Kết thúc chiến dịch, vi phạm trật tự đô thị vẫn chưa hồi kết?
Điểm mặt vi phạm tái diễn
Kế hoạch 01 của Ban Chỉ đạo 197 thành phố gồm 3 giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 1 - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức chấp hành các quy định, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn, bắt đầu từ khi triển khai kế hoạch đến hết ngày 28/2/2023.
Giai đoạn 2 - Ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm (từ 1/3/2023 – 31/3/2023); Giai đoạn 3 - Giai đoạn kiểm tra, duy trì (1/4/2023 đến 1/11/2023).
Trong giai đoạn 3, các lực lượng, đơn vị tiếp tục thực hiện, duy trì hiệu quả những biện pháp công tác tuyên truyền và kiểm tra, xử lý vi phạm theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, trong giai đoạn này, Ban Chỉ đạo 197 thành phố và các cấp tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý, duy trì trật tự an toàn giao thông, đô thị, công cộng trên địa bàn, kiên quyết không để vi phạm tái diễn.
Song, theo ghi nhận của chúng tôi, đến thời điểm này, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, dừng đỗ phương tiện lại tái diễn tại nhiều khu vực.
Vỉa hè thành quán ăn ở ngõ 553 Giải Phóng |
Phố Trần Đại Nghĩa (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng), trên vỉa hè người ăn người uống, dưới lòng đường phương tiện đỗ ngổn ngang ngay tại khu vực gần ngã tư (ảnh chụp ngày 1/11) |
Hình ảnh ghi nhận tại ngõ 54 Lê Quang Đạo (phường Phú Đô) |
Không khó để lấy ví dụ cho những trường hợp tái diễn vi phạm.
Tại một số tuyến đường như phố Trần Đại Nghĩa (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng), ngõ Gốc Đề (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng); Ngõ 553 đường Giải Phóng (phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai), khu vực vườn hoa Xã Đàn (phường Phương Liên, quận Đống Đa); Phố Nguyễn Văn Tuyết (phường Trung Liệt, quận Đống Đa), trước cổng trường Đại học Giao thông vận tải (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình); Ngõ 54 phố Lưu Quang Đạo (phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm)… tình trạng hàng quán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi bày bàn ghế, biển hiệu quảng cáo, dừng đỗ phương tiện với mục đích kinh doanh gây cản trở, mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị diễn ra khá phổ biến.
Đáng chú ý, nhiều địa bàn vi phạm xảy ra rất nhiều, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, khiến họ nhiều lần phải phản ánh đến cơ quan báo chí (phường Ngọc Khánh, phường Phương Liên)…
Không chỉ đối mặt với tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, bộ mặt đô thị Thủ đô đang trở lên nhếch nhác với tình trạng tổ chức trông giữ phương tiện sai nội dung, diện tích được cấp phép.
Vỉa hè đã bị chiếm dụng tại phố Hoàng Cầu (phường Ô Chợ Dừa) |
Đơn cử, tại khu vực vườn hoa Xã Đàn; phố Hoàng Cầu đoạn từ ngõ 113 đến giáp với trụ sở UBND phường Ô Chợ Dừa… để đảm bảo nhu cầu của người dân, UBND quận Đống Đa đã cho phép một số đơn vị tổ chức trông giữ phương tiện trên vỉa hè.
Xe ô tô được đỗ tràn lan ngoài vỉa hè, dưới một phần lòng đường khu vực vườn hoa Xã Đàn |
Thế nhưng, trong quá trình hoạt động, chủ các bãi xe đã ngang nhiên tổ chức trông giữ phương tiện quá diện tích được cấp gây mất trật tự, an toàn giao thông…
Kỳ vọng đề án cho thuê vỉa hè
Qua quá trình theo sát, phản ánh nỗ lực của Ban Chỉ đạo 197 các cấp TP Hà Nội thực hiện Kế hoạch 01, có thể thấy rằng, công tác quản lý trật tự đô thị luôn là một trong những vấn “đề nóng” ở Thủ đô. Công tác này thường xuyên rơi vào cảnh “ném đá ao bèo”…
Lý do được đưa ra chủ yếu là do đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.
Từ đó, ý thức của người dân là “có” nhưng cố tình vi phạm. Bởi khi thấy lực lượng chức năng từ xa, những người vi phạm không ai bảo ai, nhanh tay dọn dẹp bàn ghế, biển hiệu, hàng hóa bày bán lấn chiếm.
Từ đó, các quan chức năng lo ngại, nếu làm mạnh, làm rắn cuộc sống của người dân, đặc biệt là những hộ kinh doanh phụ thuộc vào việc buôn bán lấn chiếm vỉa hè chắc hắn sẽ bị ảnh hưởng.
Số còn lại thì do lực lượng chức năng chưa sâu sát địa bàn, làm chiếu lệ nên tính răn đe chưa cao, tất yếu tái diễn vi phạm.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Mai Dịch cho biết: “Trong thời gian triển khai thực hiện Kế hoạch 01, chúng tôi đã nhiều lần ra quân lập lại trật tự đô thị, thu giữ nhiều, phạt cũng không ít nhưng ý thức của một số người dân vẫn là tranh thủ và lợi dụng vắng bóng lực lượng Ban Chỉ đạo 197 là tái diễn vi phạm".
Ban Chỉ đạo 197 phường Mai Dịch liên tục ra quân trong cao điểm 30 đêm lập lại trật tự đô thị |
Ông Tuấn Anh cho biết, nhiều người bị nhắc nhở, phạt đến lần thứ 3 thì lại chuyển sang “xin” và trình bày lý do là vì thu nhập của cả nhà chỉ trông chờ vào mấy cốc trà, miếng bánh bán ở vỉa hè…
"Còn tại các khu vực nhiều hàng quán, tình trạng để xe tràn lan trên vỉa hè lại phần lớn do các bạn sinh viên chưa có ý thức cao. Hiện chúng tôi đang duy trì đảm bảo công tác này trong 30 đêm cao điểm lập lại trật tự đô thị đến hết 15/11", ông Tuấn Anh nói thêm.
Đồng quan điểm trên, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La Phùng Công Thế cho biết, với sự quyết liệt của các lực lượng chức năng công tác đảm bảo trật tự đô thị trên địa bàn phường đã có những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, tại một số khu vực tập trung đông người, nhu cầu mua bán lớn… chỉ cần vắng bóng các lực lượng chức năng, một số trường hợp lại cố tình vi phạm.
“Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 197 phường Xuân La sẽ tiếp tục yêu cầu các đơn vị tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, chốt trực, kiểm tra, xử phạt ở mức cao nhất… để tạo sức răn đe, ngăn chặn các trường hợp cố tình tái vi phạm”, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La Phùng Công Thế chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vưc quản lý trật tự đô thị đánh giá, từ năm 2014 đến nay, Hà Nội đã 5 lần phát động chiến dịch giành lại vỉa hè...
Thế nhưng, hết chiến dịch này đến chiến dịch khác trôi qua, chỉ được một thời gian công tác quản lý trật tự đô thị lại nhanh chóng rơi vào cảnh “ném đá ao bèo”.
Do đó, nếu không có những biện pháp đủ mạnh, đúng và trúng thì mục tiêu giành lại vỉa hè cho người đi bộ tại Hà Nội sẽ không thoát khỏi vòng luẩn quẩn “Ra quân - Tái diễn - Ra quân…”.
Để thực hiện được mục tiêu này, đề án cho thuê vỉa hè làm nơi kinh doanh lại đang được kỳ vọng trở thành phương án khả thi.
Từ năm 2014 đến nay, Hà Nội đã 5 lần phát động chiến dịch giành lại vỉa hè. Năm 2014, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố về “Năm trật tự và văn minh đô thị”. Năm 2015, thành phố tiếp tục thực hiện “Năm trật tự văn minh đô thị” với kỳ vọng sẽ tạo ra những kết quả thiết thực hơn. Năm 2017, Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng, bao gồm các hành vi vi phạm tại lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện. Năm 2018, UBND thành phố Hà Nội ban hành quy định chi tiết về việc sử dụng tạm thời hè phố đối với đường đô thị trên địa bàn Hà Nội. Năm 2023, Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội đã triển khai Kế hoạch 01 về việc tổng kiểm tra xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng trên địa bàn. |