứng nổi mề đay rồi sốc phản vệ và hôn mê luôn. Rất nguy hiểm”, anh Thanh phân tích.
Săn ong là công việc cực kỳ vất vả vì họ phải trèo đèo lội suối, "tối đâu là nhà, ngã đâu là giường" để tìm ong |
Săn ong là công việc cực kỳ vất vả vì họ phải trèo đèo lội suối, "tối đâu là nhà, ngã đâu là giường" để tìm ong.
Để đề phòng ong đốt, những người đi rừng như anh phải luôn chuẩn bị thuốc, chanh tươi, muối, ớt để phòng khi ong đốt mang ra dùng. Vì những khó khăn, nguy hiểm, nhiều khi anh cũng muốn bỏ nghề, tìm một công việc khác mưu sinh nhưng không thành.
Chỉ cần nghỉ vài ngày, khách quen gọi điện hỏi mua mật ong hay nhộng ong là “bệnh nghề nghiệp” lại trỗi dậy, anh lại xách balo lên rừng. Vì thế, những tháng ngày rong ruổi bên những cánh rừng suốt gần 10 năm qua tưởng như đã ăn vào máu thịt, không thể từ bỏ.
Những người mưu sinh bằng nghề săn ong rừng không bao giờ tận diệt đàn ong, họ chỉ cắt phần mật, để lại ong trưởng thành và 1 phần tổ để chúng sinh sản tiếp |
Mỗi năm, bằng nghề săn ong rừng, anh Thanh có thể mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng. Không những thế, ngoài kiếm ong, anh Thanh còn quay lại video những hành trình tìm ong để làm kỷ niệm rồi up lên Youtube mang tên “Ong rừng Đông Bắc”. Có những video thu hút hàng triệu lượt xem, giúp anh có một khoản thu ngoài không nhỏ.
Để cảm ơn mẹ thiên nhiên, anh Thanh cũng như những thợ săn ong khác không bao giờ bắt ong chúa, ong trưởng thành. Khi lấy tổ ong cũng sẽ để lại 1 phần trên cây để ong quay lại làm tổ, sinh sôi tiếp. Đặc biệt, nếu đuổi ong bằng khói phải thật cẩn thận không để tàn lửa rơi xuống gây hỏa hoạn.