Khi thiên nhiên cuồng nộ
Theo Tổng cục phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 5 năm gần đây, cả nước đã xảy ra 250 đợt lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng tới các vùng dân cư, làm chết và mất tích 779 người, bị thương 426 người, thiệt hại kinh tế ước tính hàng nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh các yếu tố tự nhiên, thì yếu tố con người cũng có phần tác động đến tiến trình làm mất cân bằng tự nhiên, dẫn đến sạt lở đất đá.
Theo phân tích của các nhà địa chất, tình trạng trượt, sạt lở đất chủ yếu liên quan đến 2 vấn đề: Do các hiện tượng thời tiết bất thường và tác động của con người. Ngoài việc phát triển thủy điện thiếu quy hoạch dẫn đến phá rừng đầu nguồn để xây dựng hồ chứa nước, việc khai thác khoáng sản, khai thác đất đá với quy mô và khối lượng lớn, cũng được xem là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng làm mất ổn định, thay đổi dòng chảy, sụt trượt mái dốc taluy, sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét, đặc biệt là ở địa bàn miền núi.
Bất kỳ một công trình nào do con người tạo ra, nhất là ở vùng rừng núi, đầu nguồn các con sống, đều ảnh hưởng hoặc ít hay nhiều nhiều đến môi trường. Việc làm đường, xây dựng nhà máy, nông trại, hồ chưa, đập nước, các công trình dân sinh đều cần đến một diện tích nhất định vốn là rừng cây hay đồi núi. Diện tích rừng nguyên sinh bị thu hẹp, được thay bằng rừng trồng ở vị trí khác khiến khả năng giữ nước bị thay đổi, taluy vách đồi, núi được xẻ cao làm mất thế cân bằng ổn định của mái dốc được tạo ra qua hàng triệu năm… Đây là sự tác động trực tiếp đến sự chuyển dịch các khối đất, đá dẫn đến hiện tượng sạt lở đất.
Theo Hội Đất ngập nước Việt Nam, mặc dù thủy điện được coi là nguồn năng lượng sạch và rẻ trong bối cảnh nước ta còn thiếu điện và phụ thuộc nhiều vào nhiệt điện, song cũng cần nhìn nhận một thực tế là các đập thủy điện có thể làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu một khi bị lạm dụng, được xây dựng dày đặc, vượt quá sức chịu đựng của thiên nhiên. Theo Bộ NN&PTNT, để làm 160 dự án thủy điện, thì phải mất 20.000 ha rừng, trung bình mỗi dự án ngốn 125 ha. Một thống kê khác, cứ 1 MW điện sẽ mất 10 ha rừng, chưa kể những thiệt hại khác như phá rừng để lấy đất phục vụ tái định cư, làm nương rẫy mới, lâm sản bị tận thu kiểu "ăn theo", tình trạng biến đổi dòng chảy, lúc thiếu lúc thừa nước, lũ lụt đe dọa, môi trường bị tàn phá, động thực vật hoang dã bị tận diệt…
Chỉ riêng tại 4 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên là Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Kon Tum và Đắk Nông mà có gần 150 dự án thủy điện lớn, nhỏ thì mục tiêu mà chúng ta đang cố gắng tạo sự hài hòa giữa bảo tồn thiên nhiên và xây dựng, phát triển, sẽ khó thực hiện.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến vấn đề thủy điện. Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về quy hoạch thủy điện; việc quản lý, vận hành, khai thác và bảo đảm an toàn; công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư, bảo vệ môi trường tại các dự án, công trình thủy điện. Nhiều dự án, công trình thủy điện quan trọng của đất nước được đầu tư xây dựng đã đóng góp đáng kể vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, vấn đề về phát triển thủy điện, đặc biệt là thủy điện vừa và nhỏ ở Việt Nam vẫn còn không ít bất cập. Ngoài việc cần phải công khai quy trình xả lũ, thì vấn đề phân cấp quản lý, quy hoạch, giám sát các công trình thủy điện cũng được dư luận hết sức quan tâm.
Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì sửa đổi quy định về an toàn hồ đập, trong đó đặc biệt chú ý đến vấn đề xả lũ. Khi đặt vấn đề xả lũ ở một số công trình thủy điện, các địa phương đều cho rằng, chưa có thủy điện nào xả lũ sai quy trình. Nhưng thực tế, vẫn có trường hợp người dân nói không được báo trước, chỉ đến khi thấy ướt lưng mới biết lũ về. Bên cạnh đó, hàng loạt sự cố như vỡ đập ở Gia Lai, nứt thân đập ở Quảng Nam, xả lũ ở một số tỉnh miền Trung cách đây vài năm đã gây ra những mối quan ngại về vấn đề an toàn và quản lý vận hành đập. Vậy thì, đơn vị, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm vẫn là câu hỏi cần được trả lời.
Theo kết quả chương trình giám sát của Quốc hội (khóa XIII), có tới 30% thủy điện nhỏ chưa được kiểm định về an toàn, 66% chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt và 55% số đập chưa có phương án phòng chống lụt bão. Rồi tại một số dự án thủy điện, đã có tình trạng lợi dụng quyết định mở công trường cho khai quang rừng với quy mô lớn hơn so với yêu cầu để khai thác gỗ, hoặc khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt một số chủ dự án có biểu hiện chây ì, không thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế. Tuy nhiên, các chủ dự án vẫn không phải chịu trách nhiệm gì. Theo logic vừa nêu, thì sự lỏng lẻo trong công tác quản lý, thẩm định các dự án, thì rõ ràng các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương (nơi có dự án) phải trách nhiệm trong việc phê duyệt, giám sát.
Thực tế không thể phủ nhận, thủy điện vẫn được đánh giá là nguồn năng lượng sạch, có thể tái tạo, đã có công nghệ phát triển khá hoàn chỉnh, chi phí quản lý thấp, hồ chứa thủy điện mang lại nhiều lợi ích tổng hợp, ngoài việc phát điện còn góp phần giảm lũ cho hạ du, điều tiết nước cho nông nghiệp... đặc biệt khi các nguồn năng lượng mới như thủy triều, mặt trời, gió... chưa được phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, không thể mượn cớ làm thủy điện để phá rừng, để hy sinh các lợi ích xã hội và môi trường, hoặc lấp liếm những tác động tiêu cực của sự phát triển thủy điện thiếu quy hoạch.
Trước những tác động tiêu cực của thủy điện, cách đây chưa lâu, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu rà soát lại gần 7.000 hồ thủy lợi, thủy điện. Bên lề kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, một số đại biểu cũng nêu ý kiến, các cơ quan chức năng cùng các địa phương cần tiến hành rà soát, đánh giá lại toàn bộ các thủy điện liên quan tới vấn đề an toàn hồ đập; quy trình vận hành hồ chứa, công khai thông tin, trách nhiệm quản lý, trách nhiệm của chủ đầu tư.