Khai mạc Lễ hội đền Hùng năm 2023
Phú Thọ: Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng trong 5 ngày Hạn chế người tham dự lễ hội đền Hùng Dòng người cuồn cuộn lên đỉnh núi, đền Hùng đông chưa từng có |
Tới dự gồm có các đồng chí: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu; Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart và đại diện đại sứ quán nhiều quốc gia; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố...
Di sản Nhã nhạc Cung đình Huế trình diễn tại Đất Tổ. |
Tự hào cùng chung dòng máu “con Lạc, cháu Hồng”
Lễ hội đền Hùng và Tuần văn hóa - du lịch đất Tổ năm 2023 với chủ đề "Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương". Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, truyền thống đạo hiếu của dân tộc đã được đúc kết qua hàng nghìn năm, để mỗi dịp giỗ Tổ Hùng Vương, triệu triệu con tim người Việt trong và ngoài nước lại cùng hướng về đất Tổ thiêng liêng, thành kính tưởng nhớ công ơn dựng nước của các Vua Hùng.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện lòng tự hào về cội nguồn và khát vọng thống nhất, minh triết độc đáo của quốc gia, dân tộc Việt Nam, gắn liền với truyền thống nông nghiệp lúa nước, ý chí tự cường và tinh thần đoàn kết chống ngoại xâm, thiên tai, làm nên sức mạnh Việt Nam. Với ý nghĩa đó, cùng với 14 giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO vinh danh là di sản phi vật thể của nhân loại.
Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội đền Hùng 2023 là dịp hội tụ của tinh hoa di sản văn hóa mọi miền Tổ quốc, sẽ mang đến cho đồng bào và du khách những trải nghiệm sâu sắc, từ đó thêm hiểu, thêm yêu và tự hào hơn về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. Đây còn là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đường 20 năm, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong triển khai các Chương trình hành động về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể theo tinh thần của Công ước. Các di sản văn hoá Việt Nam tiếp tục được bảo tồn và lan tỏa hệ giá trị bản sắc, nhân văn; góp phần đưa văn hiến Việt Nam cùng tỏa sáng trong dòng chảy văn minh nhân loại.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại sự kiện |
Phát biểu tại sự kiện, ông Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết: Trong tâm thức mỗi người dân đất Việt, từ bao đời nay, các vua Hùng là Quốc Tổ của dân tộc. Tự hào cùng chung dòng máu “con Lạc, cháu Hồng”, hằng năm ai đi ngược về xuôi, cứ đến ngày mùng 10 tháng Ba âm lịch, đều hướng về miền đất Tổ để tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã có công khai sơn trị thủy, gìn giữ sơn hà, xây nền độc lập, bồi đắp bản sắc văn hóa, ý chí con người Việt Nam.
Đặc biệt, Lễ giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm nay gắn với kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; thiết thực triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, để văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; thực hiện kết luận của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Lễ giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023 diễn ra từ ngày 21 -29/4 (tức mùng 2 đến 10 tháng Ba âm lịch), với hơn 20 sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao phong phú, đặc sắc tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hùng và nhiều điểm giao lưu văn hóa khác trên địa bàn thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nhằm thể hiện niềm tri ân sâu sắc của cộng đồng 54 dân tộc anh em hướng tới tổ tiên trong ngày hội về nguồn; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các giá trị di sản văn hóa đất nước, đặc biệt là các di sản văn hóa đã được UNESCO vinh danh.
Điểm nhấn của chuỗi hoạt động kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO, gồm: Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh; Hội nghị - hội thảo “Phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch”; Triển lãm di sản văn hóa, du lịch các vùng kinh đô Việt Nam…, qua đó thể hiện rõ nỗ lực của Việt Nam trong vai trò quốc gia thành viên có trách nhiệm và tích cực trong việc tăng cường thúc đẩy sự phát triển của Công ước 2003 của UNESCO nói chung; thực hiện cam kết về nghiên cứu, kiểm kê, nhận diện, thực hành, truyền dạy, quảng bá và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể sau khi được UNESCO ghi danh nói riêng.
Chung tay bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa
Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart khẳng định Việt Nam luôn là thành viên tích cực của UNESCO trong bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. |
Khẳng định ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn văn hoá dân tộc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, trong những năm qua Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp luôn quan tâm đầu tư nguồn lực cho nghiên cứu, phục hồi, phục dựng và trùng tu các di sản văn hóa; kêu gọi đồng bào trên mọi miền tổ quốc cũng như kiều bào ta ở nước ngoài cùng chung tay, góp sức phát huy các giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và các di sản phi vật thể khác.
Để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định: “Cần nghiên cứu, hoàn thiện hệ giá trị văn hoá quốc gia và con người Việt Nam, phát huy thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp Việt Nam cùng với tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Xây dựng và triển khai Chương trình tổng thể mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam...”.
Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart khẳng định, di sản văn hoá phi vật thể là một phần không thể thiếu trong đời sống con người trên thế giới, giúp chúng ta cảm nhận mình là một phần trong xã hội.
Trong suốt thời gian qua, Việt Nam đã luôn là một thành viên tích cực của UNESCO trong bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, đã và đang đảm nhận những vai trò quan trọng trong hầu hết các hoạt động của Tổ chức. Hiện Việt Nam đã có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh. Điều này đã thể hiện rõ những nỗ lực, trách nhiệm của Việt Nam đối với di sản văn hóa, một phần ký ức của nhân loại.
Khai mạc sự kiện là chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương”. Chương trình có sự tham gia của 400 diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng cùng đông đảo nghệ nhân dân gian tại địa phương sở hữu di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, với sự hiện diện của các di sản: Hát Xoan, Xòe Thái, Ca Trù, Dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh, Nhã nhạc cung đình Huế, Nghệ thuật Bài Chòi, Đờn ca tài Tử Nam Bộ, Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên…