“Khai hoa” rực rỡ để “kết quả” ngọt ngào

Với người Hà Nội, cảm hứng mùa xuân sẽ chắp cánh cho mỗi người nhận thấy cần phải xây dựng văn hóa riêng, tạo dấu ấn của mình ở thế kỷ XXI.    
Hương sắc mùa xuân ở chợ hoa Quảng Bá Check in với hoa đào: Cách đón chào Tết của giới trẻ Hà thành Giới trẻ sẽ tham gia các hoạt động chào mừng Tết Dương lịch 2020 ở đâu
mua xuan khai hoa ruc ro de ket qua ngot ngao
ảnh minh họa: Hanoi TV

Khi những màn mưa bụi kéo đất trời lại với nhau, chồi non lộc biếc bừng lên sức sống mãnh liệt, những đóa mai, đào bung nở cùng hơi ấm nồng nàn, ấy là lúc mùa xuân đã về…

Mùa xuân ở mỗi vùng miền có những nét khác biệt riêng. Ở vùng núi cao phía Bắc, xuân bắt đầu với những cánh hoa đào nở nghiêng bên bờ rào đá, dưới mái nhà trình tường. Xuân thiết tha với tiếng khèn gọi bạn cùng những phiên chợ tình náo nức.

Ở phương Nam nắng ấm, xuân là những chậu cúc kiểng, với những đóa mai vàng rực trong màu trời biếc xanh.

Hà Nội, phố phường tấp nập và nhộn nhịp, xuân đến có những mảng màu riêng. Trong lòng, ai nấy đều hối hả tất bật, lo toan kết thúc năm cũ cho vẹn tròn, mở ra năm mới nhiều hứng khởi.

Trong lòng thành phố, xe cộ hàng hóa càng rộn ràng hơn cho người ta cảm nhận sự tưng bừng, náo nức. Mùa xuân Hà Nội khác với mọi nơi, đó là những “đặc sản” rất xuân mà không nơi đâu có được.

Yêu cái đẹp, biết thưởng xuân, Hà Nội có cả vùng hoa Quảng Bá, Ngọc Hà, Nghi Tàm, Tây Tựu. Áp Tết năm nào cũng thế, những cánh đồng hoa tíu tít tiếng người cười nói. Màu hoa, sắc áo, gương mặt rạng rỡ làm hừng lên cả một góc trời xuân.

Những vườn lan, cúc muôn hồng nghìn tía níu bước người đi. Chợ hoa Hàng Lược, Quảng Bá không ngớt dòng người đua chen. Đặc biệt, làng đào Nhật Tân sát mép sông Hồng, người mua cây, người ngắm cảnh, người chụp ảnh, người chăm hoa từ sáng sớm tới đêm khuya. Bức tranh xuân của Hà Nội vì thế mà tươi tắn, rạng rỡ hơn rất nhiều.

Qua việc khai bút, khai xuân, chúc Tết đầu năm cho thấy, từ ngàn xưa chúng ta đã luôn ước vọng mùa xuân sẽ khởi đầu những điều tốt đẹp. Mùa xuân luôn mang đến cảm hứng dạt dào, sự bứt phá, đổi thay. Chính vì thế, mùa xuân ấy, mỗi người Hà Nội dường như có thêm động lực để thay đổi, tạo nên dấu ấn văn hóa của người Thủ đô thế kỷ XXI.

Đã bao giờ chúng ta tự hỏi, nét thanh lịch Tràng An mà chúng ta luôn tự hào ấy có tự khi nào? Câu trả lời không phải là một con số cố định, chính xác, cụ thể. Văn hóa Thăng Long được bồi đắp, lắng tụ như phù sa sông Hồng suốt ngàn năm hình thành và phát triển.

Nền văn hóa ấy là công sức của lớp lớp thế hệ, tâm huyết và yêu thương, gắn bó với mảnh đất này dày công vun đắp, tạo dựng. Nhiều thứ có thể nói bằng lời, đọng lại bằng công trình nhưng cũng có những thứ rất tinh tế, mơ hồ chỉ có thể cảm nhận được bằng tâm hồn.

Chắc chắn, trong hàng ngàn năm xây đắp ấy, nền văn hóa Hà Nội không phải không có những cuộc va đập, xung đột, tiếp biến. Bởi thế, khi một số ý kiến cho rằng văn hóa Thăng Long - Hà Nội đang dần phôi phai thì không phải không có cơ sở.

mua xuan khai hoa ruc ro de ket qua ngot ngao
ảnh minh họa: Việt Anh

Đã có một bộ phận người dân ứng xử không đúng mực, có cả những thực thể văn hóa ngoại lai làm ảnh hưởng đến văn hóa bản địa. Đứng trên tầm bao quát thì mấy chục năm gần đây cũng chỉ là một lát cắt trong lịch sử ngàn năm.

Sự chệch choạc đôi phần này có lẽ cũng chỉ là một khúc ngắn trong dòng chảy bất tận về tương lai của văn hóa Hà Nội. Khi ta nhận ra “sự bất ổn” của khúc sông ấy, tức là ta đã bắt đầu quá trình làm mới, làm sạch dòng chảy của mình.

Ai cũng biết, xây thì lâu, phá thì nhanh. Công trình xây dựng càng lâu thì sự tỉ mỉ, kỹ càng lại càng được đánh giá cao, nhất là với văn hóa, từng lớp lang đóng góp của mỗi thế hệ đều là viên gạch bằng vàng.

Mùa xuân, với bao điều mới mẻ diệu kỳ là động lực to lớn để chúng ta hòa vào dòng chảy mạnh mẽ của đổi thay ấy. “Khai hoa” rực rỡ để “kết quả” ngọt ngào. Cùng với ước vọng mùa xuân, người Hà Nội đã và đang từng bước xây dựng cho mình một “bầu trời văn hóa” mang dấu ấn của thời đại mình.

Nguồn: TTTĐ
Phiên bản di động