Khai thác tiềm năng văn hóa và lịch sử của Thủ đô từ du lịch sông Hồng
Tiềm năng du lịch sông Hồng
Sông Hồng, con sông huyết mạch chảy qua 15 quận, huyện của Hà Nội, có tổng chiều dài 556km, trong đó hơn 160km chạy qua Thủ đô.
Đây không chỉ là tuyến đường thủy quan trọng mà còn là nguồn tài nguyên du lịch quý giá với nhiều di tích lịch sử và văn hóa như đền Hát Môn, đền Dầm, đền Ghềnh, đền Gióng đến các làng nghề truyền thống như làng gốm Bát Tràng, làng đào Nhật Tân, làng giấy Yên Thái. Những giá trị văn hóa và lịch sử này chính là sản phẩm du lịch độc đáo, đầy tiềm năng.
Tuy nhiên, mặc dù có tiềm năng to lớn, du lịch sông Hồng vẫn chưa phát triển xứng tầm. Hiện nay, chỉ có Công ty Cổ phần Thăng Long - GTC được cấp phép vận hành khai thác tuyến du lịch từ Hà Nội đến Hưng Yên. Dù đã hoạt động từ năm 2004, du lịch đường sông vẫn chưa thu hút được lượng khách du lịch như kỳ vọng, một phần là do cơ sở hạ tầng còn thiếu đồng bộ và chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu của du khách, đặc biệt là khách quốc tế.
Đoàn khảo sát tuyến du lịch sông Hồng |
Một trong những yếu tố khiến du lịch sông Hồng chưa phát triển mạnh mẽ là hệ thống giao thông kết nối giữa các điểm đến còn nhiều hạn chế. Các bến cảng, khu vực dịch vụ đón khách, bãi đỗ xe và các phương tiện vận tải đường thủy đều chưa được đầu tư đầy đủ, gây khó khăn cho việc đón khách, đặc biệt là khách quốc tế. Hệ thống các cảng, cầu cảng vẫn chưa đồng bộ, nhiều bến tàu vẫn chưa thể hoạt động hiệu quả vì thiếu các yếu tố kỹ thuật cần thiết.
Các chuyên gia du lịch cũng chỉ ra, sự chồng chéo trong các chính sách và quy định về cấp phép, quản lý bến tàu, phương tiện thủy cũng là một yếu tố cản trở sự phát triển của du lịch sông Hồng. Để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch này, cần phải có một quy hoạch tổng thể, đồng thời cải thiện hệ thống hạ tầng, dịch vụ du lịch dọc sông Hồng.
Các chuyên gia và doanh nghiệp đều cho rằng để du lịch sông Hồng phát triển mạnh mẽ, cần có sự đầu tư lớn vào hạ tầng, nâng cấp các bến tàu, khu vực đón khách và xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng. Phát triển các tuyến du lịch theo nhiều chủ đề khác nhau, như tour tham quan di tích lịch sử, tour làng nghề truyền thống, tour tâm linh và du lịch sinh thái, là một trong những giải pháp quan trọng.
PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhấn mạnh rằng cần phải có một chiến lược dài hạn, quy hoạch tổng thể các điểm du lịch dọc sông Hồng, thu hút các nhà đầu tư vào phát triển hạ tầng, đồng thời phát triển các dịch vụ du lịch đi kèm để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Giám đốc Công ty Lữ hành Travelogy Vũ Văn Tuyên cho rằng, việc kết nối các doanh nghiệp du lịch sẽ tạo ra sức mạnh lớn trong việc quảng bá, thu hút khách du lịch. Các tour du lịch cần được đa dạng hóa để đáp ứng nhu cầu của du khách, từ các tuyến tàu chạy hằng ngày đến các sản phẩm cao cấp về đêm. Cùng với đó, việc xây dựng các bản đồ du lịch đường sông Hà Nội sẽ giúp du khách có thêm nhiều lựa chọn khi đến với Thủ đô.
Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch sông Hồng
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành và doanh nghiệp để nghiên cứu, xây dựng các kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường sông. Thành phố sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư vào các dự án du lịch sông Hồng, đồng thời tập trung vào việc cải thiện chất lượng sản phẩm du lịch, nâng cấp dịch vụ, huấn luyện đội ngũ nhân viên phục vụ, nâng cao trải nghiệm cho du khách.
Hà Nội cũng sẽ tập trung vào việc kết nối các điểm du lịch dọc sông Hồng với các tuyến du lịch khác trong thành phố, tạo thành các chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn. Đồng thời, thành phố sẽ thúc đẩy phát triển du lịch thể thao, du lịch sinh thái và các hoạt động vui chơi giải trí ven sông nhằm thu hút du khách.
Một điểm tâm linh trong tuyến du lịch sông Hồng |
Một trong những vấn đề quan trọng trong việc phát triển du lịch sông Hồng là kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, việc phát triển du lịch đường sông đòi hỏi sự đầu tư không chỉ vào cơ sở hạ tầng mà còn vào việc xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, phục vụ nhiều đối tượng khách khác nhau. Các doanh nghiệp cần chủ động hợp tác để phát triển các dịch vụ liên quan như khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan, hoạt động giải trí, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch sông Hồng.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cũng cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục xây dựng các chính sách hỗ trợ đầu tư, cải thiện hạ tầng và phát triển các sản phẩm du lịch dọc sông Hồng, tạo động lực để du lịch Thủ đô phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Với những tiềm năng du lịch sông Hồng phong phú về văn hóa, lịch sử và cảnh quan, Hà Nội có thể phát triển một sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần nâng cao giá trị văn hóa, thu hút du khách và tạo thêm động lực phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, và xây dựng một sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn. |