Khó chồng khó, ngành đồ uống muốn được nới chính sách thuế

Trong bối cảnh có quá nhiều khó khăn bủa vây, các doanh nghiệp ngành bia, rượu, nước giải khát muốn được nới chính sách thuế để có thời gian phục hồi...
Bộ Tài chính đang khẩn trương sửa đổi 3 luật về thuế Chính phủ “chốt” chưa áp cách tính thuế hỗn hợp với rượu, bia

Ngày 15/3, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) đã tổ chức Hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp hội viên.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế của Liên đoàn Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, bức tranh về nền kinh tế và sức khỏe doanh nghiệp đang đáng lo ngại.

Đặc biệt, doanh nghiệp ngành đồ uống đang chịu tác động tiêu cực kép từ dịch COVID-19 cùng với tác động của tình hình thế giới và những chính sách liên quan như quy định của Nghị định 100/2019 của Chính phủ về xử phạt giao thông, quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu khiến doanh nghiệp khó chồng khó.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Chính phủ đang trình Quốc hội dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), dự kiến tháng 10/2024 sẽ cho ý kiến lần đầu và tháng 5/2025 sẽ thông qua, đến ngày 1/1/2026 mới có hiệu lực.

Trong dự thảo luật lần này, ngành bia rượu có một số tác động là chịu tăng thuế theo lộ trình, nhưng trong bối cảnh khó khăn hiện nay có thể đề xuất giãn tiến độ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thời gian tới.

Đồng thời, quy định đánh thuế nước giải khát có đường là chế định quan trọng. Cùng với đó, hiện nay là thời điểm thích hợp để kiến nghị giảm thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp ngành bia rượu thời gian tới.

Khó chồng khó, ngành đồ uống muốn được nới chính sách thuế
Doanh nghiệp ngành bia đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Theo dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được Bộ Tài chính lấy ý kiến, thuế với đồ uống có cồn (bia, rượu) có thể tăng để kiểm soát hành vi tiêu dùng. Hiện, mức thuế tiêu thụ đặc biệt với bia là 65%, rượu 35 - 65% tùy độ cồn dưới hay trên 20 độ.

Ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam kiến nghị Quốc hội, Chính phủ các bộ, ngành cân nhắc, đánh giá các chính sách hài hòa, phù hợp với điều kiện thực tế.

Theo ông Hưng, các chính sách ban hành cần phải kèm theo các giải pháp đồng bộ, phù hợp thực tiễn để thực hiện được tốt, hiệu quả giúp các chính sách pháp luật có thể đi vào cuộc sống. hiệp hội kiến nghị xem xét lùi lộ trình sửa đổi Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, ít nhất từ năm 2025 trở đi, để tạo các điều kiện giúp các doanh nghiệp phục hồi, ổn định và dần phát triển trở lại.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – CIEM) cho biết, đơn vị đã có báo cáo đánh giá định lượng tác động của thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành đồ uống có cồn.

Theo đó, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trong lĩnh vực nước giải khát nói riêng đang trong giai đoạn khó khăn. Các chính sách ban hành cần đảm bảo nhất quán với định hướng, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ phục hồi và phát triển doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, đại diện CIEM kiến nghị, cơ quan soạn thảo nên đánh giá tác động một cách toàn diện khi đề xuất mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đặc biệt, đại diện CIEM cho rằng, Chính phủ nên lùi thời hạn hoặc có lộ trình đối với việc áp dụng sắc thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường để các doanh nghiệp xây dựng chiến lược thích ứng, kế hoạch cải tiến sản phẩm, trong khi có thể khấu hao dây chuyền công nghệ cũ.

Ngày 14/3, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) sau khi nghiên cứu, tổng hợp ý kiến từ các doanh nghiệp hội viên đã gửi ý kiến đóng góp, kiến nghị lên Bộ Tài Chính, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương về dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Hiệp hội cho rằng, các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong các giai đoạn khó khăn thì nên cân nhắc áp dụng cho tất cả các loại hàng hóa trong đó có ngành đồ uống có cồn để tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp cùng chịu những khó khăn chung đặc biệt là đại dịch COVID-19 vừa qua. Điều này sẽ giúp ngành vượt qua giai đoạn khó khăn, hồi phục phát triển để tiếp tục có đóng góp lớn cho ngân sách cũng như tạo, duy trì và ổn định lực lượng lao động góp phần gia tăng an sinh xã hội.

Hậu Lộc
Phiên bản di động